Thứ Năm, 23/1/2025
Tấm lòng của cô giáo cắm bản vùng cao

Cô giáo Đinh Thị Thiết cùng các em học sinh vùng cao

Một ngày đầu tháng 3/2022, chúng tôi có dịp được đặt chân lên các bản làng vùng cao xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, nơi đây được ví như cái tên thơ mộng “xứ sở của ngàn cau”, Sơn Tây là một trong 6 huyện miền núi vùng cao khó khăn của tỉnh Quảng Ngãi, nơi có 95% dân số là đồng bào các tộc người thiểu số, để tìm hiểu về cô giáo người Ca Dong hi sinh gần như cả cuộc đời cho học sinh tộc người ở vùng cao!

17 năm vượt khó “trồng người”

Cô Đinh Thị Thiết sinh ra và lớn lên trong một gia đình người Ca Dong có đông anh chị em tại xã nghèo xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi. Hàng ngày, phải đối mặt với cái đói cái nghèo và bệnh tật, để được đến trường, Thiết phải làm đủ mọi công việc rất vất vả, đã có lần cô suýt phải bỏ học. Cô Thiết nhớ lại: “Hồi đó, buôn làng nằm heo hút giữa núi rừng hoang vu dưới chân núi Tu Mít để có cái ăn, cái mặc, gia đình tôi phải lên rừng hái rau, nhặt quả rừng, trồng cây ngô, trồng sắn để có cái ăn sống qua ngày. Nhiều lúc gia đình không có đồ ăn, tôi phải nhịn đói để đến trường, thậm chí phải bỏ học để lên rừng hái rau, gùi than,… đem ra chợ bán”. Thế nhưng, với lòng đam mê, hiếu học từ nhỏ, cô Thiết đã thức khuya, dậy sớm, sáng học con chữ, chiều về làm đủ công việc để phụ giúp gia đình, cố gắng theo đuổi việc học. Thời gian trôi qua, từ bậc tiểu học, cho đến trung học, rồi tới khi tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Huế, 4 năm học đều đặn là học sinh khá giỏi của trường.

Năm nay đã 39 tuổi, cô Thiết đã dành gần nửa cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục. Suốt 17 năm qua, cô giáo gắn bó với các học sinh tộc người vùng cao xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây. Hiện nay, cô Thiết đang là giáo viên chủ nhiệm lớp 3, 4 Điểm trường Sơn Liên, thuộc Trường tiểu học Sơn Liên (huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi). Lớp học của cô Thiết hiện có 09 học sinh, các em được học trong một phòng học cấp 4, bàn ghế tươm tất dù còn thiếu rất nhiều dụng cụ học tập và các thiết bị giảng dạy. Với cô giáo Thiết, cơ sở vật chất của điểm trường hiện nay đã giống “như mơ” so với nơi cô dạy học 17 năm về trước.

Cô kể lại: “Ngày đó con đường vào trường chưa có đường xe đi, chỉ là lối mòn nhỏ leo qua đỉnh núi, từ trường chính đến điểm trường Tu Mít. Ngày ngày tôi đi dạy phải men theo những khe núi đá trập trùng, đến bên một sườn núi là một điểm trường còn hoang sơ. Lớp học tạm bợ rộng khoảng 20 mét vuông dành cho lớp 2, xung quanh được cắm bằng cành trúc, tứ phía hở hoang hoác, mái lá dột nát, gió thông thốc thổi. Những ngày mùa đông gió bấc, sách vở học sinh ướt nhèm vì sương. Mỗi lần trời mưa thì sách vở học trò ướt hết”. Thời bấy giờ, trường chỉ là những ngôi nhà gỗ lắp ghép, dựng tạm, cơ sở vật chất hầu như chẳng có gì. Học sinh của trường chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình khó khăn, nhiều nhà cái ăn còn không đủ no nên đối với nhiều em và gia đình, con chữ, tri thức là vô nghĩa. Còn đối với cô giáo Thiết mới tốt nghiệp Đại học sư phạm Huế trở về huyện công tác khi còn ở tuổi thanh xuân phơi phới, để vận động đưa các em đến trường là một vấn đề khiến cô ăn không ngon, ngủ không yên. Lớp học đầu tiên của cô giáo là lớp ghép 1+2, có 8 học sinh. Các em đều là tộc người Ca Dong, do ít va chạm với bên ngoài nên rất nhút nhát, lại thêm mặt bằng dân trí địa phương còn thấp, phong tục tập quán lạc hậu, cưới xin, ma chay kéo dài… Việc dạy học gặp rất nhiều khó khăn. Để vận động học trò tới lớp, mỗi buổi chiều sau khi hết giờ giảng, cô Thiết đến nhà từng người dân để tìm hiểu hoàn cảnh và động viên gia đình cho con đi học. Vất vả nhất là những ngày xuống chợ phải đi bộ mất một ngày đường leo qua những con dốc, đi từ sớm đến tối mịt mới về đến nhà. Bằng tấm lòng của mình, cô Thiết đã chinh phục được tình cảm của người dân địa phương. Cũng may, bản thân cô cũng là người Ca Dong nên việc vận động, thuyết phục gia đình đưa con đến trường dễ nhận được sự đồng cảm hơn. Dần dần biết được tấm lòng của cô, người dân nơi đây ai cũng quý, thường hay biếu mớ rau hay quả trứng.

Cô giáo như mẹ hiền

Thầy Đỗ Khánh Hội, Hiệu phó Trường tiểu học Sơn Liên cho chúng tôi biết: Gọi là điểm trường chứ sĩ số học sinh trong lớp chỉ vỏn vẹn có 09 em (gồm: 04 em lớp 2 và 05 em lớp 3). Trong căn nhà tạm bợ hiện nay rộng chừng 30m2 nằm ngay giữa lưng chừng núi, thì 2/3 căn phòng được dành cho lớp học, phần còn lại làm nơi ở của cô Thiết và 9 đứa học trò của mình. Từ số tiền lương ít ỏi của mình, cô Thiết trích ra mỗi tháng trên 1,5 triệu đồng để mua thức ăn, đó là chưa tính tiền mua sách vở, giấy bút và quần áo cho các em. Gạo thì cứ một đến hai tuần về thăm nhà, Thiết lại xin của mấy đứa em đang bán tạp hóa dưới quê, khi thì 10kg, lúc 20kg mang lên rồi cô trò cùng nấu ăn. Nhiều ngày nghỉ về thăm nhà, sợ tụi trẻ bơ vơ nên Thiết đã dẫn cả 9 em về luôn. “Ban đầu người thân thấy việc làm “không giống ai” nên cũng bực mình. Tuy nhiên khi nghe nói về hoàn cảnh của lũ trẻ thì ai cũng ủng hộ” - cô Thiết bày tỏ.


 Cô và trò trường Phổ thông dân tộc nội trú TH&THCS Sơn Lập huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi 

Tu Mít, nơi điểm trường của Thiết đảm nhận nằm vắt vẻo trên độ cao 1.500m so với mực nước biển, nhìn lên là ngọn núi Ngọc Dết hùng vĩ, nhìn xuống là lòng hồ thủy điện Đắk Đrink xanh thăm thẳm như mặt gương khổng lồ, những mái nhà Ca Dong thấp thoáng ẩn hiện giữa bốn bề rừng núi. Khi chúng tôi đến, Thiết đang tập đánh vần cho các em học sinh “dờ iêu huyền diều”, “sờ ao sắc sáo”, tiếng “diều sáo” được đồng thanh cất lên. Trong lớp, em Đinh Văn Chuôi có nước da trắng bạch, mắt nâu như tây nhưng bẽn lẽn giống con gái. Nhà Chuôi có bốn anh chị em, cha mẹ Chuôi đều bị tâm thần, cả bản đều kinh hãi mỗi khi đôi vợ chồng này nổi cơn điên. Cô Thiết đến nhà xin cho Chuôi được đến lớp mà sợ nơm nớp trước ánh mắt trắng dã, giận dữ của cha mẹ Chuôi. “Em Chuôi rất nhạy cảm, khi tôi chìa tay ra thì nó níu lại, bẽn lẽn đi theo, vừa đi vừa sợ cha mẹ nó chạy đuổi theo”, Thiết nhớ lại. Cha mẹ em Đinh Văn Hinh, học sinh lớp 2 cũng là “cá biệt” không kém. Nhà làm rẫy nên không có tiền, ông Đinh Ca Loan, cha Hinh đã bán luôn nhà để uống rượu. Vợ chồng ông Loan bỏ nhau rồi đường ai nấy đi, đi bặt tăm biệt tích, bỏ luôn hai con ở lại bản. Em Đinh Văn Hùng, anh trai của Hinh cũng được Thiết cưu mang, hiện giờ đã lên điểm trường chính học đến lớp 5 rồi. Toàn những câu chuyện cười ra nước mắt, nhưng Thiết xua tay: “Chuyện thường ngày ở huyện”, vượt qua chán nản những ngày đầu về bản, là chuyện dở khóc dở cười này tôi đã quá quen. Năm học 2016-2017, lớp có: 08 học sinh, năm học 2017- 2018 lớp có: 06 học sinh, năm học 2021- 2022 này có: 09 em. Theo một cách nào đó, những đứa trẻ Ca Dong ở Tu Mít bị bỏ rơi theo quan niệm “trời sinh voi sinh cỏ”. Cô Thiết đã dìu dắt những đứa trẻ Ca Dong đến trường bằng tất cả tình yêu thương, bởi “tôi nhìn thấy tuổi thơ mình ở những đứa trẻ Ca Dong ấy!”.

