Thứ Sáu, 10/1/2025
Quảng Ninh nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử
 
Người dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công TP Uông Bí


Hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin

Để triển khai thành công Đề án xây dựng CQĐT, tỉnh Quảng Ninh xác định mục tiêu phải xây dựng và hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) với nhiệm vụ trọng tâm ứng dụng rộng rãi CNTT trong hoạt động nội bộ của các cơ quan nhà nước, lấy người dân làm trung tâm, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hướng tới nền hành chính hiện đại, minh bạch, hiệu quả. Đồng thời thực hiện đào tạo nguồn nhân lực vận hành hiệu quả hệ thống CQĐT, gắn xây dựng CQĐT với trung tâm dịch vụ hành chính công và cải cách thủ tục hành chính.

Có thể thấy rõ quyết tâm của tỉnh Quảng Ninh trong việc xây dựng CQĐT. Đến nay, hạ tầng cốt lõi của CQĐT đã cơ bản hoàn thành theo mô hình tập trung, thuận lợi trong quản lý, vận hành bao gồm: Trung tâm tích hợp dữ liệu, Trung tâm mạng máy tính văn phòng Tỉnh ủy, mạng diện rộng kết nối thống nhất các sở, ngành, địa phương, cùng 15 trung tâm hành chính công và mô hình một cửa hiện đại cấp xã làm nền tảng vững chắc cho ứng dụng CNTT và xây dựng thành công CQĐT. Đặc biệt, Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh Quảng Ninh là trung tâm thứ hai trong toàn quốc được Bộ Thông tin và Truyền thông công nhận đạt tiêu chuẩn.

Từ khi mô hình Trung tâm hành chính công huyện Bình Liêu và bộ phận tiếp nhận trả kết quả hiện đại đi vào hoạt động, việc thực hiện các thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp đã thuận lợi hơn rất nhiều. Ông Tô Vĩnh Lợi, ở xã Hoành Mô chia sẻ: "Tôi thật sự phấn khởi khi xã triển khai bộ phận một cửa. Cán bộ ở đây rất tận tình. Nhiều hồ sơ của chúng tôi khi cần cấp huyện thẩm định và phê duyệt còn được cán bộ gửi giúp qua dịch vụ công trực tuyến, vì thế không phải mất công đi lại, tiết kiệm được thời gian mà thủ tục cũng được giải quyết nhanh gọn hơn". Với việc đẩy mạnh triển khai cải cách hành chính, thời gian qua, Trung tâm hành chính công huyện Bình Liêu đã phát huy hiệu quả, góp phần tăng cường tính minh bạch trong hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi giải quyết các thủ tục hành chính. Tỷ lệ giải quyết đúng hạn hồ sơ của các cá nhân và doanh nghiệp tại Trung tâm đạt hơn 90%.

Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu Nguyễn Thị Tuyết Hạnh cho biết: "Từ khi Đề án xây dựng CQĐT được triển khai đến cấp huyện, với hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quản lý văn bản được cập nhật thường xuyên, cho nên dù đi công tác xa, bản thân tôi và các đồng chí lãnh đạo huyện không bị gián đoạn. Chỉ cần chiếc Ipad có kết nối in-tơ-nét, các đồng chí lãnh đạo chủ động đọc và xử lý được toàn bộ các văn bản đi, đến của tỉnh và cơ sở để kịp thời chỉ đạo, điều hành công việc đạt kết quả cao".

Việc vận hành các hệ thống thuộc CQĐT một cách trơn tru, hiệu quả đã tạo ra môi trường làm việc liên thông, hiện đại, chuyên nghiệp và tiết kiệm rất nhiều về thời gian và chi phí hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu một cửa điện tử được triển khai giúp minh bạch hóa quá trình giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan quản lý nhà nước cho người dân, doanh nghiệp, cho phép người dân tham gia giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cơ quan nhà nước. Đặc biệt, hệ thống giúp giảm tới 40% thời gian và giảm số lần phải đi lại ít nhất một lần giao dịch của người dân và các tổ chức, doanh nghiệp.

Công tác cải cách thủ tục hành chính của tỉnh Quảng Ninh lại luôn gắn liền với các giải pháp xây dựng CQĐT và không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Đến nay, tất cả các địa phương trong tỉnh đã thành lập trung tâm hành chính công và toàn bộ 186 xã, phường, thị trấn của tỉnh triển khai hiệu quả bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã. Cùng với đó, thiết bị CNTT cho người dùng tại các đơn vị cấp xã cũng được tỉnh đầu tư với hơn 800 bộ máy tính, 200 bộ máy in tại 118 xã, bảo đảm mỗi cán bộ, công chức cơ bản có đủ trang thiết bị phục vụ làm việc, khai thác CQĐT.

Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả, chúng tôi luôn thấy có từ hai đến ba đoàn viên của Chi đoàn phường trực tiếp có mặt để hướng dẫn, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp cách sử dụng dịch vụ công trực tuyến khi đến giải quyết các thủ tục hành chính. Với phương châm "cầm tay chỉ việc", đoàn viên đã thay nhau hướng dẫn cụ thể cách thức sử dụng, giao dịch dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 cho người dân ngay trên hệ thống máy tính được kết nối in-tơ-nét, và hướng dẫn cách lập, sử dụng hộp thư điện tử gmail, nhằm giúp họ dần tiếp cận với công nghệ 4.0.

Anh Hà Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Đồng Tâm cho biết: "Sau khi được các đoàn viên, thanh niên giới thiệu và hướng dẫn, tôi đã biết cách sử dụng các dịch vụ công trên máy tính và thấy rất tiện ích, hiệu quả. Được trực tiếp lĩnh hội các văn bản, chỉ thị, thông báo của tỉnh, thành phố, các sở, ngành và của phường qua hộp thư điện tử, tôi thấy thủ tục giải quyết rất nhanh, gọn, tiết kiệm được nhiều thời gian đi lại của doanh nghiệp so với trước đây".

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho biết: "Xây dựng CQĐT sẽ làm thay đổi mô hình xử lý, thay đổi lề lối làm việc, vì vậy để triển khai thành công đề án xây dựng CQĐT rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị. Đồng thời phải kết hợp chặt chẽ và phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, đào tạo, xây dựng hạ tầng CNTT một cách đồng bộ từ tỉnh xuống các địa phương. Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang đánh giá lại thực trạng mô hình CQĐT tỉnh giai đoạn 1, thông qua đó sẽ khắc phục những mặt còn hạn chế của đề án trong thời gian tới".

Xây dựng chính quyền thông minh

Cuối năm 2018, tại Nhật Bản, Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á - Thái Bình Dương (ASOCIO) đã vinh danh các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp xuất sắc tại 24 nền kinh tế thành viên ASOCIO. Trong đó, tỉnh Quảng Ninh với điểm nhấn là hệ thống CQĐT do Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) triển khai đã trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam được vinh danh ở hạng mục chính quyền số. Đây là giải thưởng được Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á - Thái Bình Dương trao cho các tỉnh, thành phố đi đầu tại các quốc gia thành viên trong việc đẩy mạnh phát triển chính quyền số, mang lại nhiều hiệu quả, lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển chính quyền số những năm gần đây.

Quảng Ninh được đánh giá là một trong những địa phương mạnh dạn đi đầu cả nước về triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Đồng thời triển khai thành công kết nối liên thông bốn cấp với Văn phòng Chính phủ, với trục tích hợp dữ liệu liên thông kết nối các hệ thống cơ sở dữ liệu trên địa bàn tỉnh và kết nối với Chính phủ và bộ, ngành Trung ương.

Phó Trưởng ban Quản lý điều hành Đề án xây dựng CQĐT tỉnh Quảng Ninh Võ Đức Hạnh cho biết: "Sau hơn 5 năm triển khai Đề án xây dựng chính quyền điện tử, tất cả các xã, phường, thị trấn của tỉnh đã có in-tơ-nét để khai thác, sử dụng các hệ thống thông tin của CQĐT, các cơ quan nhà nước từ tỉnh đến xã có mạng nội bộ. Hệ thống mạng diện rộng hoạt động ổn định, kết nối toàn bộ 43 sở, ban, ngành, UBND 14 địa phương và 14 trung tâm hành chính công cấp huyện với Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh, bảo đảm về tốc độ, ổn định cho các đơn vị chuyển văn bản, khai thác các ứng dụng và các dịch vụ dùng chung trong hệ thống CQĐT. Đặc biệt, hệ thống văn bản điện tử của tỉnh đã được kết nối liên thông bốn cấp với hệ thống của Văn phòng Chính phủ từ cuối năm 2015".

