Thứ Bảy, 11/1/2025
4 nguyên nhân dẫn tới trì trệ và trách nhiệm của các bộ

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị trên, Thủ tướng chỉ ra 4 nguyên nhân dẫn tới sự trì trệ. Đó là chưa tuân thủ đúng tinh thần kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kỷ cương phép nước chưa nghiêm; tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm còn xảy ra trầm trọng, kéo dài; bệnh quan liêu, xa dân.

Đánh giá cao những kết quả tích cực về kinh tế-xã hội 6 tháng qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, mặc dù đạt tăng trưởng cao nhất trong 8 năm qua, nhưng quán tính, động năng tăng trưởng đang giảm đi (từ 7,45% của quý I đã giảm xuống còn 6,79% của quý II và 7,08% của 6 tháng đầu năm).

Thủ tướng bày tỏ: “Đất nước có phát triển nhiều mặt nhưng thu nhập bình quân đầu người tính trên GDP còn thấp như vậy, chưa phải là tự hào của người lãnh đạo. Phải trăn trở điều này để chúng ta đào sâu suy nghĩ, tìm giải pháp mới”.

Thủ tướng nêu rõ, môi trường kinh doanh cần được cải thiện mạnh mẽ hơn với nguyên tắc bình đẳng, an toàn, minh bạch và giảm chi phí. Cần cải thiện mạnh mẽ hơn nữa hiệu quả và hiệu lực quản lý Nhà nước nhờ sự trợ giúp của công nghệ thông tin và công tác đánh giá cán bộ. Tránh tình trạng “cán bộ mà cứ ôm vào mình quyền lợi không chính đáng”.

Hai năm gần đây, môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện nhưng mức độ quyết liệt, cải cách thực chất chưa đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương. Sức ỳ của cải cách đã xuất hiện và ngày càng lớn.

Thủ tướng nêu rõ, không thể để tình trạng không làm cũng không sao hoặc làm không tốt cũng không sao. Chúng ta không thể dung túng cho sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm, không cần nỗ lực của cán bộ. Cần cơ chế đánh giá cán bộ tốt hơn, công bằng hơn.

Thủ tướng đề nghị tiếp tục hủy bỏ những điều kiện kinh doanh vô lý, không cần thiết với tiến độ nhanh hơn, phát hiện và ngăn chặn nguy cơ xuất hiện những điều kiện kinh doanh mới, núp bóng ở những thể chế, chính sách pháp luật mới ban hành, nhất là từ cấp bộ. Nền kinh tế cần lấy mục tiêu hiệu quả làm đầu, cả doanh nghiệp Nhà nước và dân doanh cần chú ý điều này.

Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh nhưng đến hết quý II/2018, mới có 378 điều kiện kinh doanh trên hơn 5.700 điều kiện kinh doanh được thực sự bãi bỏ, sửa đổi, đơn giản hóa, chỉ bằng khoảng trên 13%.

Mặc dù ngày 31/10/2018 là thời hạn Chính phủ yêu cầu ban hành đủ các nghị định về cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh hiện có nhưng đến nay mới có Bộ Công Thương có nghị định và Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình dự thảo nghị định. Còn các bộ, ngành khác đang xây dựng hoặc chưa xây dựng.

Yêu cầu là cắt giảm 50% danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành trong năm 2018 nhưng các bộ chưa quyết liệt triển khai, kết quả còn rất hạn chế.

“Vẫn còn thời gian để các đồng chí khắc phục”, Thủ tướng nêu rõ. Các bộ cần khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trước ngày 15/8/2018 để bảo đảm thời hạn. Nội dung sửa đổi phải bảo đảm cắt bỏ thực chất quy định về điều kiện kinh doanh, phải rõ ràng, tránh tình trạng có thể hiểu và thực thi theo nhiều cách mà phần đúng luôn thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước, còn phần sai do doanh nghiệp, người dân.

“Đã hai năm rưỡi trôi qua, tức một nửa nhiệm kỳ, nhân Hội nghị 6 tháng đầu năm này, tôi đề nghị từng thành viên Chính phủ nên đánh giá lại ngành mình, từng Chủ tịch tỉnh, Bí thư tỉnh ủy nên đánh giá lại địa phương mình và cá nhân mình đã làm được gì, đã cố gắng như thế nào để vươn lên hơn nữa, đáp ứng yêu cầu của đất nước, của nhân dân, của nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao. Từng cơ quan, từng cá nhân phải suy nghĩ đổi mới sáng tạo để phát triển, trong đó có việc thực hiện tốt chủ trương phòng chống tham nhũng và lợi ích nhóm”, Thủ tướng nói.

Các bộ cắt giảm điều kiện kinh doanh tới đâu?

Trong khi đó, theo báo cáo của Tổ công tác của Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, đến nay nhiều hạn chế, bất cập liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành chưa được các bộ khắc phục triệt để.

Cụ thể, tỷ lệ cắt giảm danh mục sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành chưa đạt tỷ lệ theo yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chỉ có 4 bộ đạt chỉ tiêu cắt giảm từ 50% trở lên gồm: Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng. Còn tình trạng “điện tử nửa vời” trong việc thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành...

Cùng với đó, hầu hết các bộ mới đang trong quá trình rà soát, đề xuất phương án đơn giản, cắt giảm các điều kiện kinh doanh. Trong phương án đề xuất đơn giản hóa, cắt giảm, một số bộ chưa đạt tỷ lệ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng là 50%...

“Cá biệt có bộ chưa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh và danh mục hàng hóa, thủ tục kiểm tra chuyên ngành”, báo cáo của Tổ công tác của Thủ tướng cho biết.

Còn theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ nay đến thời hạn phải ban hành Nghị định sửa đổi các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh (ngày 31/10/2018) chỉ còn 4 tháng, ngoài Bộ Công Thương đã có Nghị định sửa đổi, bổ sung điều kiện kinh doanh, thì mới có 2 Bộ (gồm Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định.

Trong đó, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng đã lấy ý kiến Thành viên Chính phủ từ ngày 03/5/2018, nhưng sau gần 2 tháng , Nghị định này vẫn đang hoàn thiện và chưa được ban hành.

Hầu hết các bộ còn lại đang xây dựng phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh và chuẩn bị dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung điều kiện kinh doanh.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc rà soát, đề xuất cắt giảm danh mục hàng hoá kiểm tra chuyên ngành đã có một số chuyển biến trong quý II/2018, nhưng chưa đồng đều, chỉ tập trung ở một số ít bộ.  Hầu hết các bộ đang thực hiện ở giai đoạn đề xuất phương án, chưa hiện thực hóa bằng việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, kết quả còn thấp so với yêu cầu của Chính phủ.

Cải cách các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành mới chỉ đạt kết quả bước đầu ở một số bộ trong một số lĩnh vực (như Y tế, Công Thương, Xây dựng), song vẫn còn quá ít so với yêu cầu và mức độ vào cuộc của các bộ vẫn còn khác biệt.

Những vướng mắc trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành như danh mục mặt hàng nhiều, quản lý chồng chéo, quản lý không theo nguyên tắc rủi ro, chi phí kiểm tra chuyên ngành lớn… vẫn đang gây nhiều trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Hà Chính/chinhphu.vn

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất