Chủ Nhật, 19/1/2025
Cứ giảm 100 hộ nghèo thì có 18 hộ nghèo phát sinh


Giảm nghèo chưa bền vững

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội Lê Quân cho biết, trong năm nay hộ nghèo dự kiến sẽ giảm xuống còn 4,5%, đạt yêu cầu của Quốc hội. Tuy nhiên, tỷ lệ giảm nghèo chưa bền vững, vì ngoài tỷ lệ tái nghèo thì tỷ lệ phát sinh hộ nghèo cao, lên tới 17,8% trong năm 2018. Chệnh lệch giàu nghèo chưa chuyển biến: Năm 2014 khoảng cách thu nhập giữa hộ giàu và nghèo là 9,7 lần, mà năm 2018 đã tăng lên 10 lần.

Nguyên nhân là do điều kiện tự nhiên, thiên nhiên khác nhau và phức tạp, nên giải pháp thoát nghèo gắn với sinh kế bền vững chưa hiệu quả. Cũng theo ông Lê Quân, khả năng tiếp cận dịch vụ và thị trường của hộ nghèo chưa lớn. Ví dụ chính sách bảo hiểm y tế có độ phủ cao, nhưng khâu chi, phát thuốc, chữa bệnh thì rất thấp.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, trước đây, bà con hộ nghèo đi khám chữa bệnh thực hiện theo Quyết định số 139 của Thủ tướng thì họ được hỗ trợ khám chữa bệnh và phương tiện đi lại và có thể hỗ trợ cho thân nhân chăm lo. Nhưng khi chuyển sang thực hiện thống nhất theo BHYT thì những hỗ trợ này không được thực hiện.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trường Sơn, Bộ Y tế đang triển khai sáp nhập trung tâm y tế cấp huyện, trạm xá cấp xã sẽ được tăng cường cơ sở vật chất và tủ thuốc ở cấp xã tương đương tủ thuốc ở trung tâm y tế huyện, từ đó sẽ giúp người dân tiếp cận y tế dễ hơn, nhất là địa phương khó khăn.

Còn Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Võ Thành Thống cũng cho biết, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của các Chương trình mục tiêu quốc gia vẫn chậm, mới được 23% kế hoạch năm 2019, và không đồng đều cho cả nước. 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn tỷ lệ chung của cả nước là Hưng Yên (80%), Bến Tre (47%), Vĩnh Long (63%), Nghệ An (45%), Tây Ninh (44%) và Lạng Sơn (45%). Nhưng có tới 47 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Cá biệt có 5 địa phương chưa giải ngân được một đồng vốn nào là Cà Mau, Khánh Hòa, Hòa Bình, Quảng Ninh và Đắk Nông và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% là Thái Bình, Tiền Giang, Bình Thuận, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai.

Ông Trần Thanh Nam cho biết, tiến độ giải ngân vốn đầu tư chậm là do thủ tục giao vốn chậm, năng lực ban quản lý dự án ở địa phương yếu. Tuy nhiên, các công trình NTM nhỏ nên các địa phương đều khẳng định sẽ giải ngân xong vào cuối năm nay.

Nỗ lực hoàn thành tốt các chương trình mục tiêu quốc gia

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ đánh giá kết quả thực hiện công tác sáu tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực; các bộ, ngành cũng tích cực, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý một số nội dung chưa hoàn thành đúng tiến độ như đã đề ra, do đó, các bộ, ngành cần rà soát các nhiệm vụ được giao để khẩn trương hoàn thành từ nay đến cuối năm, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo hoàn thành các Chương trình mục tiêu quốc gia. Phó Thủ tướng cũng đánh giá rất khả quan về kết quả Chương trình xây dựng nông thôn mới vượt chỉ tiêu đề ra. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Có được kết quả nêu trên là nhờ sự cố gắng, nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành, vào cuộc đồng bộ từ Trung ương đến địa phương…

Về phương hướng nhiệm vụ sáu tháng cuối năm, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương bám sát các chỉ đạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị tốt cho việc tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới gắn với tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và đánh giá thực hiện chuẩn nghèo đa chiều, làm cơ sở thực hiện trong 5 năm tới, đặc biệt là làm rõ chuẩn nghèo đối với trẻ em; sớm trình Ban Chỉ đạo kế hoạch tổ chức sự kiện Ngày vì người nghèo Việt Nam năm 2019 nhân Ngày Quốc tế chống đói nghèo (17-10) cũng như các chương trình an sinh xã hội khác. Bộ Kế hoạch và Ðầu tư kiểm tra, đôn đốc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công liên quan tới hai chương trình này. Bộ Tài chính chủ trì phối hợp các bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải quyết nguồn khen thưởng cho các tỉnh có kết quả cao trong thực hiện NTM giai đoạn 2011- 2015.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư hướng dẫn các địa phương sớm tổng hợp thông tin để báo cáo Trưởng Ban chỉ đạo về nhu cầu, kế hoạch, kinh phí triển khai hai Chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch tài chính, ngân sách và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025. Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp các bộ, ngành đề xuất khung khổ thể chế về tín dụng chính sách từ nay đến năm 2020 và 5 năm tiếp theo, nâng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cho hai CTMTQG trên nguyên tắc không làm tăng cấp bù, mà cơ bản trên cơ sở huy động tín dụng xã hội, quay vòng vốn./.

Theo kết quả tổng hợp rà soát hộ nghèo, đến cuối năm 2018, tổng số hộ nghèo là hơn 1,304 triệu hộ, chiếm tỷ lệ 5,23% tổng số hộ trong cả nước (trong đó: số hộ nghèo về thu nhập là 1.167.439 hộ, tương ứng 89,52% so tổng số hộ nghèo; số hộ nghèo thiếu hụt đa chiều là 136.562 hộ, tương ứng 10,48% so tổng số hộ nghèo). Dự kiến đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn khoảng 4%, giảm khoảng 1 đến 1,5% so đầu năm 2019, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm hơn 4%, đạt mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XII đề ra.


Trung Thành

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất