Cụ thể, về công tác chỉ đạo được các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc của các ban ngành đoàn thể. Ủy ban nhân dân các cấp ban hành và triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo về ATTP của cấp trên. Đẩy mạnh công tác thi đua khen thưởng, công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý về ATTP ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa 3 Sở về quản lý ATTP (Y tế, Nông nghiệp và PTNT, Công thương).
Công tác truyền thông về ATTP được đẩy mạnh, đổi mới phương pháp truyền thông. Công tác thanh kiểm tra chuyên ngành, liên ngành được tăng cường, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, Lễ hội, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Thực hiện tốt các chương trình, mô hình điểm về ATTP, tuyến phố ATTP có kiểm soát, quản lý các chợ đầu mối được đẩy mạnh. Tăng cường trao đổi kinh nghiệm quản lý ATTP với các tỉnh bạn để nâng cao hiệu quả phối hợp quản lý chung về ATTP.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý ATTP cũng còn không ít khó khăn tồn tại, đó là nhân lực chuyên trách ATTP còn thiếu so với nhiệm vụ thực hiện, tuyến xã phường, thị trấn chưa có chuyên trách về ATTP chung. Sự vào cuộc của của chính quyền một số địa phương cấp xã còn chưa quyết liệt, việc xử lý các vi phạm ở tuyến xã, phường, thị trấn đã được đẩy mạnh, tuy nhiên vẫn chưa mạnh mẽ, chủ yếu là nhắc nhở. Việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP một số nơi còn hạn chế. Số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, còn nhiều chợ tạm, chợ cóc, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chưa đảm bảo vệ sinh ATTP.
Từ những khó khăn bất cập, tồn tại trên, năm 2018 thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về ATTP. Về chỉ đạo tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết số 43/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 – 2020; thực hiện Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng chính phủ về “tăng cường quản lý nhà nước về ATTP”; Chỉ thị 10-CT/TU ngày 27/10/2016 của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn”. Hoàn thiện và triển khai các chương trình, đề án, dự án, mô hình về ATTP được phê duyệt. Tăng cường hoạt động liên ngành trong công tác bảo đảm ATTP, gắn trách nhiệm của UBND và Ban chỉ đạo công tác ATTP quận huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn đối với công tác ATTP. Nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ các Chi cục thuộc các Sở (Y tế, Nông nghiệp, Công thương). Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế, học tập kinh nghiệm quản lý ATTP tại một số nước, và trao đổi kinh nghiệm quản lý ATTP với một số tỉnh thành khác.
Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng ATTP sẽ tập trung công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất, kiểm nghiệm, giám sát hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP. Xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh về ATTP, xử lý kịp thời các thông tin phản ánh mất ATTP thuộc lĩnh vực quản lý. Kiên quyết xử lý vi phạm trong nuôi trồng, giết mổ gia súc gia cầm, sản xuất chế biến nông lâm sản, thủy sản; trong sản xuất kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
Về chuyên môn phát triển các vùng rau an toàn, mô hình sản xuất an toàn. Kiểm soát kinh doanh dịch vụ ăn uống thức ăn đường phố. Tiếp tục phát triển sản xuất và tiêu thụ Rau an toàn trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016 – 2020. Duy trì và phát triển vùng rau an toàn với quy mô 5.600 ha. Xây dựng bộ mã QRcode cho 550 sản phẩm nông sản an toàn mới, kết nối với điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc. Duy trì các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm an toàn và cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn. Phối hợp với các tỉnh triển khai mô hình quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi. Xây dựng cơ chế hỗ trợ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn bền vững, hỗ trợ đầu tư sản xuất, xây dựng và áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến và tạo thương hiệu, quảng bá cho các sản phẩm đảm bảo an toàn. Xây dựng tuyến phố ATTP có kiểm soát, tuyến phố văn minh. Về công tác quản lý giết mổ gia súc gia cầm, hiện đang còn quá nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ với 1048 cơ sở), thời gian tới ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục triển khai Kế hoạch quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên dịa bàn Thành phố giai đoạn 2016-2020 tại các huyện. Tập trung tạo điều kiện để các Doanh nghiệp xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung ở một số huyện (như Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm Mê Linh, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Phúc Thọ ...). Tăng cường kiểm tra các cơ sở giết mổ, đẩy nhanh việc dẹp bỏ các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo an toàn thực phẩm. Tạo điều kiện để các cơ sở giết mổ hưởng các chính sách ưu đãi của Thành phố về phí giết mổ gia súc gia cầm. Triển khai chương trình đảm bảo ATTP trong chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, bảo quản, kinh doanh sản phẩm động vật trên địa bàn; Đồng thời tăng cường công tác quản lý các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, kiểm tra kiểm soát, rà soát tại các chợ cóc, chợ tạm, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn. Công tác thanh, kiểm tra, kiểm nghiệm, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm, kiên quyết xử lý các vi phạm đặc biệt đối với những loại thực phẩm có nguy cơ cao mất an toàn kinh doanh trong các chợ. Bố trí nhân lực, hóa chất sử dụng có hiệu quả xe chuyên dụng kiểm nghiệm nhanh về ATTP.
Về các thủ tục hành chính, thực hiện kỷ cương hành chính, nghiêm túc rà soát, tuân thủ phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực ATTP theo thẩm quyền, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, phần mềm tích hợp số liệu ATTP. Tăng cường cấp các loại giấy chứng nhận về ATTP: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy xác nhận kiến thức về ATTP, công bố sản phẩm, giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm theo quy định.
Một giải pháp quan trọng nữa là thực hiện tốt hơn công tác thông tin, giáo dục truyền thông ATTP. Đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, công khai kết quả kiểm tra, tên địa chỉ các cơ sở không bảo đảm ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức tuyên truyền Tháng Hành động vì ATTP, tháng cao điểm về ATTP trên toàn Thành phố. Tiếp tục phổ biến Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 15/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP và các văn bản quy phạm pháp luật mới về ATTP. Tuyên truyền, hướng dẫn các kiến thức về ATTP tới các nhóm đối tượng: người quản lý, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm. Tổ chức các buổi truyền thông cộng đồng, phổ biến các kiến thức về ATTP và hướng dẫn chế biến, bảo quản, sử dụng thực phẩm an toàn, ký cam kết ATTP. Xây dựng băng Zone, khẩu hiệu các dịp trọng điểm, in và cấp phát tờ rơi tờ gấp tuyên truyền về ATTP. Tổ chức các cuộc diễn tập điều tra xử lý ngộ độc thực phẩm, diễn tập phòng chống cúm gia cầm, tổ chức các hội thi tìm hiểu về ATTP tại các quận, huyện, thị xã để nâng cao nhận thực cộng đồng về ATTP.
Chắc chắn với các giải pháp trên được các cấp các ngành vào cuộc cùng sự đông thuận của người dân Thủ Đô chung tay thực hiện, công tác quản lý ATTP trên địa bàn Thành phố tiếp tục có chuyển biến tích cực.
Nguyên An