Là địa phương đi đầu trong cả nước thực hiện được việc gửi, nhận văn bản liên thông giữa khối chính quyền và khối đảng, đến nay, hơn 85% văn bản trao đổi giữa khối đảng và khối chính quyền của tỉnh Quảng Ninh là dạng văn bản điện tử. Cổng thông tin điện tử cung cấp dịch vụ công trực tuyến hoạt động tại địa chỉ http://dichvucong.quangninh.gov.vn đã hoàn thành và vận hành chính thức từ năm 2016, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật cung cấp toàn bộ dịch vụ công từ mức độ 3 trở lên. Đây là hệ thống nộp hồ sơ trực tuyến quan trọng và giúp giảm thời gian, chi phí, thuận tiện và nâng cao sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp. Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai các hệ thống này trên thiết bị di động, như: điện thoại thông minh, máy tính bảng, Ipad... từng bước tạo cho người dân và doanh nghiệp có nhiều phương thức tiếp cận với CQĐT và thực hiện các dịch vụ công do tỉnh cung cấp.

Đề án xây dựng CQĐT được tỉnh Quảng Ninh triển khai quyết liệt, bài bản đã tạo ra môi trường làm việc liên thông, hiện đại và chuyên nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả công việc, góp phần hình thành nền hành chính chuyên nghiệp, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng được nâng cao. Trong ba năm trở lại đây, tỉnh Quảng Ninh luôn xếp vị trí thứ 4 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước về chỉ số ICT Index, năm 2017 đứng thứ nhất toàn quốc, chỉ số PAPI tăng 31 bậc trong năm 2017 và năm 2018 được vinh danh ở hạng mục chính quyền số tại Nhật Bản.

Hiệu quả bước đầu của Đề án xây dựng CQĐT tại tỉnh Quảng Ninh đã cho thấy công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương từ thực hiện theo phương thức truyền thống đã chuyển dần sang phương thức lãnh đạo, quản lý điều hành khoa học, hiện đại, từ xa thông qua các phương tiện, trang thiết bị và hệ thống CNTT. Đồng thời, hỗ trợ việc trực tiếp kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức mọi lúc, mọi nơi thông qua các phần mềm quản lý, mạng nội bộ, mạng in-tơ-nét,... làm giảm thời gian đi kiểm tra trực tiếp tại cơ sở, kịp thời phát hiện và chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác, tiết kiệm nhiều chi phí, góp phần tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm công minh, khách quan, chính xác từ đó nâng cao được hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành, đồng thời tạo được sự tích cực, đoàn kết trong cơ quan, đơn vị.

Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh cùng với Tập đoàn FPT tiếp tục xây dựng một trung tâm dữ liệu hiện đại, đồng bộ, là nơi tập trung lưu giữ, xử lý thông tin, dữ liệu của toàn tỉnh gồm: phòng chống lụt bão, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; giao thông, tài nguyên môi trường; dân cư; kinh tế xã hội. Đồng thời, xây dựng hệ thống Cổng dịch vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh có khả năng tích hợp với Cổng thông tin điện tử tỉnh. Hệ thống này sẽ cung cấp tất cả các dịch vụ hành chính công của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh cho người dân và doanh nghiệp. Theo đó, người dân và doanh nghiệp chỉ cần truy cập vào hệ thống này là có thể được cung cấp đầy đủ các dịch vụ hành chính của cơ quan nhà nước tỉnh Quảng Ninh, từ các thông tin chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh đến thủ tục đăng ký, quản lý hộ tịch, thông tin khiếu nại tố cáo, cấp hộ chiếu ngoại giao và công vụ...

Nỗ lực xây dựng CQĐT đã tạo bước đột phá cho tỉnh Quảng Ninh trong triển khai ứng dụng CNTT và cải cách hành chính. Với quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc tích cực của các ngành, các cấp, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo và mô hình CQĐT của tỉnh được Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao. Đặc biệt, mô hình của tỉnh Quảng Ninh đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thí điểm để nhân rộng trên cả nước.

Quang Thọ/ nhandan.com.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất