Nâng cao hiệu quả công tác dân vận vùng đặc thù ở Hà Tĩnh là nền tảng để củng cố cơ sở chính trị, thắt chặt tình quân dân, đưa các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về vùng sâu, vùng xa...
|
LLVT Hương Khê vận động đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre (xã Hương Liên)
chăm lo làm ăn, thực hiện nếp sống văn minh, có ý thức bảo vệ biên giới. |
Mới sáng sớm nhưng trong khuôn viên Nhà văn hóa thôn Tây Hà, xã Kỳ Hà (TX Kỳ Anh) đã đông vui khác thường. Cán bộ, nhân viên Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã Kỳ Anh đã về cùng với bà con nhân dân trong thôn xây dựng các hạng mục của mô hình “Giáo xứ văn minh - xanh - sạch - đẹp”. Ai nấy đều nhanh tay xây tường rào, làm nhà vệ sinh, ghép gạch lát sân, hoàn thiện cổng nhà văn hóa, làm cột cờ, kẻ vạch sân bóng chuyền, lắp điện chiếu sáng... để sớm hoàn thành công trình. Đây là công trình được hưởng lợi từ Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của LLVT Quân khu 4 ở vùng đặc thù trên địa bàn Quân khu giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo” (gọi tắt là Đề án 2036).
Trưởng ban Hành giáo Giáo xứ Đồng Hòa (xã Kỳ Hà) Nguyễn Tiến Minh chia sẻ: “Nhà văn hóa thôn vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng, bà con giáo dân rất biết ơn bộ đội cùng các lực lượng đã hỗ trợ 200 triệu đồng và huy động hàng trăm ngày công đồng hành giúp đỡ bà con trong suốt thời gian qua”.
Tại thôn Hoàng Dụ của xã Kỳ Khang (huyện Kỳ Anh), mô hình “Khu sinh hoạt văn hóa cộng đồng thôn” (nguồn hỗ trợ của Đề án 2036) cũng đang được cán bộ, nhân viên Ban CHQS huyện, lực lượng dân quân, bộ đội biên phòng và bà con nhân dân đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Công trình ý nghĩa này được hỗ trợ 500 triệu đồng, gồm 2 hạng mục chính là sân bóng chuyền da và bóng chuyền hơi với hệ thống cột lưới, bóng đèn chiếu sáng, cổng vào, lát gạch khuôn viên, quét sơn tường rào, làm bồn hoa cây cảnh, lắp đặt bộ dụng cụ luyện tập thể thao đa năng... Công trình không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi giải trí cho bà con nhân dân mà còn giúp địa phương củng cố, nâng cấp tiêu chí NTM.
Hà Tĩnh là địa bàn trọng điểm có các yếu tố đặc thù với 75/216 xã, phường, thị trấn có tính chiến lược về quốc phòng - an ninh. Tại những vùng trọng điểm này, có 2 tôn giáo lớn là Công giáo và Phật giáo (chiếm 14,1% dân số), có 22 xã tỷ lệ giáo dân chiếm trên 30%, 71 thôn giáo toàn tòng; có 5 dân tộc thiểu số (Lào, Chứt, Mường, Mán, Thái) chủ yếu sinh sống ở vùng biên giới với 492 hộ/1.975 khẩu. Mặt bằng dân trí không đồng đều, đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn... Do đó, việc LLVT tăng cường công tác dân vận ở các vùng đặc thù này là rất cần thiết.
Ngày 19/5/2023, Bộ Quốc phòng phê duyệt Đề án 2036 của Quân khu 4 và LLVT Hà Tĩnh đã nhanh chóng vào cuộc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Theo đó, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh các văn bản chỉ đạo, lãnh đạo, đôn đốc, hướng dẫn để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hành động cho cán bộ, đảng viên, LLVT và Nhân dân về công tác dân vận vùng đặc thù. Với vai trò là cơ quan thường trực, Bộ CHQS tỉnh cũng đã chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án 2036 nhằm huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo sự thống nhất trong chỉ đạo triển khai thực hiện.
Ngoài 2 mô hình thí điểm được xây dựng ở Kỳ Anh thì các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị bước đầu cũng đã xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án 2036 bằng cách lồng ghép với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; kết hợp ngân sách thực hiện đề án với ngân sách thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn kinh phí hợp pháp khác; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa quân sự, biên phòng, công an và cấp ủy, chính quyền địa phương trong nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tiếp dân, đối thoại với dân, giải quyết các vấn đề bức xúc...
Đại tá Nguyễn Huy Tâm - Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình triển khai nhằm phát hiện, lan tỏa những mô hình hay, cách làm sáng tạo, nhân rộng các điển hình tiên tiến và từng bước khắc phục các tồn tại, hạn chế.
Phấn đấu đến năm 2025 có 100% cán bộ, chiến sỹ được học tập, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về công tác dân vận vùng đặc thù; hằng năm bồi dưỡng, tập huấn cho 100% cán bộ, chiến sỹ làm công tác dân vận ở vùng đặc thù; 100% cán bộ thuộc các đơn vị đóng quân trên địa bàn vùng đặc thù có kiến thức về công tác dân tộc, tôn giáo. Cùng với đó, mỗi năm bồi dưỡng 3-5% quân nhân là con em ở vùng đặc thù trong LLVT tỉnh để phát triển Đảng và tạo nguồn cán bộ cốt cán cho địa phương sau xuất ngũ; 100% cơ quan, đơn vị nắm chắc tình hình địa bàn, không để bị động, bất ngờ, xử lý tốt các tình huống nảy sinh...”.
(baohatinh.vn)