Thứ Hai, 25/11/2024
Bộ Y tế cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, điều kiện kinh doanh

Tính đến tháng 11/2018, sau khi rà soát các điều kiện đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính, Bộ Y tế đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.363/1.871 điều kiện đầu tư, kinh doanh (cắt giảm 72,85%); 169/234 thủ tục hành chính (cắt giảm 72,22%).

Trong đó, việc cắt giảm, đơn giản hóa danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã phối hợp với Tổng cục Hải quan xây dựng, ban hành Thông tư 05/2018/TT-BYT gồm 815 dòng hàng được chi tiết từ 5 mặt hàng được phân công quản lý. Theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ, số dòng hàng được miễn thủ tục là 5 dòng hàng.

Các dòng hàng còn lại (810 dòng hàng) thuộc nhóm sản phẩm tự công bố và được áp dụng kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu theo phương thức kiểm tra giảm. Tối thiểu 95% số lô hàng của 810 dòng hàng này sẽ không phải kiểm tra chuyên ngành.

Như vậy, khoảng 98% các lô hàng thực phẩm nhập khẩu thuộc đối tượng quản lý của Bộ Y tế thuộc 5 mặt hàng của 815 dòng hàng sẽ không phải qua kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu.

Đối với các sản phẩm hàng hóa khác thuộc danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc phạm vi được phân công quản lý của Bộ Y tế quy định tại Thông tư số 31/2017/TT-BYT ngày 25/7/2017, Bộ Y tế đã quy định không kiểm tra chuyên ngành khi thông quan tại cửa khẩu các mặt hàng này gồm: thuốc, nguyên liệu làm thuốc (bao gồm cả dược liệu); mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, mặt hàng phương tiện tránh thai và thiết bị y học cổ truyền.

Ông Trần Quý Tường cho biết, thông qua cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế, sẽ tiết kiệm được cho doanh nghiệp và người dân hơn 8,5 triệu ngày công/năm, với khoảng 3.332,5 tỷ đồng/ năm (chưa tính các lợi ích khác từ cơ hội kinh doanh).

Cụ thể, riêng theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, việc cắt giảm các thủ tục về công bố đối với sản phẩm, ước tính số sản phẩm tự công bố chiếm khoảng 90%, tức là cắt giảm 90% số lượng sản phẩm cần có giấy tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thời gian cần thiết để thực hiện việc công bố sản phẩm trước đây là 5.400.000 ngày công/năm, chi phí khoảng 675 tỷ đồng. Như vậy, với Nghị định này tiết kiệm được 4,86 triệu ngày công/năm, với chi phí 607,5 tỷ đồng/năm.

Cũng theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, trên 95% các lô hàng thực phẩm nhập khẩu thuộc đối tượng quản lý của Bộ Y tế sẽ không phải qua kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu. Ước tính tối thiểu, với Nghị định này tiết kiệm được gần 2,9 triệu ngày công/năm, với chi phí khoảng 2.500 tỷ đồng/năm.

Tựu chung, liên quan đến thủ tục công bố sản phẩm và kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu, Nghị định 15/2018/NĐ-CP tiết kiệm được hơn 7,75 triệu ngày công/năm, với chi phí 3.107,5 tỷ đồng/năm.

Thúy Hà/chinhphu.vn

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi