Chủ Nhật, 24/11/2024
Không để hình thành “điểm nóng”
 
Công an Cần Thơ gắn bảng tuyên truyền cung cấp số điện thoại đường dây nóng


Nhiều mô hình hiệu quả

Báo cáo sơ kết 2 năm thực hiện Phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới trong lực lượng công an nhân dân (CAND) giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ Công an cho thấy, thực hiện Quyết định số 1730/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tổ chức quán triệt và phát động phong trào, gắn với Phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc và các cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản  lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”, “CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”, “Dân vận khéo”… qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ trong công tác bảo đảm ANTT thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn nông thôn. Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động nắm bắt tình hình, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; đồng thời, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành các văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện tiêu chí số 19 an ninh, trật tự xã hội được giữ vững.

Thứ trưởng, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cho biết, Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đến nay đã có bước phát triển mới với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng; xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình tổ chức quần chúng làm công tác bảo vệ ANTT ở cơ sở theo hướng tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải, trong đó có nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả góp phần làm giảm tội phạm ở cơ sở. Hiện cả nước có 2.150 mô hình tổ chức quần chúng làm công tác bảo vệ ANTT ở cơ sở được xây dựng và triển khai, phần lớn tập trung ở địa bàn nông thôn. Chẳng hạn: “Mô hình Tự quản về an ninh, trật tự”, “Nông dân với pháp luật”, “Xóm đạo bình yên”, “Dòng họ an toàn về an ninh, trật tự”... Tùy tình hình thực tế, các địa phương đã xây dựng các mô hình phù hợp.

Đơn cử tại Đồng Nai, ngành công an đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình hiệu quả trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh trật tự tại ấp, xã. Điển hình như mô hình “Tiếng kẻng an ninh trật tự”, mỗi khu dân cư được bố trí 1 kẻng an ninh. Tại TP Cần Thơ, các mô hình dân vận khéo trong phòng, chống tội phạm tại nông thôn cũng được triển khai với nhóm mô hình, tiêu biểu như mô hình “Cổng rào an ninh trật tự”, “Móc khóa tố giác tội phạm”, bảng thông báo số điện thoại đường dây nóng... Ngoài ra, nhiều địa phương còn quyết định công nhận ấp, khu vực, xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn “3 không” (không tội phạm, không ma túy, không mại dâm). Đây là tiêu chuẩn bắt buộc các xã đạt được trong thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự về xây dựng nông thôn mới… Nhờ các mô hình được triển khai có hiệu quả tại các khu vực nông thôn, qua đó quần chúng nhân dân đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; tích cực tham gia tố giác tội phạm, giúp đỡ lực lượng CAND trong công tác phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, bảo đảm ANTT khu vực nông thôn.

Giữ vững an ninh trật tự nông thôn

Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến tháng 12.2018, cả nước có 3.787 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 42,4% số xã), 61 đơn vị cấp huyện thuộc 31 tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới… Trong các tiêu chí đạt tỷ lệ cao, tiêu chí số 19 về quốc phòng và an ninh có 7.639 xã đạt chuẩn an toàn về ANTT, chiếm 85,35%...

Thời gian qua, Chương trình xây dựng nông thôn mới nói chung và thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự nói riêng tại các địa phương đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến chỉ rõ, đây chỉ là bước đầu và tiêu chí ANTT chưa thật sự bền vững. Bởi, đất nước đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới với nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức đan xen. Các nguy cơ an ninh truyền thống và phi truyền thống ngày càng bộc lộ rõ nét, gây mất ổn định về ANTT…

Trong khi đó, thực tế cho thấy, vai trò của cơ quan công an trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ở các vùng nông thôn vẫn chưa thực sự rõ nét; công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại một số địa phương vẫn còn  tồn tại, hạn chế: Một số ban, ngành, đoàn thể, địa phương chưa coi trọng công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, hoặc tham gia phối hợp cho có, không đầu tư kinh phí, phương tiện phục vụ công tác xây dựng phong trào, xem đây là nhiệm vụ của lực lượng công an nên hiệu quả chưa cao. Lực lượng chuyên trách làm công tác xây dựng phong trào còn thiếu, kinh nghiệm còn hạn chế, năng lực và hiệu quả công tác của một số ban công an xã chưa cao nên chất lượng tham mưu, phối hợp và hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở một số đơn vị, địa phương còn thấp. Hoạt động của một số mô hình còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu…

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham gia thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh: Thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự xã hội trong xây dựng nông thôn mới, các cấp chính quyền cũng như lực lượng công an cần xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Đối với lực lượng công an các cấp làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Qua đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. Bên cạnh đó, phải nắm chắc tình hình địa phương, kịp thời tham mưu giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện, mâu thuẫn trong nhân dân, không để hình thành các “điểm nóng” về an ninh nông thôn. Ngoài ra, cần chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải những mâu thuẫn, tranh chấp ở địa bàn nông thôn; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Trần Hải/ daibieunhandan.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất