Thứ Sáu, 10/1/2025
"Chính phủ tạo sức ép, nhưng nhiều nơi chưa thực tâm cải cách"

Mở đầu báo cáo vừa được công bố sáng 15/1, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhắc tới việc trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 1/11/2018, khi được hỏi về định hướng chính sách để phát triển kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh 2 nội dung: Gỡ bỏ rào cản cho doanh nghiệp (DN) và thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển.

Nhóm soạn thảo báo cáo nhận định, đây có lẽ là đúc kết ngắn gọn nhất về xu hướng xây dựng thể chế kinh tế năm 2018.

Dụng ý chính sách tương đối rõ ràng, xuyên suốt

Báo cáo cho biết, trong năm 2018, các cơ quan Nhà nước ở Trung ương ban hành 948 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 16 luật và 18 nghị quyết của Quốc hội, 1 pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 169 nghị định của Chính phủ, 51 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 590 thông tư của các bộ và 47 văn bản khác, chưa bao gồm các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do thiếu thông tin thống kê.

Theo VCCI, tinh thần gỡ bỏ rào cản, tạo thuận lợi tối đa cho DN, đặc biệt là các DN tư nhân được lan tỏa mạnh mẽ trong các cuộc thảo luận chính sách nói chung, cũng như trong các dự thảo văn bản được ban hành.

Các phương án cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh đã được chuyển hoá thành gần 30 nghị định trong nhiều lĩnh vực. Các bộ, ngành cũng đẩy mạnh ban hành các thông tư bãi bỏ và cắt giảm công tác kiểm tra chuyên ngành. Công tác cải cách thủ tục hành chính cũng được đẩy mạnh khi nhiều văn bản giảm về thành phần hồ sơ, thời gian làm thủ tục hoặc đẩy mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Đáng chú ý, một số ngành, lĩnh vực đã đưa ra nhiều sáng kiến lập pháp hoặc những quy định mới nhằm thu hút đầu tư tư nhân trong lĩnh vực của mình, điển hình trong số đó là nông nghiệp và giáo dục.

Xu hướng chính sách “gỡ bỏ rào cản cho DN và thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển” được thể hiện rất rõ trong các quy định pháp luật năm 2018. Về gỡ bỏ rào cản cho DN, điển hình là loạt nghị định cắt bỏ điều kiện đầu tư kinh doanh; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm kiểm tra chuyên ngành.

Về thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, đáng chú ý là các quy định ưu đãi, hỗ trợ trong nông nghiệp và các quy định về đầu tư tư nhân trong giáo dục.

“Đây không chỉ là những vấn đề có nhiều quy định pháp luật có tác động lớn được ban hành hoặc sửa đổi trong thời gian qua, mà còn thể hiện một dụng ý chính sách tương đối rõ ràng, xuyên suốt”, VCCI nhận định.

Báo cáo nhắc tới các ví dụ, điểm sáng thể hiện chuyển động tích cực trong tư duy của các bộ, ngành, rất nhiều điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ.

‘Nhiều nơi cải cách vì sức ép chứ không thực tâm’

Tuy nhiên, về phía cộng đồng DN cũng đặt ra nhiều câu hỏi, liệu các cải cách trên có thực chất không, có tác động thực tế tới DN không? Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI, qua rà soát, có sự chưa nhất quán giữa các bộ, ngành trong cắt giảm các điều kiện kinh doanh. Nhiều bất cập vẫn tồn tại.

Về các thủ tục hành chính, báo cáo nhận định, tuy đã được thúc đẩy cải cách, nhưng vẫn còn chặng đường dài. Hoạt động kiểm tra chuyên ngành đã chuyển động nhưng vẫn còn nhiều điểm vướng.

Về ưu đãi cho ngành nông nghiệp, báo cáo nhắc tới hàng loạt chính sách như ưu đãi với nông nghiệp công nghệ cao, ưu đãi nông nghiệp hữu cơ, ưu đãi DN đầu tư vào nông nghiệp hay ưu đãi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thậm chí cả ưu đãi mua bảo hiểm nông nghiệp... Tuy nhiên, báo cáo cho rằng chính sách ưu đãi vẫn chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi là quyền tài sản với đất đai, xử lý vi phạm về nhãn mác hàng hóa và thực thi hợp đồng.

Còn pháp luật về đầu tư tư nhân trong giáo dục được đánh giá là cởi mở với nhiều điều kiện kinh doanh được bãi bỏ, nhưng chưa nhất quán trong gia nhập thị trường và trong quyền tự quyết của DN.

“Bức tranh pháp luật kinh doanh năm 2018 không phải chỉ toàn các mảng sáng. Trong từng ngành, từng lĩnh vực vẫn có trường hợp các quan điểm, định hướng thể hiện trong tờ trình thì theo hướng tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, nhưng quy định cụ thể được đề xuất thì dường như đi ngược lại. Các quy định thu hút đầu tư tư nhân chưa nhất quán hoặc mới chỉ nặng về ưu đãi, hỗ trợ mà chưa chú trọng vào những yếu tố nền tảng của thị trường như quyền hợp đồng, quyền tài sản, minh bạch thông tin”, báo cáo tóm tắt các vấn đề bất cập.

Một điểm nổi bật trong dòng chảy pháp luật kinh doanh 2018 mà theo các đại biểu vừa đáng mừng, vừa đáng lo ngại, đó là động lực của cải cách.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, năm 2018 đánh dấu một giai đoạn cắt giảm điều kiện, thủ tục quyết liệt, 25 nghị định sửa đổi 80 nghị định về điều kiện kinh doanh là một bước tiến lớn, thực chất, mang tính bước ngoặt với một số ngành hàng. Thế nhưng hầu hết các bộ, ngành phải phải đợi đến tháng 10 mới trình Chính phủ, tức là dưới sức ép của Chính phủ.

“Mức độ công khai tham vấn rất khác nhau, nhiều bộ rất cầu thị khi hỏi các DN, hiệp hội, nhưng nhiều bộ, ngành lại hoàn toàn không tiến hành, tức là họ làm vì sức ép chứ không thực tâm”, ông Đậu Anh Tuấn nhận xét.

Cùng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận xét, trong năm qua, động lực cải cách là đến từ Chính phủ, hầu như chưa có bộ nào tự có sáng kiến cải cách.

Kỳ vọng năm 2019 của DN

Một vấn đề khác, theo báo cáo, là ứng xử chính sách trước các mô hình kinh doanh mới như xe ôm công nghệ, taxi công nghệ hay mô hình Airbn trong lĩnh vực lưu trú, khách sạn.

Theo VCCI, trước sự xuất hiện và mở rộng nhanh chóng của các phương thức kinh doanh mới thông qua ứng dụng công nghệ, đặc biệt khi mô hình này gây ra các xung đột lợi ích nghiêm trọng, các cơ quan quản lý Nhà nước bị đặt trước đòi hỏi phải có cơ chế quản lý thích hợp đối với mô hình này.

“Trên thực tế, dường như bản thân các cơ quan quản lý Nhà nước chưa xác định được đâu là cơ chế quản lý thích hợp. Hoặc là lúng túng trong việc lựa chọn, hoặc là giữ im lặng, chưa đưa ra bất kỳ phản ứng nào”, báo cáo nhận xét.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, trong mấy năm trở lại đây, Chính phủ đã có những chỉ đạo sát sao để thúc đẩy, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Năm 2018 cũng đánh dấu những bước chuyển động mạnh mẽ và ấn tượng về các chính sách nhằm cải thiện về môi trường kinh doanh.

Ngay từ đầu năm Chính phủ đã đặt ra những mục tiêu rất cụ thể đối với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, nhất là việc cải thiện môi trường kinh doanh và để thúc đẩy hoàn thành những mục tiêu đặt ra, Chính phủ đã có những hành động quyết liệt.

Nhấn mạnh những kết quả rõ ràng, song ông Lộc cũng đặt ra những câu hỏi về mức độ thực chất của các hoạt động cải cách, về tư duy quản lý. “Thực tế, thời gian qua, cách hành xử của các nhà quản lý trong một số lĩnh vực vẫn còn lúng túng, chưa tìm ra hướng đi phù hợp và có nguy cơ trở thành rào cản cho sự phát triển kinh tế. Đây sẽ trở thành sự thách thức trong kỷ nguyên này”, ông Lộc nhận định.

“Bên cạnh sự hoan nghênh những động thái tích cực từ cơ quan quản lý, cộng đồng DN đặt ra các kỳ vọng về các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian tới: Các rào cản về môi trường kinh doanh tiếp tục được tháo bỏ, các hoạt động cải cách về điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính tiếp tục được thúc đẩy một cách thực chất hơn. Nhất là khi ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết có tính chất “xương sống” trong năm 2019 nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh trong năm được xem là “bản lề” này”, Chủ tịch VCCI phát biểu./.

Hà Chính/chinhphu.vn

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất