Chủ Nhật, 19/1/2025
Nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách của các tổ chức chính trị - xã hội

 


Trong 6 tháng đầu năm 2019, đã có hơn 1.158 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hỗ trợ kịp thời vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho gần 113 nghìn lao động, trong đó hơn 3 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 8 nghìn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng hơn 760 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng hơn 10 nghìn căn nhà ở cho các đối tượng chính sách…

Đạt được những kết quả quan trọng đó, bên cạnh nỗ lực của Ngân hàng là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt là các tổ chức chính trị - xã hội như Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, qua đó, xác lập các mô hình cho vay, quản lý vốn vay hiệu quả. 

Riêng dư nợ ủy thác qua Hội Nông dân đạt 61.594 tỷ đồng, chiếm 31,16% tổng dư nợ ủy thác, tăng 3.154 tỷ đồng so với cuối năm 2018. Thông qua việc thực hiện ủy thác, Hội Nông dân có điều kiện củng cố tổ chức và thu hút hội viên; tham gia giám sát đảm bảo chính sách tín dụng được thực hiện công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả trong sử dụng nguồn lực của Nhà nước cho mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, góp phần tích cực trong việc bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh việc phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng, hội viên nông dân hăng hái thực hành tiết kiệm. Đến 30/6/2019, số Tổ tiết kiệm và vay vốn đã triển khai hoạt động tiết kiệm tự nguyện là 56.494 tổ, đạt tỷ lệ 99,93% số tổ, hơn 2 triệu thành viên tham gia gửi tiền tiết kiệm với tổng số dư tiền gửi đạt 2.773 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/6/2019, tổng dư nợ vốn vay của NHCSXH ủy thác qua Hội Cựu chiến binh đạt 32.356 tỷ đồng, chiếm 16,37% tổng dư nợ của NHCSXH, tăng gần 2.013 tỷ đồng so với cuối năm 2018. Hiện nay, Hội Cựu chiến binh đang quản lý 31.158 Tổ tiết kiệm và vay vốn với hơn 1 triệu hộ vay, 99,94% số Tổ tiết kiệm và vay vốn có tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm với số dư 1.476 tỷ đồng (tăng 99,4 tỷ đồng so với năm 2018). Bằng các nguồn vốn huy động cùng với vốn vay từ NHCSXH đã giải quyết cho 68.650 lao động và việc làm cho Cựu chiến binh và con cháu. 6 tháng đầu năm 2019 giảm được 12 nghìn hộ Cựu chiến binh nghèo, hơn 11 nghìn hộ Cựu chiến binh cận nghèo, xóa được gần 3 nghìn căn nhà dột nát, tạm bợ…

Bên cạnh đó, Hội Cựu chiến binh còn phối hợp chặt chẽ với NHCSXH và các hội, đoàn thể tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thực hiện tốt Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong việc tăng cường phối hợp với NHCSXH, cấp ủy, chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể nhận ủy thác để nâng cao chất lượng tín dụng chính sáchTrong 6 tháng đầu năm 2019, Hội Cựu chiến binh cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo các cấp hội tiếp tục nâng cao hiệu quả, đẩy mạnh tuyên truyền về tín dụng chính sách, về tác hại của “tín dụng đen”…

Thời gian qua, Đoàn Thanh niên các cấp đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH thực hiện tốt Chương trình liên tịch góp phần chuyển tải và quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách của Nhà nước đến hàng triệu hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, đặc biệt đoàn viên thanh niên có thêm cơ hội học tập, tạo công ăn việc làm, giảm nghèo bền vững và khởi nghiệp… Đến 30/6/2019, thông qua 24.729 Tổ tiết kiệm và vay vốn do Đoàn Thanh niên quản lý với tổng dư nợ trên 26.588 tỷ đồng, chiếm 13,45% tổng dư nợ uỷ thác với gần 1 triệu khách hàng được vay vốn chính sách. Về công tác nhận tiền gửi tiết kiệm, có 99,88% số Tổ tiết kiệm và vay vốn do Đoàn Thanh niên quản lý có tổ viên tham gia gửi tiền với số dư 1.134 tỷ đồng (tăng 87,5 tỷ đồng so với năm 2018).

Điểm đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm 2019 Ban Bí thư TW Đoàn đã tập trung chỉ đạo các tỉnh, thành Đoàn phối hợp chặt chẽ với NHCSXH các tỉnh, thành phố và tham mưu cho UBND các cấp tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư TW Đảng và Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về sự tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước và NHCSXH thông qua nhiều hình thức phong phú, sáng tạo. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở về nghiệp vụ các chương trình cho vay, kiểm tra giám sát tại cơ sở, cũng như hoạt động của Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, công tác ủy thác cho vay qua Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục đạt những kết quả tích cực, nhiều chỉ số tiếp tục dẫn đầu trong các tổ chức chính trị - xã hội có hoạt động ủy thác. Cụ thể, tính đến 30/6/2019, có 67.348 tổ Tiết kiệm vay vốn (TK&VV) qua ủy thác của Hội. Tổng dư nợ trên 77,1 nghìn tỷ đồng (tăng gần 4.000 tỷ đồng so với tháng 12 năm 2018) cho trên 2,5 triệu hộ gia đình vay. Trong đó tập trung ở các chương trình: Cho vay Hộ thoát nghèo 14,02 nghìn tỷ đồng; Nước sạch vệ sinh môi trường trên 13,64 nghìn tỷ đồng; Hộ nghèo trên 12,6 nghìn tỷ đồng; Hộ cận nghèo trên 12,01 nghìn tỷ đồng; Hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn trên 8,4 nghìn tỷ đồng; giải quyết việc làm trên 7,33 nghìn tỷ đồng; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên 4,7 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ quá hạn 0.32% (tăng 0,02% so với 31/12/2018). Hiện nay, tổng số tiền gửi tiết kiệm của thành viên do Hội quản lý đạt trên 4,11 ngàn tỷ đồng (chiếm 43,3%), tăng 183 tỷ đồng so với 31/12/2018. Số tiền gửi tiết kiệm/1 thành viên đạt 1,58 triệu đồng; cao hơn 150 ngàn đồng so với trung bình chung của cả 04 Hội, Đoàn thể. Cùng với đó, các hoạt động nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm vay vốn, giám sát nguồn vốn; qua đó giúp hội viên, chị em đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống. Cơ bản các hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích, tỷ lệ hoàn trả vốn đạt 99,68%.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả cung cấp tín dụng cho sản xuất và đời sống, đồng thời ngăn chặn hiệu quả tình trạng tín dụng đen đang “nở rộ” ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa hiện nay, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân có thể tiếp cận các chương trình tín dụng của ngành ngân hàng; nghiên cứu, triển khai ủy thác cho vay thông qua các mô hình tổ tiết kiệm và vay vốn do các tổ chức chính trị - xã hội quản lý, tạo điều kiện cho người dân tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức, góp phần hạn chế tín dụng đen. 

Thanh Minh

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất