Thứ Tư, 8/1/2025
Cần làm rõ, quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền

Thảo luận về hai dự án luật trên, các ý kiến nhất trí với tờ trình của Chính phủ lần này, chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trong đó, tập trung vấn đề tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các thiết chế hành chính nhà nước. Đối với những nội dung khác được đề cập trong nghị quyết của Đảng, của QH, có thể được cụ thể hóa, thể chế hóa bằng các văn bản dưới luật, các chương trình, đề án và trong quá trình đổi mới hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, chính quyền địa phương..,

Cho ý kiến về việc giảm số Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, số phó trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh và tăng số phó chủ tịch UBND cấp xã loại II tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đa số các ý kiến không đồng tình với việc quy định giảm số phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, số phó trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh từ hai xuống còn một người. Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng và đa số đại biểu cho rằng: Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định HĐND cấp tỉnh, cấp huyện có hai phó chủ tịch nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả cho hoạt động của HĐND với tính chất là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương. Quy định này không làm tăng thêm biên chế ở địa phương vì thực chất được nâng từ chức danh “Ủy viên Thường trực” của HĐND theo quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003. Đây là những vấn đề đã được báo cáo và được sự đồng ý của Bộ Chính trị trước khi đưa vào luật. Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban TVQH Nguyễn Thanh Hải cho biết, qua tiếp thu các ý kiến từ cơ sở cho thấy, mỗi cuộc họp HĐND thường phải quyết định rất nhiều vấn đề quan trọng của địa phương, trong khi bộ máy giúp việc thì ít. Cắt giảm biên chế sẽ dẫn tới chậm đưa ra quyết định do thiếu bộ máy giúp việc, ảnh hưởng chủ trương đầu tư, thu hút đầu tư của địa phương.

Tham gia ý kiến thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc sửa hai luật này nhằm thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, Trung ương, QH, trên tinh thần nghiên cứu làm rõ chức năng, nhiệm vụ, tính chất và yêu cầu hoạt động của các cơ quan, phù hợp đặc thù công việc để xác định mô hình tổ chức thích hợp. Đề nghị Chính phủ có đánh giá tác động thật kỹ đối với các vấn đề nêu trên, nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nhưng cũng phù hợp kết luận của Bộ Chính trị.

Cho ý kiến về việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong nội dung sửa đổi, bổ sung trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các đại biểu cho rằng, vấn đề này không chỉ dừng ở những quy định có tính nguyên tắc mà còn thể hiện ở các điều khoản về nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cấp chính quyền địa phương ở từng loại đơn vị hành chính. Đề nghị sửa đổi, bổ sung các điều khoản về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của mỗi cấp chính quyền địa phương trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đồng thời, cần rà soát các luật chuyên ngành như: Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Về nguyên tắc, việc phân quyền, phân cấp phải gắn thẩm quyền, trách nhiệm với cơ chế bảo đảm nguồn lực để tổ chức thực hiện. Đối với những địa phương đã tự chủ được kinh phí ngân sách, cần đẩy mạnh phân quyền, phân cấp để trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, địa phương không nhất thiết việc gì cũng phải báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Trung ương. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu giao chỉ tiêu biên chế phù hợp quy mô dân số, diện tích tự nhiên (loại đơn vị hành chính) cho từng địa phương vì khi phân quyền, phân cấp có nghĩa là sẽ giao cho địa phương nhiều nhiệm vụ, quyền hạn hơn nhưng phải bảo đảm thực hiện chủ trương của Đảng là tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đánh giá, hồ sơ, tài liệu về dự án luật được cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng, bảo đảm đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình QH xem xét, cho ý kiến. Phó Chủ tịch QH cũng đề nghị, ban soạn thảo rà soát Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm quy định cụ thể hơn nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền và ở từng loại đơn vị hành chính (nông thôn, đô thị, hải đảo), khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo, không phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cấp chính quyền địa phương cũng như của HĐND, UBND các cấp. Cần làm rõ cơ sở dẫn tới việc cắt giảm số lượng đại biểu HĐND cũng như đánh giá tác động của việc cắt giảm.

PV/ nhandan.com.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất