Thứ Bảy, 20/4/2024
Để người dân tự giác tham gia

 


Giáo dục, cảm hóa nhiều đối tượng

Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm Chương trình phối hợp số 09/CTr-BCA-MTTW về đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới; 5 năm thực hiện Chương trình hành động số 22-CTr/ĐUCA-V28 và 2 năm triển khai Chương trình phối hợp số 38-CTr/BDVTW-BCA về thực hiện công tác dân vận, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm lưu ý: Thời gian tới cần tập trung nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách nhằm cụ thể hóa các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận, công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Có chính sách động viên, khuyến khích kịp thời đối với quần chúng nhân dân tích cực tham gia phong trào.

Báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Chương trình phối hợp số 09 về đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới; 5 năm Chương trình hành động số 22 và 2 năm Chương trình phối hợp số 38 về thực hiện công tác dân vận của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho thấy: Công tác triển khai, thực hiện đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp vào cuộc tích cực giữa lực lượng công an với Ban dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên các cấp gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các phong trào thi đua yêu nước. Nhiều mô hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và điển hình “dân vận khéo” được xây dựng, củng cố và nhân rộng, phát huy sức mạnh to lớn của toàn dân trong công tác giữ gìn an ninh chính trị và phòng ngừa, tấn công trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội.

Đến nay, cả nước đã xây dựng được hơn 2.000 câu lạc bộ “tổ liên gia tự quản”, trên 500 câu lạc bộ “nông dân với pháp luật”, các cấp hội cũng đã xây dựng nhiều mô hình tự quản về an ninh trật tự; tổ chức gần 200 lớp tập huấn kiến thức phòng, chống tội phạm, ma túy, mại dâm, mua bán người cho hơn 11.197 đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân tham dự; hỗ trợ địa điểm, nguồn vốn cho hàng trăm người từng lầm lỗi tổ chức đầu tư, sản xuất kinh doanh, dịch vụ để ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Chỉ tính riêng tỉnh Trà Vinh, đã xây dựng hàng trăm mô hình hay, cách làm hiệu quả và nhiều mô hình “dân vận khéo”, thu hút đông đảo cán bộ và nhân dân tham gia. Duy trì phát hành đĩa tuyên truyền đề tài an ninh trật tự và an toàn giao thông bằng hai thứ tiếng Kinh và Khmer, góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn.

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết: Nhờ công tác phối hợp, triển khai các mô hình, các cấp Hội đã cung cấp cho lực lượng công an hơn 130.000 nguồn tin có giá trị, cảm hoá, giáo dục hơn 60.000 đối tượng, giúp đỡ, tạo việc làm cho hơn 31.000 người hoàn lương... Bên cạnh đó, các mô hình “dân vận khéo” đã phát huy được hiệu quả, từ đó, tạo sự đồng thuận, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Phát huy vai trò của nhân dân

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định: Sau 5 năm thực hiện Chương trình phối hợp số 09 đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị, đã tạo được sự gắn kết lực lượng công an với nhân dân thông qua diễn đàn “công an đối thoại với nhân dân” và diễn đàn “lắng nghe ý kiến nhân dân” tố giác tội phạm ở khu dân cư và địa bàn xã phường do Mặt trận tổ chức. Tuy vậy, để tạo sự gắn kết giữa lực lượng công an và lực lượng vũ trang trong thực hiện nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Công an cần phối hợp với chính quyền các cấp để đưa ra các giải pháp cụ thể, đặc biệt là các địa bàn chiến lược ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc để chủ động, không để bất ngờ đối với các tình huống. Đặc biệt là phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trong tuyên truyền, vận động nhân dân đối với việc phòng ngừa, phát hiện, tố giác và cảm hóa giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư; phát huy vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng, nhân rộng các mô hình tự quản.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nêu rõ: Các mô hình, phong trào, điển hình tiên tiến và các cách làm hay sáng tạo trong quá trình thực hiện Chương trình phối hợp đều hướng đến những lợi ích chính đáng trong cuộc sống của người dân và từ đó đã tạo động lực cho người dân quan tâm, tự giác tham gia. Đây là yếu tố quyết định để phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đạt được hiệu quả và đứng vững được trong nhân dân. Tuy vậy, còn những hạn chế trong việc thực hiện chương trình phối hợp đó là “nơi này nơi kia vẫn còn hình thức”. Để các mô hình triển khai có hiệu quả, cần quan tâm đến yếu tố vững chắc của các mô hình, những kết quả đã đạt được trong các chương trình phối hợp. Các cấp hội cần tiếp tục dành sự quan tâm đến các yếu tố hình thành nên chất lượng của các hình thức tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải từ gia đình đến cộng đồng dân cư theo hướng hợp lòng dân, vừa sức dân vì lợi ích yêu cầu của cuộc sống nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm nhìn nhận: Mặc dù đã có nhiều mô hình giữ an ninh trật tự được xây dựng, song thực tế xã hội vẫn còn những tệ nạn, tội phạm như ma túy, cờ bạc, mại dâm, cướp giật, giết người… những bất ổn này có một phần trách nhiệm của người đứng đầu ngành công an. Vì vậy, để đẩy lùi tệ nạn trong tình hình mới, cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của các lực lượng làm tốt công tác dân vận và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong đó phát huy quyền làm chủ của nhân dân, mà lực lượng công an làm nòng cốt.

Bảo Hân/ daibieunhandan.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất