Chủ Nhật, 24/11/2024
Thanh Hóa: Những nét nổi bật từ thực hiện “Năm dân vận chính quyền”
 

Mô hình dân vận khéo “trồng hoa thay thế cỏ dại ven đường” ở xã Quảng Định (Quảng Xương) 

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác DVCQ được các cấp chính quyền trong tỉnh xác định là đẩy mạnh cải cách hành chính, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, nổi cộm của nhân dân. Công tác này được chính quyền các địa phương tăng cường thực hiện với nhiều cách làm hay. Thực hiện “Năm dân vận chính quyền”, huyện Nga Sơn đã quán triệt trong cán bộ, công chức, viên chức nêu cao tinh thần phục vụ và ý thức trách nhiệm với nhân dân trong quá trình thực thi công vụ. Huyện xác định để nâng cao hiệu quả công tác DVCQ là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trên tất cả các lĩnh vực. Với tinh thần lấy sự hài lòng của nhân dân và các tổ chức, doanh nghiệp làm thước đo, huyện đã triển khai “4 tăng, 2 giảm, 3 không” trong TTHC. 4 tăng có nghĩa là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường công khai minh bạch trong giải quyết TTHC; tăng cường trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ; tăng sự hài lòng của tổ chức, công dân trong giải quyết TTHC; 2 giảm nghĩa là giảm thời gian, giảm chi phí thực hiện TTHC; 3 không nghĩa là không phiền hà sách nhiễu; không yêu cầu bổ sung hồ sơ quá 1 lần; không trễ hẹn trong quá trình xử lý công việc cho tổ chức, cá nhân. Trên cơ sở đó, huyện đã cắt giảm thời gian giải quyết của 77 TTHC, thuộc các lĩnh vực như: Thành lập, hoạt động của hộ kinh doanh; hộ tịch; phổ biến, giáo dục pháp luật; bồi thường Nhà nước; lao động tiền lương; đất đai... Đồng thời, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của huyện đã xác định rõ trách nhiệm với việc đổi mới về giao tiếp, ứng xử, có thái độ niềm nở, phong cách lịch thiệp, nỗ lực trong giải quyết công việc, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cách hành chính, năm 2018, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã lãnh đạo UBND tỉnh triển khai đồng bộ, toàn diện kế hoạch cải cách hành chính gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Trong năm, UBND tỉnh đã rà soát, thực hiện chính sách tinh giản biên chế với 416 người; sáp nhập 3.100 thôn, tổ dân phố để thành lập 1.522 thôn, tổ dân phố mới, góp phần giảm 9.500 người hoạt động không chuyên trách tại thôn, tổ dân phố. Đồng thời, tổ chức lại 44 đơn vị sự nghiệp công lập thành 27 đơn vị là trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên. Song song với đó, UBND tỉnh đã tăng cường công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, tiếp công dân nhằm giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh ở cơ sở. Vì vậy, các cấp chính quyền, cơ quan trong tỉnh đã xây dựng lịch tiếp công dân. Trong năm các cơ quan hành chính Nhà nước trong tỉnh đã tiếp 8.788 lượt công dân và giải quyết 623/691 vụ khiếu nại, tố cáo của công dân. Đáng chú ý là lãnh đạo chính quyền từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với nhân dân. 100% các vụ việc phát sinh từ cơ sở đều được người đứng đầu chính quyền các xã, thị trấn tổ chức đối thoại, giải quyết kiến nghị của nhân dân theo thẩm quyền. Có thể kể đến các vụ việc khiếu kiện vượt cấp của người dân xã Hải Hà (Tĩnh Gia), tụ tập đông người cản trở việc thi công Dự án Cảng container Long Sơn và Cảng Nhiệt điện Nghi Sơn 2; người dân 2 xã Hải Thượng, Hải Bình (Tĩnh Gia) kiến nghị về chính sách sinh kế sau khi nhận bồi thường giải phóng mặt bằng; người dân xã Xuân Trường (Thọ Xuân) khiếu kiện về những khoản thu bất hợp lý... Tất cả những vụ việc trên đều được lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp đối thoại với nhân dân và chỉ đạo giải quyết.

Song song với đổi mới công tác DVCQ theo hướng “gần dân, trọng dân, sát dân”, chính quyền các cấp trong tỉnh còn đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Nổi bật phải kể đến phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cùng với đó, các địa phương đã phát huy hiệu quả các phong trào trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Toàn tỉnh đã có 8.324 điển hình “Dân vận khéo”, nhiều địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện với nhiều cách làm hay, sáng tạo, đạt hiệu quả, tiêu biểu như: Mô hình “trồng hoa thay thế cỏ ven đường”, “cánh đồng, dòng sông không rác thải”, mô hình “sản xuất rau an toàn”, mô hình “cấy lúa thông minh”. Qua triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, đến nay toàn tỉnh có 148 xã, 1.635 thôn đã được công nhận đơn vị “Dân vận khéo”; có 96 xã, 220 thôn được tỉnh công nhận và tặng giấy khen có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã huy động được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, tích cực đóng góp xây dựng quê hương. Nhờ sự tin tưởng, đồng thuận của nhân dân với chính quyền địa phương nên tỉnh đã thực hiện tốt việc triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và nhiều dự án có vốn đầu tư lớn trên địa bàn tỉnh.

Năm 2019, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; làm tốt công tác dân vận trong triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh. Mặt khác, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh và giải quyết vấn đề nổi lên ở cơ sở, nhất là lĩnh vực liên quan mật thiết đến quyền lợi thiết thực của nhân dân.

Hòa Bình/ baothanhhoa.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất