Chiều 30-3, dưới sự điều
hành của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, QH đã nghe Phó Chủ tịch QH Tòng
Thị Phóng, thay mặt Ủy ban TVQH báo cáo kết quả, tiếp thu, giải trình ý
kiến thảo luận tại Đoàn đại biểu QH về đề nghị miễn nhiệm Chủ tịch QH
và Chủ tịch Hội đồng BCQG. Tiếp theo, sau khi QH biểu quyết thành lập
Ban kiểm phiếu, QH tiến hành miễn nhiệm Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng
BCQG bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Với đa số đại biểu QH bỏ phiếu tán thành, QH đã
đồng ý miễn nhiệm chức danh Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng BCQG đối với
đồng chí Nguyễn Sinh Hùng. Theo kết quả được công bố, có 477/494 đại
biểu tham gia bỏ phiếu, trong đó 473 phiếu hợp lệ, bốn phiếu không hợp
lệ. Trong số các phiếu hợp lệ, có 431 phiếu đồng ý miễn nhiệm chức danh
Chủ tịch QH (chiếm gần 90%). Với chức danh Chủ tịch Hội đồng BCQG, có
430 phiếu đồng ý miễn nhiệm chức danh này đối với đồng chí Nguyễn Sinh
Hùng.
QH đã nghe đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký
QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH trình bày dự thảo Nghị quyết miễn nhiệm hai
chức danh nêu trên và tiến hành bỏ phiếu. Với tỷ lệ 455 đại biểu bỏ
phiếu tán thành (bằng 92,11% tổng số đại biểu QH), QH đã thông qua Nghị
quyết miễn nhiệm Chủ tịch QH khóa XIII và chức vụ Chủ tịch Hội đồng
BCQG đối với đồng chí Nguyễn Sinh Hùng. Nghị quyết có hiệu lực đến khi
QH bầu được Chủ tịch QH và Chủ tịch Hội đồng BCQG mới.
Cũng trong chiều qua, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị
Phóng, thay mặt Ủy ban TVQH trình bày Tờ trình về dự kiến nhân sự để QH
bầu Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng BCQG. Sau đó, QH tiến hành thảo
luận ở Đoàn đại biểu QH về nội dung này. Người được giới thiệu ứng cử
chức danh Chủ tịch QH khóa XIII, Chủ tịch Hội đồng BCQG, thay thế đồng
chí Nguyễn Sinh Hùng là đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính
trị, Phó Chủ tịch QH khóa XIII.
Theo nhận xét, đánh giá của đông đảo đại biểu QH
và cử tri tại nhiều địa phương trong cả nước, trong nhiệm kỳ năm năm
qua, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã để lại nhiều ấn tượng trong vai
trò điều hành QH, cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, thể hiện rõ
nét trong các lĩnh vực lập hiến, lập pháp; giám sát tối cao và quyết
định những vấn đề quan trọng của đất nước. Qua đó, hoạt động của QH
theo hướng ngày càng đổi mới, đi vào thực chất, hiệu quả hơn, đáp ứng
yêu cầu của quá trình phát triển và hội nhập. Dấu ấn lớn nhất của QH
khóa XIII là việc xây dựng và ban hành Hiến pháp năm 2013 được cử tri và
nhân dân cả nước đón nhận như một mốc son trong lịch sử lập hiến, lập
pháp của QH Việt Nam, là văn kiện pháp lý gốc, cơ sở pháp lý mang tính
nền tảng cho giai đoạn phát triển của đất nước trong nhiều năm tới.
Trước đó, buổi sáng, QH nghe Ủy viên Ủy ban TVQH,
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại (UBĐN) của QH Trần Văn Hằng trình bày Báo
cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Ký kết, gia nhập và
thực hiện điều ước quốc tế (ĐƯQT) (sửa đổi). Báo cáo cho biết: Tại kỳ
họp thứ 10, QH đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Ký kết, gia nhập
và thực hiện ĐƯQT (sửa đổi). Các vị đại biểu QH đều tán thành về sự cần
thiết sửa đổi luật và nội dung cơ bản của dự thảo luật; cơ bản tán
thành Báo cáo thẩm tra của UBĐN; đồng thời bổ sung thêm một số ý kiến về
các vấn đề, điều khoản cụ thể.
Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau
của dự thảo Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT (sửa đổi), đại biểu
Nguyễn Thanh Tùng (Sóc Trăng) và nhiều đại biểu đề nghị nên sửa tên
luật thành “Luật Điều ước quốc tế” để bảo đảm tính khái quát. Tuy
nhiên, một số ý kiến đề nghị nên giữ tên luật như luật hiện hành để phù
hợp nội hàm điều chỉnh của luật và không gây hiểu nhầm là luật quy
định về nội dung các ĐƯQT.
Đề cập vấn đề phê chuẩn ĐƯQT, đại biểu Nguyễn Văn
Phúc (Hà Tĩnh) cho rằng, Chủ tịch nước có vai trò rất quan trọng trong
hoạt động đối nội, đối ngoại của đất nước, đồng thời có vai trò quan
trọng trong việc trình QH thông qua và phê chuẩn các ĐƯQT. Hiện nay,
nước ta chưa có luật riêng về Chủ tịch nước, cho nên dự thảo luật này
nên dành một chương, một mục để quy định rõ vai trò, thẩm quyền của Chủ
tịch nước trong việc phê chuẩn, trình QH phê chuẩn các ĐƯQT.
Đề cập về giám sát hoạt động ký kết và thực hiện
ĐƯQT, đại biểu Trần Đình Nhã (Thừa Thiên - Huế) và một số đại biểu cho
rằng, thực hiện ĐƯQT có nội dung rộng lớn, để đưa ĐƯQT vào cuộc sống,
nếu luật quy định chỉ giao cho UBĐN của QH phối hợp các Đoàn đại biểu
QH giám sát là chưa phù hợp, mà nên giao cho Ủy ban TVQH, Hội đồng Dân
tộc của QH giám sát hoạt động ký kết và thực hiện ĐƯQT. Dự thảo luật
nên bổ sung quy định giao cho UBĐN của QH chủ trì, phối hợp các ủy ban
của QH giám sát các hoạt động ký kết và thực hiện ĐƯQT.
Đồng thời, dự thảo luật nên bổ sung quy định đối
tượng giám sát, chủ thể giám sát, nếu thấy cần thiết, QH cũng tham gia
giám sát hoạt động ký kết. Theo các đại biểu, đất nước hội nhập, QH
phải phê chuẩn nhiều ĐƯQT, nếu chỉ giao cho UBĐN của QH chủ trì về giám
sát hoạt động ký kết, trong khi lực lượng của UBĐN mỏng, sẽ không thể
đảm nhiệm được trọng trách này, vì thế chỉ nên giao cho UBĐN của QH
theo dõi chung, trực tiếp chủ trì thẩm tra ĐƯQT có nội dung chung, còn
các nội dung ĐƯQT cụ thể về an ninh - quốc phòng, về năng lượng nguyên
tử…, nên giao cho các cơ quan khác có liên quan chủ trì thẩm định, giám
sát sẽ phù hợp hơn.
Cùng với đó, trong ký kết, phê chuẩn ĐƯQT, công
đoạn tham vấn ý kiến của các đại biểu QH, Đoàn đại biểu QH có vai trò
quan trọng, bởi mục tiêu ĐƯQT là tác động vào sự phát triển kinh tế -
xã hội của đất nước. Thực tế công đoạn tham vấn ở các nước trên thế
giới làm rất kỹ và bài bản, tạo nên sự đồng thuận cao trong xã hội. Tuy
nhiên, vấn đề tham vấn trong dự thảo luật chưa được đề cập, do vậy, dự
thảo luật cần có một chương quy định rõ việc tham vấn. Đề cập vấn đề
này, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) và một số đại biểu cho rằng,
dự thảo luật cần quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan chủ trì,
đề xuất ký ĐƯQT. Vì thời gian qua, một số cơ quan chủ trì, đề xuất ký
ĐƯQT chưa coi trọng việc lấy ý kiến tham vấn của các chuyên gia, các
bộ, ngành liên quan; một số lãnh đạo bộ, ngành còn xem nhẹ vấn đề này,
chỉ trông vào cơ quan chức năng của bộ, ngành mình chuẩn bị... Thực tế
cho thấy, do sơ xuất như nêu trên, cho nên khi Việt Nam ký nghị định
thư, bản ghi nhớ với nước ngoài không chỉ gây khó khăn trong triển khai
thực hiện mà còn gây thiệt hại cho đất nước.
Một số đại biểu nhấn mạnh, dự thảo luật cần quy
định rõ trách nhiệm của cơ quan pháp chế, cũng như trách nhiệm của từng
bộ, ngành liên quan đến ĐƯQT. Việc ký kết ĐƯQT với các cơ quan nước
ngoài là cả một quá trình lâu dài, do vậy, để tổ chức thực hiện ký ĐƯQT
bảo đảm chặt chẽ, phải triển khai đồng bộ các mặt, thực hiện tốt công
tác tuyên truyền, giúp đối tác nghiên cứu kỹ, tận dụng tối đa lợi thế
của Việt Nam khi ký kết và thực hiện ĐƯQT.