Thứ Ba, 23/4/2024
Bám địa bàn, giúp dân ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ

 Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động BĐBP Hà Giang giúp nhân dân di chuyển người và tài sản đến vị trí an toàn.

Hậu quả nặng nề

Tính đến ngày 26-6, trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã ghi nhận có 23 người chết và mất tích, tập trung chủ yếu ở các huyện Nậm Nhùn, Than Uyên, Sìn Hồ, Mường Tè, Tam Đường. Trong đó, huyện Sìn Hồ là địa phương có số lượng người chết và mất tích nhiều nhất (14 người). Ngoài ra, mưa lớn trên địa bàn cũng làm hơn 150 nhà dân bị hư hỏng do đất đá trôi, sạt vào trong nhà, 4 trại nuôi cá nước lạnh, gần 50 con trâu, hơn 5.000 con gia cầm, gần 450ha lúa, hoa màu và hơn 40 công trình thủy lợi, nước sinh hoạt bị lũ cuốn trôi, đất đá vùi lấp. Thiệt hại nặng nhất là về giao thông, đã có 4 cây cầu treo và cầu bê tông bị lũ cuốn trôi. Các tuyến đường Quốc lộ 32, 4D, 4H, 279 và các tuyến tỉnh lộ, đường liên xã, liên bản đều bị sạt lở nghiêm trọng. 

Huyện biên giới Mường Tè cũng là một trong những địa phương của tỉnh Lai Châu chịu nhiều thiệt hại (ước tính trên 20 tỷ đồng), có 1 người chết do sạt lở lán thi công sửa chữa đường; trên 10ha ao cá và hoa màu hư hại, trên 100 điểm giao thông sạt lở, hệ thống cầu tạm bị trôi, nhiều công trình thủy lợi hỏng, 1 trường học bị lũ tràn qua phá huỷ, 14 hộ dân bị sạt lún phải chuyển đến nơi an toàn. Trên toàn tỉnh Lai Châu, đợt mưa lũ vừa qua gây thiệt hại ước tính lên đến  80 tỷ đồng.  

 Tỉnh Hà Giang cũng là một trong những địa phương chịu nhiều tổn thất trong đợt mưa lũ vừa qua. Toàn tỉnh có 3 người chết, nhiều tuyến đường bị hư hỏng nặng, nhiều công trình trường học, kè bờ sông và diện tích lớn hoa màu của đồng bào dân tộc thiểu số có nguy cơ bị mất trắng. Mưa lũ cũng làm 837 căn nhà tại các huyện Vị Xuyên, Quản Bạ, Yên Minh và thành phố Hà Giang bị ngập úng, trong đó, 8 ngôi nhà ở huyện Vị Xuyên và huyện Quang Bình bị sập hoàn toàn, 16 ngôi nhà ở huyện Quản Bạ và Yên Minh bị lũ cuốn trôi...

 Bên cạnh đó, trận mưa lũ lịch sử cũng khiến sản xuất nông nghiệp và nuôi  trồng thủy sản của Hà Giang bị thiệt hại nặng và phải mất thời gian dài mới khắc phục được. Trên địa bàn huyện Vị Xuyên đã có 10 con trâu bị lũ cuốn trôi, 227 ha cây cối, hoa màu bị ngập úng, gần 150ha lúa ngô bị vùi lấp, cuốn trôi, hàng trăm héc-ta mạ ở các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang bị ngập úng, gần 10 lồng cá và hàng chục tấn cá ở huyện Vị Xuyên bị lũ cuốn trôi. Nhiều diện tích ao cá bị ngập, vỡ và tràn bờ; gần 60 đàn ong mật của huyện Yên Minh bị lũ cuốn trôi. Mưa to kéo dài gây lũ lớn đã khiến nhiều tuyến giao thông bị chia cắt, nhiều địa phương bị cô lập hoàn toàn. Ước tính ban đầu của cơ quan chuyên môn, toàn tỉnh Hà Giang bị thiệt hại khoảng 24 tỷ đồng.

Bám địa bàn giúp dân

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu, trong và sau khi mưa lũ xảy ra, chính quyền địa phương, các đơn vị vũ trang, trong đó có BĐBP các tỉnh Lai Châu và Hà Giang đã điều động cán bộ, chiến sĩ bám địa bàn, giúp dân ứng phó, khắc phục hậu quả.

Tại xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, mưa lũ đã làm sạt lở, cuốn trôi lán trại khiến một công nhân của doanh nghiệp đang thi công đường tại địa bàn bị mất tích. Nhận được thông tin, Đồn Biên phòng Thu Lũm đã cử cán bộ, chiến sĩ phối hợp với các lực lượng, chính quyền địa phương tổ chức tìm kiếm, cứu nạn. Cùng thời điểm này, lượng mưa lớn khiến cho nước sông, suối dâng cao làm cho điểm Trường Tiểu học bản Phìn Khò và nhiều nhà dân ở bản Mù Cả, xã Mù Cả có nguy cơ bị nước cuốn trôi. Đồn Biên phòng Mù Cả đã cử cán bộ, chiến sĩ phối hợp với chính quyền địa phương di chuyển các hộ trên đến vị trí an toàn. Do mưa lũ xảy ra trên diện rộng nên các Đồn Biên phòng Huổi Luông, Cửa khẩu Ma Lù Thàng, Vàng Ma Chải, Sì Lờ Lầu, Hua Bum, Pa Tần, Pa Ủ cũng đã huy động tối đa lực lượng bám địa bàn, giúp nhân dân trong vùng di chuyển ra khỏi nơi nguy hiểm đưa đến vị trí an toàn.

Đặc biệt, tại địa bàn xã Pa Tần, huyện Sìn Hồ, do Thủy điện Nậm Na xả lũ khiến cho hàng trăm hộ dân địa phương ở hạ lưu đứng trước nguy cơ bị ngập úng, chia cắt, Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu đã huy động 60 cán bộ, chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động khẩn trương xuống địa bàn giúp dân di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Thượng tá Lê Công Thành, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Lai Châu cho biết: “Công tác giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn biên giới tỉnh Lai Châu gặp rất nhiều khó khăn do nước sông, suối còn rất lớn. Đặc biệt, nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch bị sạt lở nghiêm trọng, một số nơi bị cô lập hoàn toàn khiến cho việc cơ động lực lượng đến cứu hộ, cứu nạn gặp nhiều trở ngại. Chúng tôi đã chỉ đạo, động viên cán bộ, chiến sĩ khắc phục khó khăn, nhanh chóng hỗ trợ nhân dân ổn định cuộc sống”.

Cũng trong đợt mưa lũ vừa qua, Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang đã điều động hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia giúp nhân dân ở các địa bàn xung yếu kịp thời ứng phó và khắc phục hậu quả. Trong những ngày qua, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động BĐBP Hà Giang đã đến những vùng trũng, thấp của thành phố Hà Giang hỗ trợ nhân dân, chính quyền địa phương di chuyển người và tài sản lên các địa điểm cao. Cán bộ, chiến sĩ các Đồn Biên phòng Săm Pun, Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy đã tích cực hỗ trợ hàng chục hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, đồng thời tham gia giải phóng đất, đá sạt lở trên các tuyến đường giao thông huyết mạch để giao thông đi lại được dễ dàng.

Viết Lam/Báo Biên phòng

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất