Thứ Tư, 8/1/2025
Cải cách thủ tục hành chính sẽ đi vào thực chất hơn
 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị. 


Chiều 14/5, Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến với 24 bộ, ngành, 63 địa phương về công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường kinh doanh và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.

Cải cách hành chính phải mạnh mẽ và ‘nét’ hơn nữa

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ với nhiều nhiệm vụ được chỉ đạo quyết liệt trong thời gian qua. Thông qua sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã được cải thiện.

Theo Báo cáo về môi trường kinh doanh 2019 của Việt Nam do WB công bố, năm 2018 chỉ số môi trường kinh doanh đã tăng 13 bậc, xếp thứ 69/190 nền kinh tế. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard&Poors vừa công bố nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn cho Việt Nam từ mức “BB-” lên mức “BB” với triển vọng “ổn định”, đồng thời khẳng định xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn cho Việt Nam ở mức “B”.

"Điều này dự báo nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhanh, phản ánh môi trường hoạch định chính sách của Việt Nam đang được cải thiện", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nêu ý kiến.

Ví dụ cụ thể về sự quyết liệt của cải cách TTHC, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, năm 2017, ngành hải quan cắt giảm về thời gian thông quan trực tiếp tại các của khẩu giảm 3 giờ (từ 58 xuống 55 giờ) đối với hàng xuất khẩu, giảm 6 giờ (từ 62 xuống 56 giờ) đối với hàng nhập khẩu; chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho một lô hàng giảm được 19 USD. Như vậy, với trên 11 triệu tờ khai của năm 2017, doanh nghiệp (DN) tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan (tương đương hơn 4.000 tỷ đồng).

Từ năm 2018 đến nay, tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã cắt giảm được 3.425/6.191 điều kiện kinh doanh (đạt 110,6% so với mục tiêu); cắt giảm 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành khi thực hiện xuất nhập khẩu, giúp tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương 6.300 tỷ đồng/năm.

Làn sóng khởi nghiệp được hình thành đã huy động được nguồn vốn cho nền kinh tế. Năm 2016, Việt Nam có 110.000 DN được thành lập mới, năm 2017 có 127.000 DN và năm 2018 có hơn 131.000 DN được thành lập. Tính chung cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký tăng thêm thì năm 2018 ước tính các DN đã bổ sung cho nền kinh tế 3,9 triệu tỷ đồng.

Đây là những ví dụ cụ thể của việc cải cách TTHC hiệu quả trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, những kết quả đã đạt được trên chưa đáp ứng được yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, năm 2019 cần đặt ra yêu cầu nhiệm vụ cần phải cải cách mạnh mẽ, "nét" hơn và thực chất hơn nữa về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cắt giảm điều kiện kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm điều kiện không cần thiết, các thủ tục gây rào cản cho DN...

Bộ phận một cửa giúp giảm phiền hà, nhũng nhiễu

Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (VPCP) Ngô Hải Phan, tại các bộ, ngành, đa số đã thành lập bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC. Tại các địa phương hầu hết đã hoàn thành việc tổ chức, kiện toàn bộ phận một cửa; có 53/63 tỉnh, thành phố đã thành lập trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh để tiếp nhận và giải quyết TTHC.

Là cơ quan tiên phong trong triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ Xây dựng là một trong 2 bộ sớm hoàn thành và đưa vào hoạt động bộ phận tiếp nhận và trả TTHC. Kết quả tại bộ phận một cửa của Bộ hoạt động hiệu quả, giảm bớt thủ tục phiền hà, nhũng nhiễu. Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, người dân đánh giá việc giải quyết TTHC tại Bộ thuận tiện, bớt phiền hà so với trước đây và cảm thấy yên tâm khi phí, lệ phí, ngày hẹn trả hồ sơ được công khai.

Việc cải cách TTHC tại Bộ Tài chính cũng bước đầu đáp ứng sự mong đợi người dân. Bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ: Bộ phận một cửa được triển khai đã tạo ra sự minh bạch, hiệu quả, giảm chi phí thời gian cho cá nhân, tổ chức, tạo điều kiện cho người dân không tiếp xúc trực tiếp với cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết TTHC. Theo bà Vũ Thị Mai, tiến tới việc giải quyết TTHC ở mức độ 4 sẽ càng thuận lợi hơn nữa cho người dân, nâng cao năng suất lao động và việc bố trí cán bộ.

Là địa phương được đánh giá hiệu quả trong cải cách TTHC, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh Đặng Văn Hậu chia sẻ, cải cách TTHC tại tỉnh có nhiều nội dung, trong đó quan trọng nhất là cải cách mối quan hệ giữa người dân và cơ quan hành chính nhà nước.

Mô hình trung tâm hành chính công được triển khai tại Quảng Ninh trong 5 năm qua được đánh giá hiệu quả bởi nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố thực hiện khâu 4 tại chỗ (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả hồ sơ). Các sở, ngành của tỉnh làm việc tại trung tâm đã được phát con dấu thứ 2 đặt tại đây. Để làm được như vậy, cán bộ làm việc tại trung tâm ở cấp lãnh đạo phòng được ủy quyền ký TTHC. Việc ủy quyền này bảo đảm giải quyết thủ tục nhanh, kịp thời, không nợ thủ tục. Hiện 99% TTHC tại Quảng Ninh được giải quyết trước hạn và đúng hạn.

Về mô hình trung tâm hành chính công, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết, mô hình trung tâm hành chính công trực thuộc UBND tỉnh, trung tâm hành chính công trực thuộc UBND cấp huyện đang được một số địa phương như Quảng Ninh, Bắc Ninh... thí điểm và có hiệu quả. "Chúng tôi ủng hộ chủ trương này và việc thực hiện phải bảo đảm giải quyết TTHC tại chỗ cho người dân", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nêu ý kiến.

Ghi nhận và tiếp thu toàn bộ ý kiến tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh, năm 2019, cải cách TTHC, cắt giảm điều kiện kinh doanh sẽ đi vào thực chất hơn. Yếu tố “thực chất” thể hiện ở chỗ sẽ tiếp tục rà soát, bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi; thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh đã phê duyệt trong năm 2018; kiên quyết không để phát sinh thêm các điều kiện kinh doanh so với số lượng đã công bố, công khai.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung nguồn lực, chỉ đạo triển khai thực hiện, tạo sự chuyển biến hơn nữa về công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và gửi nhận văn bản điện tử.

Nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu, Bộ trưởng, Mai Tiến Dũng chia sẻ, kinh nghiệm thực tiễn triển khai cho thấy, ở đâu lãnh đạo bộ, ngành, địa phương quan tâm, đơn vị chủ trì triển khai chủ động, sáng tạo trong công tác tham mưu và tổ chức thực hiện, thì ở đó có kết quả rõ rệt.

(baochinhphu.vn/Gia Huy)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất