Thứ Năm, 9/1/2025
Gia Lai: Nâng cao hiệu quả công tác dân vận chính quyền các cấp

 Tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật trong đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên

Quán triệt chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh Gia Lai đã chủ động ban hành các văn bản và triển khai thực hiện có hiệu quả công tác dân vận chính quyền như: Tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; ban hành quy định trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền trong việc tiếp thu ý kiến đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tích cực triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn trong sản xuất và đời sống; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; chú trọng công tác tiếp dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo; quan tâm công tác khám-chữa bệnh, y tế dự phòng, kiểm soát dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân…

Nhờ triển khai thực hiện hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, năm 2017, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có bước phát triển. Đến nay, 100% thôn, làng, 96% số hộ trong tỉnh được dùng điện lưới quốc gia; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; 100% thôn, làng được phủ sóng phát thanh, truyền hình và sóng điện thoại di động. Thu nhập bình quân đầu người đạt 41,58 triệu đồng/năm, đến cuối năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 13,95%; 100% xã được phổ cập giáo dục THCS; 68,47% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% xã có điểm phục vụ bưu chính viễn thông; 60% thôn, làng đạt danh hiệu văn hóa; 88,9% người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị theo quy định; hệ thống chính trị ở cơ sở được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được giữ vững, ổn định.

Công tác cải cách hành chính cũng được quan tâm và chuyển biến tích cực. Trong năm 2017, các cơ quan chức năng đã ban hành 52 quyết định công bố thủ tục hành chính, công bố 803 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh (259 thủ tục hành chính mới ban hành, 392 thủ tục hành chính sửa đổi và bãi bỏ 152 thủ tục hành chính); tiến hành rà soát 18 thủ tục hành chính và tỷ lệ cắt giảm chi phí 18%. Công bố số điện thoại đường dây nóng, trang thông tin điện tử tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân.

Công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo giải quyết kịp thời, có hiệu quả; trong năm đã tiếp 4.276 lượt công dân đến phản ánh, khiếu nại, tố cáo (tăng 1.355 lượt so với năm 2016). Duy trì có chất lượng mô hình một cửa điện tử liên thông; đến nay, 17/20 sở, ban, ngành, 17/17 đơn vị hành chính cấp huyện, 65/222 UBND cấp xã được triển khai mô hình một cửa điện tử liên thông; 20/20 sở, ban, ngành, 17/17 đơn vị hành chính cấp huyện, 222/222 đơn vị hành chính cấp xã đã triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành; 53/53 cơ quan, đơn vị, địa phương công bố hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 theo quy định...

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Kết luận số 114-KL/TW trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế. Theo đó, việc cụ thể hóa chủ trương về công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước có mặt còn hạn chế như: Việc xây dựng chương trình, kế hoạch công tác dân vận chính quyền ở một số địa phương, đơn vị còn chậm; Công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh chưa đạt được kết quả như mong muốn; sự phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị có lúc, có nơi còn thiếu chặt chẽ; công tác tiếp dân của lãnh đạo chính quyền các cấp tuy đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân; nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, chính quyền về công tác dân vận còn có mặt hạn chế, ỷ lại vào bộ máy hành chính và các giải pháp hành chính, coi nhẹ giải pháp tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân.

Từ thực tiễn việc triển khai Kết luận số 114-KL/TW trên địa bàn tỉnh thời gian qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm:

Một là, xác định rõ quan điểm công tác dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó vận hành linh hoạt cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước thực hiện, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội tham mưu và nòng cốt. Từ đó, có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện.

Hai là, trong chỉ đạo và điều hành của chính quyền các cấp cần ban hành các cơ chế, chính sách sát với thực tiễn, phù hợp với lợi ích của người dân, tạo điều kiện để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến và coi trọng công tác tổ chức thực hiện.

Ba là, chính quyền các cấp cần tạo điều kiện thuận lợi cho MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội hoạt động; chủ động phối hợp với Ban Dân vận, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đồng thời, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân.

Cuối cùng là, trong bất cứ thời điểm nào cũng giữ vững quan điểm “lấy dân làm gốc”, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, hướng về cơ sở, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để tham mưu cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời những kiến nghị chính đáng của nhân dân; quan tâm chăm lo xây dựng hệ thống chính trị cơ sở thực sự vững mạnh.

Theo www.baogialai.com.vn, ngày 14/03/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất