Thứ Ba, 16/4/2024
Bình Thuận: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều chương trình, chính sách dân tộc đã được ban hành và tổ chức thực hiện, góp phần làm thay đổi đáng kể đối với kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi trong tỉnh, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng khó khăn được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường đầu tư; lĩnh vực giáo dục và đào tạo đạt được nhiều kết quả tích cực; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn; bản sắc văn hóa các dân tộc được quan tâm bảo tồn và phát triển; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đồng bào dân tộc thiểu số được tuyên truyền, quán triệt, tiếp cận nhiều hơn với thông tin, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trình độ dân trí được nâng nên.


 Gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực. Hàng năm, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên đã tổ chức tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số bằng nhiều hoạt động, từng bước đổi mới về nội dung, hình thức theo hướng đa dạng, phong phú, thiết thực. Nổi bật, đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đoàn kết giúp nhau, thi đua phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giúp đỡ nhau về vốn, giống cây trồng, vật nuôi, kinh nghiệm sản xuất; biên soạn các tài liệu pháp luật, chuyên đề bài giảng phù hợp phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số làm tài liệu nghiên cứu, kết hợp với nghe giảng tại hội nghị; tổ chức in ấn, cấp phát hàng vạn tờ gấp, tờ rơi, tài liệu tuyên truyền có nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng. Cùng với đó, lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm phối hợp thực hiện; các hoạt động thể thao, lễ hội truyền thống các dân tộc được duy trì, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh; đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ của nhân dân, cụ thể: 100% xã được phủ sóng truyền hình, phát thanh; 98% hộ sử dụng điện lưới quốc gia; 17/17 xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số có nhà văn hóa; 100% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng. Bên cạnh đó, các hoạt động lễ hội ngày càng được quan tâm tổ chức trang trọng hơn, bài bản hơn, các lễ, hội truyền thống được phục dựng và bảo tồn như: Tết KaTê của dân tộc Chăm theo đạo Bàlamôn; Tết Ramưwan của dân tộc Chăm theo đạo Bà Ni, Tết Đầu lúa của đồng bào dân tộc 4 xã vùng cao vào ngày 14 - 15/12 âm lịch hàng năm; Lễ hội Kỳ Yên của đồng bào Chăm, Lễ hội Tả Tài Phán và Lễ hội vía Phật Bà Quan Âm của dân tộc Tày, Nùng, Hoa… Phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp, tiến bộ của dân tộc, nhất là giữ gìn tiếng nói, chữ viết của đồng bào Chăm, nghề truyền thống dệt thổ cẩm Phan Hòa, Phan Thanh, gốm gọ, các làn điệu dân ca của các dân tộc, các điệu múa Chăm vào dịp các ngày Tết, Lễ hội….

Qua đó, đã có nhiều mô hình, cách làm mới trong công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong đồng bào các dân tộc thiểu số, như: mô hình “Khu dân cư bảo vệ môi trường” (thôn Lâm Giang, xã Hàm trí, huyện Hàm Thuận Bắc; xã Phan Hòa, Phan Thanh, huyện Bắc Bình của dân tộc Chăm); mô hình kết nghĩa giữa Đồn Biên phòng với thôn đồng bào thuần dân tộc Chăm (xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân); mô hình nhân dân tự quản ở huyện Bắc Bình; mô hình chức sắc tôn giáo với phong trào giữ gìn an ninh trật tự ở Chùa Bà ni tại huyện Tánh Linh… Kết quả, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã giúp các tầng lớp nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với các nguồn thông tin về pháp luật, chấp hành pháp luật, về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, hiểu rõ thêm về quyền lợi và nghĩa vụ của mình đối với Đảng, Nhà nước, nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật. Từ đó dần hình thành ý thức tự giác chấp hành pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, góp phần tích cực vào sự phát triển của tỉnh.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, đó là: Cơ sở hạ tầng thiết yếu mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân; trình độ dân trí không đồng đều, chất lượng giáo dục, y tế, nguồn nhân lực, năng lực đội ngũ cán bộ cơ sở còn hạn chế; điều kiện tiếp cận thông tin, tiếp cận với văn hóa tiên tiến còn hạn chế nhất định…

Trước tình hình thực tế trên, để tiếp tục góp phần nâng cao dân trí, xây dựng và củng cố sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng với yêu cầu hội nhập quốc tế và khu vực, đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo bền vững, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, đòi hỏi công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới cần phải được đẩy mạnh hơn nữa với nội dung, hình thức đa dạng phong phú đảm bảo phát huy hiệu quả. Theo đó, cần tập trung vào một số giải pháp cụ thể như: Các cấp ủy Đảng cần quan tâm nhiều hơn trong chỉ đạo triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số các địa phương; tăng cường các hình thức trực quan sinh động hoặc sân khấu hóa để đồng bào dân tộc thiểu số dễ tiếp thu, dễ nhớ; tài liệu tuyên truyền cần biên tập câu từ ngắn gọn, minh họa sinh động và đa dạng để đồng bào dễ tiếp thu. Bên cạnh đó, phải đổi mới công tác tuyên truyền bằng hình thức triển khai các mô hình điểm gắn với lồng ghép các nội dung vận động tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó, mô hình kết nghĩa giữa các đơn vị với địa phương đồng bào dân tộc thiếu số cần được nhân rộng và phát huy. Công tác thông tin, tập huấn các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước cho lực lượng Người có uy tín phải được làm thường xuyên và quan tâm hơn đến các chế độ, thăm viếng… đối với Người có uy tín, tiêu biểu trong các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận./.

Nguồn: binhthuan.gov.vn


Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất