Bộ mặt nông thôn mới (NTM) đổi thay, đường làng ngõ xóm khang trang, rộng rãi, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên… là điều dễ nhận thấy tại các xã ở đây. NTM đã không chỉ trở thành hiện thực mà giờ đây huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai đã và đang bắt tay vào xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu với mục tiêu phấn đấu hoàn thành mục tiêu huyện NTM nâng cao vào năm 2023, sớm hơn 2 năm so với kế hoạch đề ra. Có được kết quả này là sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân địa phương.
Từ xuất phát điểm thấp...
Mặc dù, là huyện có diểm xuất phát điểm thấp khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội rất nhiều khó khăn; thu nhập bình quân đầu người năm 2011 chỉ đạt 27,1 triệu đồng/người; hộ nghèo nhiều (năm 2011 chiếm 16,8%,8.115 hộ). Song, chủ động thấy được những khó khăn, thách thức; phát huy truyền thống huyện anh hùng trong kháng chiến. Ngay khi bước vào thực hiện chương trình, huyện đã xác định rõ nội dung để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo: “Xây dựng nông thôn mới đi đôi với phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững; trồng, quản lý và khai thác hiệu quả đối với nguồn tài nguyên rừng, góp phần cân bằng sinh thái và bảo vệ quốc phòng, an ninh; phát triển du lịch sinh thái; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, trong đó, tập trung vào công nghiệp chế biến nông sản hỗ trợ trực tiếp trở lại cho nông nghiệp, nông thôn”. Trong quá trình thực hiện, huyện kết hợp đồng bộ, chặt chẽ các giải pháp; không dễ dãi đối với chất lượng và quyết liệt với khó khăn; kết hợp giữa xây dựng nông thôn mới với nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Định quán đã đạt được những kết quả có ý nghĩa rất quan và khích lệ trên tất cả các lĩnh vực.
|
Xã Phú Vinh (Định Quán) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao từ năm 2019
|
Sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập một bước đột phá lớn trong phát triển kinh tế nông thôn. Huyện chú trọng gắn chặt phát triển sản xuất nông nghiệp với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nâng cao lợi thế cạnh tranh sản phẩm ngành hàng và toàn ngành nông nghiệp huyện; hình thành được các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm ở nhiều cây trồng, vật nuôi: ca cao, xoài, cam, quýt, mít, cà phê, cá lóc... .Ước năm 2020 Giá trị sản phẩm bình quân/1 ha đất nông nghiệp đạt 145,58 triệu đồng (tăng 1,63 lần so với năm 2011); đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng nâng lên, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 57, 4 triệu đồng, tăng hơn 111% so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm mạnh từ 16,8% năm 2011 xuống còn 0,78% đến nay.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội,với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng, để huy động cao nhất mọi nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này. Các cơ sở hạ tầng quan trọng như hệ thống điện, giao thông kết nối giữa các khu vực, giữa các trung tâm, trường học, trạm y tế, thiết chế văn hóa, hệ thống bảo vệ môi trường của xã, ấp đã có bước phát triển đáng kể, đem lại diện mạo mới, sức sống mới là điểm nổi bật trong xây dựng nông thôn mới: đường giao thông kết nối giữa các trung tâm, giữa các khu vực; hệ thống thủy lợi đáp ứng yêu cầu sản xuất, sinh hoạt dân cư và chủ động phòng chống thiên tai;100% số xã có trường học đạt chuẩn về cơ sở vật chất, trong đó đã có 45% trường đạt chuẩn quốc gia. Điểm nổi bật trong xây dựng thiết chế văn hóa từ huy động nguồn lực xã hội hóa, đã xây dựng 03 nhà văn hóa dân tộc phục vụ sinh hoạt cộng đồng.
Văn hóa, xã hội và môi trường có sự chuyển biến tích cực; Huyện duy trì và thực hiện tốt công tác nâng cao chất lượng dạy và học. Tỷ lệ từng tiêu chí hàng năm đều tăng, vượt so với quy định tiêu chí nông thôn mới: 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 05 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; phổ cập giáo dục trung học cơ sở; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, trung cấp) đạt 99%.Chất lượng khám, chữa bệnh được cải thiện và nâng cao, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt được 90,7%% tăng 87% so với năm 2011; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”,toàn huyện có 98,4% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa; 94,6% ấp đạt chuẩn văn hóa; hệ thống cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn ngày càng cải thiện, trong xử lý môi trường, huyện đã huy động nguồn vốn xã hội hóa đầu tư nhà máy xử lý rác thải bằng hình thức đốt và sản xuất phân vi sinh từ năm 2013 (công suất xử lý 245 tấn rác/ngày; quy mô gần 10 ha) đã có sự đóng góp tốt vấn đề xử lý rác của khu vực Tân Phú, Định Quán – là 02 huyện xa nhất của tỉnh.
Xây dựng hệ thống chính trị; đảm bảo an ninh trật tự ở nông thôn: Chất lượng nguồn nhân lực và hoạt động của bộ máy các cơ quan, đơn vị, các cấp được nâng cao, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ thực tế tại địa phương. Cán bộ có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị đạt chuẩn chiếm 98,54%, tăng 44,5% so với năm 2011; công chức xã đã đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị chiếm 95,24%, tăng 68,7% so với năm 2011; đội ngũ cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Cấp ủy Đảng, hệ thống chính quyền, mặt trận và các đoàn thể ở nông thôn thực hiện tốt vai trò, chức năng nhiệm vụ trong xây dựng nông thôn mới. 100% UBND cấp xã sử dụng phần mềm một cửa điện tử eGov để phục vụ cho tổ chức, người dân trong công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính., khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu về thông tin khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống. Lực lượng quân sự, công an được tập trung đào tạo theo hướng chính quy, hiện đại; thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Trong các năm qua, tình hình an ninh chính trị - an toàn trật tự xã hội trên địa bàn huyện luôn được giữ vững và ổn định; các loại tội phạm, tai nạn, tệ nạn xã hội và các vi phạm pháp luật đều giảm. Với những thành quả đạt được toàn diện trên tất cả các mặt: Đến cuối năm 2018 toàn thể 13/13 xã đều đạt chuẩn nông thôn mới và huyện vinh dự được Thủ tướngChính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới;
... đến về đích sớm trong xây dựng NTM nâng cao
Sau khi đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2018. Chỉ trong 3 năm tiếp theo, Định Quán đã có 7/13 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Ngoài ra, 3 xã: Phú Hòa, La Ngà và Gia Canh đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao và huyện đang hoàn tất hồ sơ đề nghị thẩm định, công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2021. 3 xã còn lại gồm: Thanh Sơn, Phú Ngọc và Túc Trưng đều đạt từ 12-14 trên tổng số 19 tiêu chí NTM nâng cao. Các tiêu chí chưa đạt chủ yếu là về giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại giao thông, môi trường…
Huyện Định Quán đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn để sớm hoàn thành các tiêu chí trên. Cụ thể, huyện đang tập trung triển khai dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước tập trung liên xã Phú Ngọc, Ngọc Định, La Ngà với công suất 3.700m3/ngày đêm; đảm bảo cung cấp nước sạch cho trên 48 ngàn người với tổng vốn đầu tư trên 65 tỷ đồng. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, huyện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình đường nội đồng cánh đồng thị trấn Định Quán với chiều dài tuyến gần 1,9km để thuận tiện cho người dân đi lại trong quá trình sản xuất nông nghiệp; hoàn thành xây dựng và đóng điện 4 công trình điện thuộc xã Suối Nho…
Với phương châm trọng chất hơn lượng, xây dựng NTM tại địa phương này là cả quá trình xuyên suốt, kết hợp giữa xây dựng NTM với NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Theo đó, các xã NTM nâng cao khi vừa về đích đã triển khai thực hiện ngay mục tiêu xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Đến nay, các xã NTM nâng cao đều đạt từ 7-14 chỉ tiêu NTM kiểu mẫu. Trên cơ sở những kết quả ấn tượng của địa phương trong xây dựng NTM nâng cao, Định Quán đặt ra mục tiêu phấn đấu về đích sớm hơn trong xây dựng NTM nâng cao, đó là: Phấn đấu đến năm 2024 huyện có 100 số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, năm 2025: huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 04 xã và 10 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới mới kiểu mẫu; góp phần tích cực vào sự phát triển chung của Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh/.
Nguyên Sơn