Chúng tôi say sưa với câu chuyện mà quên cả giờ trưa, cô Thiết chợt giật mình: “Đến giờ trưa rồi, phải nấu cơm cho mấy đứa nhỏ ăn thôi!”. Sau mấy câu nói bằng tiếng Ca Dong, đám nhỏ chia nhau đứa mang củi, đứa chà nồi, nhóm bếp, 09 cô trò ngồi bên bếp lửa, khói tỏa lên cay xè cả mắt. Một ngày ba bữa, cô Thiết tự bỏ tiền lương hằng tháng để học trò của mình có những bữa ăn đạm bạc. Cô ăn gì thì trò ăn nấy, bởi thế mà, khi chúng tôi hỏi các em có thương cô giáo không? cậu bé Đinh Văn Chuôi bẽn lẽn trả lời: “Con thương cô giáo lắm, thương cô hơn thương mẹ của con”. Khi học trò không có quần áo mặc, cô Thiết về huyện sắm quần áo cho cả lớp, mỗi đứa một bộ, không để đứa này so bì với đứa khác. Ban ngày lo cơm nước, giặt giũ quần áo, đến tối, cô lại giăng màn, đắp chăn cho các đứa trẻ ngũ. Lỡ một đứa đau, sổ mũi là cô phải thức cả đêm, mong sao cho trời sáng để hôm sau cô phải lật đật chạy đến trạm y tế xã để xin thuốc.

Trong 2 năm học vừa qua, tình hình dịch bệnh căng thẳng khiến đôi lúc học sinh không thể đến trường nên phương án dạy học trực tuyến cũng được trường Tiểu học Liên Sơn triển khai. Dạy học trực tiếp vốn đã khó khăn thì phương án dạy học trực tuyến lại càng gặp thêm nhiều trở ngại bởi điều kiện, trang thiết bị học tập của các em không được đảm bảo. Người có thiết bị thì không có đường truyền, người có đường truyền thì không có thiết bị. Ở đây hầu hết các em ở nhà với ông bà đã lớn tuổi, bố mẹ dù rất quan tâm nhưng phải đi làm kinh tế nên cũng không thể đồng hành cùng các con trong các giờ học” - cô Thiết cho hay. Để đảm bảo được kiến thức sau khi hết dịch có thể đi học trở lại bình thường, cô Đinh Thị Thiết đã cùng các đồng nghiệp đi đến tận các thôn bản đưa bài, giao bài, thậm chí đối với một số học sinh chậm hiểu, cá biệt, giáo viên còn phải vào tận nơi để hướng dẫn, kèm cặp, giúp đỡ cho học sinh.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi, cộng đồng dân cư ở huyện Sơn Tây tỉnh Quảng Ngãi có: Ca Dong, Hrê, Cor, Kinh, nhưng cư trú lâu đời nhất là tộc người Ca Dong, một  chi của dân tộc Xơ Đăng ở cư trú tập trung ở vùng bắc Tây Nguyên.

Mặc dù còn gặp không ít khó khăn nhưng cô Thiết luôn cố gắng bám trường, bám lớp, cưu mang học sinh. Chúng tôi ngồi tâm sự với thầy giáo Nguyễn Ngọc Huệ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Liên, thầy chia sẻ: "Thông thường một giáo viên chỉ quản lý 09 học sinh là điều kiện thuận lợi cho công tác chủ nhiệm, thế nhưng cái khó khăn lớn nhất của cô giáo Thiết gặp phải đó là các em đều có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ bỏ đi, làm việc xa nhà…, cô Thiết đã chủ động đưa các em về ở với mình để nuôi dạy mà không cần bất cứ một khoản trợ cấp nào". Trong 2 năm học 2020 - 2021 và 2021 - 2022 này, Ban Giám hiệu nhà trường đã phối hợp Ban Chấp hành Công đoàn trường trích một phần quỹ để hỗ trợ tiền xăng dầu cho cô Thiết đi lại, theo chúng tôi đây cũng là một phần trợ cấp rất nhỏ nhưng cũng đã kịp thời động viên, an ủi Thiết tiếp tục hi sinh và cống hiến tuổi thanh xuân của mình vì các em học sinh tộc người vùng cao thân yêu nơi mình đang công tác…

Khi chúng tôi vội vàng tạm biệt vùng cao, cô giáo người Ca Dong Đinh Thị Thiết và các em nhỏ đang đứng trong ngôi trường ngập nắng chiều tháng 3/2022 vàng rực rỡ. Kết thúc chuyến hành trình về thành phố Đà Nẵng trở lại với công việc hàng ngày, chúng tôi chúc mọi điều tốt đẹp nhất đến với cô giáo và những em học sinh nơi đây và cũng thầm mong sao có nhiều tấm lòng nhân ái để giúp cho những trẻ em nghèo, bất hạnh ở vùng cao đủ sức vươn lên trong cuộc sống hằng ngày./.

Trần Cao Anh

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi