Thứ Tư, 15/5/2024
Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm Tết tại Thủ đô Hà Nội
 
 Các doanh nghiệp sản xuất và phân phối của Hà Nội ký kết hợp tác tiêu thụ hàng hóa.


Ðại tá Trương Ngọc Toán, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần 22 cho biết, doanh nghiệp có nhiều lĩnh vực hoạt động, trong đó có sản xuất lương khô, bánh kẹo phục vụ quân đội, người dân và xuất khẩu. Việc gặp gỡ, ký kết trực tiếp với các doanh nghiệp sản xuất cùng ngành và doanh nghiệp có hệ thống phân phối rộng lớn sẽ giúp đơn vị tiếp cận người tiêu dùng tốt hơn, chủ động trong xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, nhất là trong thời điểm sắp đến Tết.

Hà Nội với hơn mười triệu người dân thường xuyên sinh sống, học tập và làm việc và khoảng 21 triệu lượt khách du lịch mỗi năm là thị trường có nhu cầu tiêu thụ hàng hóa lớn. Trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, dự kiến thành phố cần chuẩn bị lượng hàng hóa trị giá 26 nghìn tỷ đồng để phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân.

Theo Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng, trong những tháng tới, sức mua của người dân sẽ tăng cao, các doanh nghiệp cần sẵn sàng cung ứng hàng hóa kịp thời ra thị trường. Tuy nhiên, do thu nhập của người dân năm vừa qua không có nhiều biến động lớn, việc tăng lương cơ bản cũng chỉ bù đắp được mức độ tăng giá (khoảng 3%), trong khi hàng hóa khá dồi dào, dự báo sẽ không xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến. Ðây là thời điểm cần tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, không để xảy ra tình trạng ngộ độc. Ðể làm được điều này, phải tăng cường kết nối giữa các đơn vị sản xuất với phân phối, nhằm hình thành chuỗi cung ứng chặt chẽ, bảo đảm rõ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Ðồng thời, các đơn vị chức năng tăng cường ngăn chặn, xử lý việc buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Nguyễn Ðắc Lộc cho biết, Bộ luật Hình sự hiện nay đã có thêm chế tài quy định, tất cả cá nhân, tổ chức nào cố tình sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm hoặc trong chăn nuôi, trồng trọt, đều sẽ bị xử lý hình sự. Quy định này đã giúp các cơ quan chức năng có biện pháp mạnh tay hơn trong việc xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Ðồng thời, lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường toàn bộ lực lượng, tiến hành kiểm tra, kiểm soát thị trường trong thời điểm cuối năm, ngăn chặn tình trạng tuồn hàng lậu, hàng hóa không an toàn lưu thông trên thị trường Thủ đô. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường, cung cầu, giá cả hàng hóa các mặt hàng phục vụ Tết để kịp thời phát hiện và xử lý khi xảy ra hiện tượng thiếu hàng, khan hiếm hàng hóa, giá cả tăng đột biến.

Thành phố Hà Nội đề nghị các đơn vị phân phối phải quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất Hà Nội kết nối, đưa sản phẩm vào kênh phân phối, bố trí trưng bày ở vị trí thuận tiện tiếp cận người tiêu dùng. Ðồng thời, các doanh nghiệp trên địa bàn và trong nước tăng cường gặp gỡ, tiếp xúc, tạo điều kiện hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh để cung ứng hàng hóa bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý tới người tiêu dùng, đặc biệt ưu tiên hàng Việt Nam, hạn chế sức ảnh hưởng của hàng nhập khẩu.

Quỳnh Trang

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi