Sau hơn 9 năm thực hiện Chỉ thị về tổ chức thực hiện “Năm dân vận chính quyền” của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương về công tác dân vận nói chung, công tác dân vận của chính quyền nói riêng đã được nâng lên rõ rệt.
Chính quyền các cấp đã thực hiện khá tốt quy chế tiếp dân, thường xuyên tổ chức đối thoại với công dân. Việc quản lý điều hành giải quyết những vụ việc liên quan đến quyền lợi của dân nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả hơn. Nhiều chương trình dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hoá có liên quan đến người dân đều được triển khai lấy ý kiến hoặc trực tiếp đối thoại với dân. Việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, cải cách thủ tục hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, quan liêu, phòng ngừa tham nhũng có hiệu quả tốt hơn, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của chính quyền các cấp.
Kết quả quan trọng của công tác dân vận của chính quyền trong thời gian qua là trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình “Dân vận khéo”. Điển hình như trong vận động nhân dân tham gia mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; xây dựng cộng đồng, khu dân cư không có tội phạm tệ nạn xã hội; vận động nhân dân đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn; các hoạt động nhân đạo từ thiện; triển khai các hoạt động kết nghĩa với các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số… Đặc biệt, Mặt trận và các đoàn thể đã tích cực hưởng ứng xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” mang tính đặc thù hoạt động của từng tổ chức đoàn hội, lấy việc chăm lo lợi ích của đoàn viên, hội viên làm đối tượng trọng tâm của các mô hình. Tiêu biểu là mô hình “Dân vận khéo” trong việc xây dựng nhà đại đoàn kết, quỹ vì người nghèo của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc; Mái ấm Công đoàn, Quỹ vì nữ công nhân nghèo của Liên đoàn Lao động; mô hình nông dân sản xuất giỏi của Hội Nông dân, mô hình ủng hộ vì Mái ấm đồng đội, xoá nhà tạm hội viên, vận động khéo trong công tác đền bù giải toả mặt bằng của Hội Cựu chiến binh … Với qui mô, số lượng lớn, các mô hình “Dân vận khéo” đã tác động tích cực đến sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện thành công phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, công tác dân vận của chính quyền còn một số lĩnh vực chưa đạt yêu cầu, một số nhiệm vụ cụ thể còn chuyển biến chậm. Còn không ít cơ quan, đơn vị chưa cụ thể hoá nhiệm vụ của ngành mình sát với yêu cầu thực tế và chưa chuyển biến mạnh mẽ trong một bộ phận cán bộ công chức, viên chức trong các cơ quan công quyền về tác phong dân vận; một số nơi vẫn còn tình trạng nặng về hành chính, nhũng nhiễu, phiền hà, tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ cơ quan công quyền có lúc, có nơi chưa tốt, gây bức xúc cho nhân dân...
Trước tình hình trên, ngày 19/3/2018, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Chỉ thị số 28 CT/TU về “Năm dân vận chính quyền”. Theo đó, tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nâng cao đạo đức công vụ, tăng cường đánh giá sự hài lòng của người dân, đơn vị, sự phục vụ của các cơ quan Nhà nước và đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; tổ chức tốt công tác tiếp dân; phát huy vai trò của người đứng đầu các cấp chính quyền trong việc đối thoại với nhân dân, lắng nghe và giải quyết kịp thời những kiến nghị, bức xúc, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tập trung vào giải quyết dứt điểm đơn thư, khiếu nại tố cáo nhất là các vụ việc phức tạp, lâu dài không để phát sinh “điểm nóng”.
Trong thời gian tới, để công tác dân vận của chính quyền đạt được kết quả tốt hơn nữa cần phải có sự nỗ lực phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đặc biệt là trong công tác vận động quần chúng. Hiệu quả mang lại của công tác dân vận trong tình hình mới sẽ tác động tích cực đến lòng tin của người dân và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên toàn tỉnh.
Mai Thị Lan Anh, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ Đắk Lắk