Thứ Hai, 25/11/2024
Quảng Trị: Công tác dân vận chính quyền tạo sự đồng thuận cho mục tiêu phát triển

Trước tình hình thực tiễn và những yêu cầu mới đang đặt ra trong quá trình phát triển, những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị luôn xác định cần phải quan tâm và tăng cường công tác dân vận của cả hệ thống chính trị, trong đó nhấn mạnh vai trò của các cấp chính quyền làm công tác dân vận.

 
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng tại huyện Triệu Phong. Ảnh: Tiến Nhất 


Thực hiện kế hoạch của Ban Dân vận Trung ương và Ban cán sự Đảng Chính phủ về “Năm dân vận chính quyền 2018”, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Trị đã triệu tập hội nghị và có văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ban cán sự Đảng UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện “Năm dân vận chính quyền - 2018” gắn với chủ đề “Năm Doanh nghiệp” của tỉnh. Qua quá trình triển khai thực hiện đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Các cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền các chủ trương của Đảng, tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và nhân dân về công tác dân vận trong các cơ quan hành chính nhà nước và chính quyền các cấp, qua đó đã tạo sự chuyển biến khá rõ trong nhận thức và hiệu quả phục vụ nhân dân theo phương châm “Nói đi đôi với làm”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.

BTV Tỉnh uỷ đã ban hành và chỉ đạo thực hiện khá nhiều chủ trương về công tác dân vận của tỉnh như: Chỉ thị số 13-CT/TU về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”; Quyết định số 659-QĐ/TU về “Tăng cường công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”; Quyết định số 629-QĐ/TU về “Ban hành quy chế đối thoại giữa người đứng đầu các cấp ủy đảng đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh”...

Các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp tập trung cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng, của Tỉnh uỷ thành các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính; khắc phục những khó khăn, tác động bất lợi về thiên tai, dịch bệnh chăm lo đời sống, sản xuất cho nhân dân, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; chăm lo các đối tượng chính sách, người nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện tốt công tác tiếp công dân theo định kì, đối thoại trực tiếp với nhân dân, tiếp xúc cử tri, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, ý kiến, kiến nghị của công dân; gắn công tác dân vận với việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết những vấn đề bức xúc, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW của BCH TƯ Đảng (khóa XI); triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 13-CT/TU của BTV Tỉnh uỷ về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”; xây dựng kế hoạch thực hiện công tác dân vận chính quyền giai đoạn 2016- 2020; đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo”; triển khai kí kết và thực hiện khá bài bản và nâng cao tính thực chất các chương trình phối hợp giữa chính quyền với Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội các cấp. Tổ chức tốt công tác tiếp dân định kì, phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân; thông qua thực hiện công tác tiếp công dân, chính quyền các cấp đã lắng nghe và giải quyết kịp thời những kiến nghị, bức xúc, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài, không để phát sinh “điểm nóng”.

Xác định mục tiêu quan trọng trong công tác dân vận là “an dân”, công tác dân vận của chính quyền phải được thể hiện thông qua việc triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân. Trong năm 2018 , cấp uỷ, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Tình hình kinh tế của tỉnh Quảng Trị có những bước tăng trưởng rõ nét. Tỉ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh giảm 1,75% (từ 11,52% đầu năm 2018 xuống còn 9,77% cuối năm 2018), đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; giải quyết việc làm mới cho 10.250 lượt lao động (đạt 107,9% kế hoạch năm). Đào tạo nghề cho 11.180 người (đạt 94,74% so với kế hoạch)…

Công tác cải cách hành chính đạt được nhiều kết quả tích cực, đã hiện thực hóa các nội dung cốt lõi của “Năm Dân vận chính quyền” gắn với “Năm Doanh nghiệp” của tỉnh. Lãnh đạo tỉnh đã rất quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện công tác này, xem đây là chìa khóa có tính quyết định đến sự thành công của việc thu hút đầu tư, tạo đà cho bước phát triển mới về kinh tế - xã hội. UBND tỉnh đã ban hành các chương trình, kế hoạch thực hiện cải cách hành chính như: Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2016- 2020; Kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính theo phương án đơn giản hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Việc kiểm tra, thanh tra công vụ, xử lí những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, gây phiền hà cho nhân dân, doanh nghiệp đã được tăng cường. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tổ chức các cuộc thi cải cách hành chính nhằm đa dạng hóa hình thức tuyên truyền công tác cải cách hành chính tại cơ quan, đơn vị; trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều chuyên mục, phóng sự, bản tin, bài viết về cải cách hành chính được phổ biến rộng rãi; phát động phong trào “3 không, 3 nên, 3 cần” (đó là: 3 không: không gây phiền hà với dân; không thờ ơ, thiếu trách nhiệm với dân; không nhận hối lộ, sách nhiễu, tham nhũng của dân. 3 nên: nên vui vẻ khi tiếp xúc, phục vụ nhân dân; nên xin lỗi dân khi thấy thiếu sót; nên cảm ơn khi dân góp ý, phê bình. 3 cần: cần gần dân và sát cơ sở; cần học hỏi và lắng nghe ý kiến của nhân dân; cần vận động nhân dân cùng thực hiện) trong cán bộ, công chức, viên chức được người dân và doanh nghiệp đồng tình, đánh giá cao.

Chương trình, nội dung các kì họp Hội đồng nhân dân tỉnh đã được đổi mới khá toàn diện. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND được các Ban của HĐND và các đại biểu HĐND tiến hành đảm bảo thực chất, khách quan và đúng luật định. Việc tổ chức tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và đại biểu HĐND các cấp được tiến hành thường xuyên trước và sau các kì họp, qua đó đã lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nhân dân được đối thoại thẳng thắn, cởi mở. HĐND và UBND các cấp đã chủ động cùng với UBMT và các đoàn thể quần chúng xây dựng các chương trình phối hợp để thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện chính sách và pháp luật của Nhà nước, đồng thời luôn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động và gắn với việc phát huy vai trò của các tổ chức này trong việc tham gia xây dựng chính quyền và thực hiện chức năng giám sát, phản biện theo quy định.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã đạt được những kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền với 1.751 mô hình, đặc biệt đã xuất hiện nhiều mô hình trong công tác cải cách hành chính, điển hình trong thực hiện đạo đức công vụ, tinh thần phục vụ nhân dân.

Tuy nhiên, công tác dân vận của các cấp chính quyền trong tỉnh còn những tồn tại, hạn chế, đó là: Một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa quán triệt đầy đủ và quan tâm đúng mức đến việc thực hiện công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước và chính quyền các cấp theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg, năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 13-CT/TU của Thường vụ Tỉnh ủy, chưa có kế hoạch cụ thể, thiếu kiểm tra việc thực hiện và chưa đưa vào chương trình công tác của UBND và các cơ quan quản lí hành chính nhà nước các cấp. Nhiều nơi chưa gắn công tác quản lí nhà nước, công tác chuyên môn với công tác dân vận; chậm đổi mới phong cách làm việc, thiếu gần gũi nhân dân để hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Việc thực hiện cải cách hành chính nhiều nơi còn chậm, việc cải cách thủ tục hành chính tiếp dân còn hạn chế, đội ngũ cán bộ công chức ít được đào tạo bồi dưỡng về nghiệp vụ hành chính và kĩ năng dân vận; vẫn còn có cán bộ, công chức, viên chức chưa làm tốt việc hướng dẫn, giải thích và vận động nhân dân. Trong phối hợp thực hiện giữa các cơ quan, ban, ngành; chính quyền với UBMT, các đoàn thể vẫn còn thiếu tính đồng bộ và chiều sâu, còn có biểu hiện xem nhẹ, buông lỏng công tác vận động quần chúng nên chưa phát huy hết sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ dân vận, vận động quần chúng.

Trước tình hình và yêu cầu trong giai đoạn mới, để thực hiện tốt hơn công tác dân vận của chính quyền trong những năm tiếp theo mà trước mắt là thực hiện “Năm dân vận chính quyền 2019” theo chủ trương của Ban Dân vận Trung ương và BCS Đảng Chính phủ, công tác dân vận chính quyền cần xác định và tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 13-CT/TU của Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”. Mọi cấp, mọi ngành, cơ quan, đơn vị phải xây dựng kế hoạch tăng cường công tác dân vận trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đẩy mạnh và đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền về công tác dân vận trong hệ thống chính trị và trong nhân dân. Chỉ đạo các cơ quan báo chí có kế hoạch tuyên truyền, xây dựng chuyên trang, chuyên mục về công tác dân vận.

Đổi mới nội dung, hình thức tiếp xúc cử tri, lắng nghe ý kiến của nhân dân trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; gắn công tác dân vận của các cơ quan hành chính nhà nước và chính quyền các cấp với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở để khơi dậy và động viên tinh thần, trí tuệ, vật chất, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân hiểu và giám sát hoạt động của chính quyền, trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào các hoạt động quản lí nhà nước. Quan tâm chỉ đạo quyết liệt công tác tiếp công dân, đối thoại với nhân dân; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là giải quyết các vụ việc phức tạp kéo dài, khiếu kiện đông người, đồng thời quán triệt đầy đủ quan điểm công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và phải có sự phối hợp chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng. Các ngành, các cấp phải khắc phục triệt để tư tưởng “khoán trắng”, coi công tác dân vận là nhiệm vụ riêng của Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Tăng cường công tác quản lí hành chính về mọi mặt để hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo trong nhân dân. Thực hiện một cách mạnh mẽ và thực chất công tác cải cách hành chính trên mọi lĩnh vực, trong đó trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông, “một cửa điện tử hiện đại” theo hướng phục vụ nhân dân, công khai, nhanh gọn, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đến giải quyết công việc; sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và thực sự là công bộc của dân.

Tăng cường theo dõi, kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận và quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở (QCDC). Lãnh đạo chính quyền các cấp phải xem công tác dân vận và thực hiện QCDC là hoạt động thường xuyên. Đồng thời phối hợp tốt với Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC, có kế hoạch kiểm tra định kì hoặc đột xuất tình hình thực hiện của các đơn vị để có cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm và có biện pháp chỉ đạo kịp thời, hiệu quả.

Triển khai đồng bộ và có sự phối hợp chặt chẽ, phân công cụ thể trách nhiệm của chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội. Cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên phối hợp, kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai và thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác dân vận; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức nhằm nâng cao nhận thức, kĩ năng vận động quần chúng và trách nhiệm phục vụ nhân dân.

Mai Xuân Tâm/ baoquangtri.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi