Thứ Năm, 25/4/2024
Giám sát chuyên đề về những vấn đề bức xúc, ảnh hưởng lớn đến kinh tế-xã hội

Qua thảo luận, các ý kiến thống nhất việc lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề được dựa trên các tiêu chí là vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế-xã hội, được đại biểu QH, cử tri và nhân dân quan tâm; gắn với việc xây dựng, thi hành pháp luật. Đáng chú ý là nội dung giám sát không trùng với các chuyên đề giám sát đã được QH, Ủy ban TVQH giám sát trong thời gian 18 tháng, tính đến thời điểm đề xuất. Việc giám sát cần bảo đảm cân đối, phù hợp giữa các lĩnh vực; phạm vi giám sát phù hợp điều kiện thực hiện của các cơ quan của QH. Cho ý kiến về chương trình giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng cho biết, vừa qua TVQH đã có chương trình giám sát về bảo vệ quyền trẻ em. Tuy nhiên, gần đây, nổi lên vấn đề về bạo lực học đường, tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em, những vấn đề liên quan đạo đức xã hội, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Vì vậy, nên lựa chọn giám sát việc bảo vệ trẻ em liên quan lĩnh vực tư pháp. Đồng tình với quan điểm năm 2020 sẽ giảm các chuyên đề giám sát, tuy nhiên Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ lưu ý, cần chú trọng hoạt động giải trình. Theo đó, đề nghị các ủy ban của QH tiếp tục nghiên cứu đổi mới phương thức tiến hành hoạt động giám sát, lịch làm việc, tránh trùng lắp, tránh gây phiền hà cho địa phương.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng năm 2020, QH chỉ giám sát một chuyên đề, Ủy ban TVQH giám sát một chuyên đề do năm 2020 là năm cuối của nhiệm kỳ, năm tiến hành đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIII, khối lượng công việc lớn. Đồng tình với ý kiến thảo luận của một số đại biểu, Chủ tịch QH nêu quan điểm nên chọn giám sát liên quan việc thực hiện chính sách pháp luật về trẻ em. Cho ý kiến về chuyên đề giám sát thứ hai “Việc thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên (FTA)”, Chủ tịch QH đồng tình, nên đi sâu vào việc thực hiện các FTA mà Việt Nam đã ký kết để xem xét quá trình thực hiện những cam kết như thế nào, rút ra bài học kinh nghiệm, nhằm tiếp tục khai thác những ưu đãi khi Việt Nam thực hiện các hiệp định này.

Báo cáo về việc chuẩn bị kỳ họp thứ bảy của QH khóa XIV, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến thời gian làm việc của QH tại kỳ họp thứ bảy là 19 ngày, từ ngày 20/5 đến 13/6. Theo quyết định của Ủy ban TVQH, xem xét đề nghị của Chính phủ và các cơ quan hữu quan, dự kiến nội dung kỳ họp đã có sự điều chỉnh, bổ sung vào chương trình bốn dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ. Ba dự án luật được đề nghị rút khỏi chương trình: Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, để ban soạn thảo và cơ quan có thẩm quyền tiếp tục bổ sung, hoàn thiện.

Chiều cùng ngày, Ủy ban TVQH cho ý kiến dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi). Tại lần sửa đổi này, dự thảo luật bao gồm 10 chương, 135 điều. Trong đó, tập trung giải quyết những vấn đề đang vướng mắc hiện nay của thị trường chứng khoán (TTCK) như: chất lượng hàng hóa đầu vào của thị trường, hành vi thao túng giá, chống giao dịch nội gián, cải cách hành chính nâng cao hiệu quả công tác tổ chức vận hành, quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm...

Thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH về tờ trình của Chính phủ cho rằng, việc nâng điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng và điều kiện trở thành công ty đại chúng là cần thiết để nâng cao chất lượng, sự ổn định của cổ phiếu đưa ra TTCK và phù hợp thông lệ quốc tế cũng như quy mô TTCK hiện tại. Các ý kiến cũng đề nghị làm rõ tính chất pháp lý của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo khác với doanh nghiệp khác như thế nào. Thảo luận về công tác thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, các ý kiến nhận định, tính chất, mức độ vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán nói riêng và tài chính nói chung ngày càng phức tạp và tinh vi đòi hỏi cần có cơ quan chuyên môn có thẩm quyền đủ mạnh để áp dụng các biện pháp ngăn chặn kịp thời. Do vậy, đề nghị nâng chế tài và mức xử phạt tiền sao cho phù hợp với tính chất và mức độ vi phạm, bảo đảm tính răn đe của pháp luật và phù hợp quy mô thị trường.

Nhandan.com.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất