Thứ Sáu, 10/1/2025
Những dấu ấn tiêu biểu của "Năm dân vận chính quyền" 2018

 Lãnh đạo Ban Dân vận TW và Ban Cán sự đảng Chính phủ ký Kế hoạch phối hợp triển khai "Năm dân vận chính quyền" 2019

1- Quốc hội tăng cường quán triệt, thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận thành chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực đời sống xã hội, đáp ứng tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tiêu biểu là: Các Kỳ họp thứ 5 và thứ 6 Quốc hội khóa XIV đã thông qua nhiều Luật liên quan đến quyền, lợi ích của nhân dân như: Luật Tố cáo; Luật an ninh mạng; Luật quốc phòng; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của 11 luật liên quan đến quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Chăn nuôi; Luật trồng trọt; Luật phòng chống tham nhũng…

2- Chính phủ và chính quyền các cấp chủ động quán triệt thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, cụ thể hóa thành các chính sách, pháp luật, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Trong năm 2018, Chính phủ đã ban hành 157 nghị định; 53 quyết định quy phạm pháp luật, 1.819 quyết định cá biệt, 183 nghị quyết, 36 chỉ thị, 3.163 văn bản chỉ đạo, điều hành đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trên các lĩnh vực. Trong đó, nhiều văn bản nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận và trên các lĩnh vực liên quan mật thiết đến nhân dân như: Chính sách xã hội, an sinh xã hội, chính sách đối với người có công, vấn đề tiền lương, lao động, việc làm, giáo dục, y tế...

3- Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tổng kinh phí dành cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo trong năm 2018 gần 5 tỷ đồng; cấp gần 23,6 triệu thẻ bảo hiểm y tế, sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho các đối tượng chính sách; hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trên 15,58 triệu lượt người thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn. Ngân hàng chính sách xã hội đã thực hiện cho vay trên 2 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, tăng gần 7.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước… Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 5,35% (giảm 1,35% so với cuối năm 2017), riêng các huyện nghèo giảm khoảng 5%.

4- Công tác cải cách hành chính được tiến hành đồng bộ và có những chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực.  Năm 2018, Chính phủ đã trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền 28 văn bản quy phạm pháp luật gồm 3 luật và 25 nghị định; cắt giảm, đơn giản hóa 3346/6191 (đạt 54%) điều kiện kinh doanh; các bộ, ngành đã ban hành 18 quyết định, thông tư để cắt giảm 6776/9926 (đạt 68,2%) dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành, giúp tiết kiệm 17,6 triệu ngày công trên một năm tương đương gần 6.300 tỷ đồng trên một năm. Điển hình một số bộ đã đơn giản hóa, cắt giảm vượt mục tiêu 50% như: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Công thương.

5- Các bộ, ngành, địa phương đã chủ động cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến; hiện nay đã có 17/19 bộ, cơ quan ngang bộ đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đến quý IV năm 2018, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 các Bộ, ngành đã cung cấp là 1.721 dịch vụ, các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương là 45.274 dịch vụ. Văn phòng Chính phủ đã xây dựng và đưa vào hoạt động Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp và người dân. Chính quyền các cấp đã công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận, giám sát hoạt động của cơ quan hành chính các cấp trực tuyến trên hệ thống thông tin điện tử qua tin nhắn SMS vào phần mềm một cửa ở các địa phương; công khai đường dây nóng trực tiếp nhận phản ánh và kiến nghị của người dân.

6- Các bộ, ngành, chính quyền các cấp tổ chức hàng ngàn cuộc kiểm tra các cơ quan, đơn vị thuộc quyền; qua đó kịp thời chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần nâng cao đạo đức công vụ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chỉ số hài lòng của người dân đối với các dịch vụ công và chính quyền các cấp. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng, kịp thời xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, gây phiền hà cho nhân dân, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan, đơn vị.

7-  Các tỉnh, thành, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thực tiện tốt công tác tiếp công dân; quy định trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ, công chức tiếp công dân; chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc tiếp dân; lịch tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và các lãnh đạo của cơ quan hành chính nhà nước được thông báo công khai để nhân dân biết thực hiện; nhiều cơ quan, đơn vị công khai số điện thoại đường dây nóng để nghe ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân.

8- Chính quyền các cấp đã chú trọng tăng cường đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền với người dân và doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ tăng cường tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, công nhân, nông dân để nghiên cứu, sửa đổi chính sách liên quan trên các lĩnh vực như: tín dụng, thuế, phí, đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường, xuất nhập khẩu... nhất là các quy định của Luật đất đai về thu hồi đất bồi thường để có giải pháp căn cơ, bảo đảm lợi ích chính đáng của người dân bị thu hồi đất, chấn chỉnh, xử lý những tồn tại, sai phạm, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, tạo đồng thuận trong xã hội, tăng cường cũng cố niềm tin của nhân dân đối với chính quyền các cấp.

9- Việc thực giải quyết khiếu nại, tố cáo được chính quyền các cấp tập trung giải quyết, nhất là các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, các vụ việc bức xúc, nổi cộm mới phát sinh. Tập trung chỉ đạo thực hiện các quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật. Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành địa phương tiến hành trên 1.300 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại tố cáo tại 2.200 cơ quan, đơn vị, phát hiện 533 đơn vị có vi phạm, kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm 470 tổ chức và nhiều cá nhân, xử lý kỷ luật 14 cá nhân.

                                                                                                                                                TẠP CHÍ DÂN VẬN (bình chọn)

 

 

 

 

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất