Thứ Năm, 23/1/2025
Vai trò của nghệ nhân dân gian đối với sự nghiệp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Ở Việt Nam, người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 14,7% tổng dân số (năm 2019), sinh sống ở vùng miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, luôn là đối tượng và địa bàn chiến lược rất cần được nghiên cứu. Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp lúa nước và có nền văn hóa bản địa phong phú, đa dạng mà phần lớn được hình thành từ trong đời sống, sinh hoạt của nhân dân lao động; cho nên không thể không quan tâm đến văn hóa dân gian nói chung cũng như tín ngưỡng dân gian nói riêng, vốn là tài sản của họ được lưu truyền và gìn giữ qua nhiều thế hệ. Trong đó cần nghiên cứu bản sắc văn hóa và tín ngưỡng truyền thống, tín ngưỡng dân gian của họ để góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa cũng như bài trừ tập tục lạc hậu.


 Đồng chí Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương
trao đổi kinh nghiệm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc
với anh Sình Dỉ Gai, Phó Hội trưởng Hội Nghệ nhân dân gian xã Lũng Cú,
đồng thời Trưởng thôn Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang)

Để thực hiện tốt, đầy đủ và hiệu quả Luật tín ngưỡng, tôn giáo, cần phải thấy được chủ thể của nó. Vấn đề này vừa qua chủ yếu thấy chủ thể của tôn giáo mà chưa thấy được chủ thể của tín ngưỡng, mà ở đây là tín ngưỡng truyền thống trong người DTTS. Đây là vấn đề ít được nghiên cứu, hay nghiên cứu còn riêng rẽ, biệt lập, không thấy trong các nghiên cứu trước đây. Cụ thể là các nghiên cứu về bản sắc văn hóa người DTTS không gắn chặt với nghiên cứu về văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng trong dòng chảy chung, không tìm ra và thấy được chủ thể của tín ngưỡng truyền thống, chủ thể lưu giữ bản sắc văn hóa và cũng chính là chủ thể khu trú tập tục lạc hậu. Do vậy, việc nghiên cứu để thấy được chủ thể của tín ngưỡng truyền thống là vấn đề quan trọng để giải quyết được vấn đề đặt ra hiện nay… Vậy chủ thể của tín ngưỡng truyền thống là ai và có vị trí như thế nào, thực tế hiện nay là gì…? Để tìm hiểu vấn đề này trong nghiên cứu của mình, chúng tôi bắt đầu tìm hiểu đời sống văn hóa, phong tục, tập quán của người DTTS, tập trung vào việc xem xét việc cưới, việc tang, xem xét những nét bản sắc văn hóa và những vấn đề thuộc về đời sống văn hóa và tâm linh của DTTS.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhận định rằng, tôn giáo là sản phẩm sáng tạo của con người, tôn giáo là một trong các lĩnh vực của văn hóa. Tôn giáo và văn hóa có mối quan hệ hữu cơ từ cội nguồn lịch sử của chúng. Các tác giả trong sách Tôn giáo - lý luận xưa và nay cho rằng: “Tôn giáo biểu hiện là một trong những lĩnh vực của văn hóa tinh thần. Với quan niệm như vậy, tôn giáo và văn hóa không tách biệt và xa lạ nhau, tôn giáo không vượt ra ngoài khuôn khổ của văn hóa, không bị mất đi những đặc điểm vốn có của nó với tư cách là một hiện tượng văn hóa, một bộ phận của văn hóa, là sự sáng tạo của con người, để lại giá trị về tinh thần và vật chất trong đời sống con người. Tôn giáo có vai trò nhất định trong từng thời kỳ lịch sử của con người, thậm chí có thời điểm tôn giáo ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống con người.

Các nghiên cứu trước đây đã làm rõ mối quan hệ giữa văn hóa với tôn giáo và vai trò của tín ngưỡng trong tôn giáo. Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn, trong công trình Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam đã phân tích khá rõ khái niệm tín ngưỡng với tư cách là đức tin tôn giáo, tín ngưỡng không hoàn toàn tách rời khỏi tôn giáo: “Nếu tín ngưỡng là niềm tin thì có một phần ở ngoài tôn giáo, nếu hiểu là niềm tin tôn giáo thì tín ngưỡng chỉ là một bộ phận chủ yếu cấu thành của tôn giáo”. Hoặc, Giáo sư Phan Hữu Dật trong một bài viết của mình đã phân biệt rất rõ ràng giữa tín ngưỡng và tôn giáo. Theo tác giả, ở cấp độ tín ngưỡng chưa xuất hiện điện thần, chưa có hệ thống giáo lý, chưa có tầng lớp tăng lữ (thầy cúng), chưa có việc xây dựng đền miếu cố định để thờ cúng như sau này đối với tôn giáo. Trong Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, ông xếp tín ngưỡng thuộc về văn hóa tổ chức đời sống cá nhân. Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng chỉ ra tính dân tộc trong tôn giáo như tôn giáo dân tộc với tư cách là tôn giáo của một quốc gia hay quốc đạo và tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng truyền thống ở thế giới nhất là ở Việt Nam. Tuy nhiên, khi nghiên cứu vấn đề này ở Việt Nam, các tác giả chưa thấy hết được tín ngưỡng truyền thống, tín ngưỡng dân gian trong vùng đồng bào DTTS, người DTTS. Trong khi đây là khu vực chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc cần bảo tồn kèm với nó là nhiều những tập tục lạc hậu cần phải cải tạo, cải tiến để xây dựng đời sống văn hóa mới trong tiến trình hội nhập.

Trước hết, có thể thấy trong đời sống văn hóa, tâm linh của người DTTS tồn tại một hệ thống các luật tục hết sức phong phú, đặc biệt là các nghi lễ liên quan đến chu kỳ đời người như cưới hỏi, tang ma và các lễ hội với hệ thống ghi chép lưu truyền từ lâu đời, gắn với nó là các chủ thể thực hành nghi lễ nhất định. Mỗi dân tộc có những nét bản sắc riêng và những yêu cầu bắt buộc cụ thể, nhưng dù là dân tộc nào thì việc thực hành nghi lễ đều có các thầy cúng - những người có vai trò rất quan trọng trong việc kết nối con người (người sống) với thế giới thần linh siêu nhiên. Đây là điều mà các nghiên cứu trước đây không chỉ ra, hoặc không khẳng định vị trí vai trò của đội ngũ này trong nghiên cứu vấn đề tín ngưỡng truyền thống của DTTS vừa qua. Việc không thấy được vai trò của nghệ nhân dân gian sẽ không giải quyết được yêu cầu bảo tồn bản sắc và bài trừ hủ tục trong đồng bào DTTS.

Thực tế các nghệ nhân dân gian là người có một kiến thức nhất định về dân tộc mình, sự hiểu biết của họ là nguồn gốc dân tộc, dòng tộc và dân tộc mình. Các thầy cúng là người lưu giữ bản sắc văn hóa thông qua việc lưu giữ và truyền dạy cho thế hệ trẻ và trực tiếp là người thực hành nghi lễ thông qua việc xem ngày lành tháng tốt cho gia chủ, dòng họ. Trong quá trình này không tránh khỏi việc một số nghi lễ được thực hiện dựa trên việc quyết định không đúng nếp sống mới nhưng lại được mọi người tin theo, chính vì vậy họ là người khu trú hủ tục; nếu không điều chỉnh, tác động vào họ theo hướng có lợi, đúng theo nếp sống mới trong hệ thống quy định và quản lý của Nhà nước thì sẽ gây ra những hệ quả xấu. Do vậy, việc định nghĩa, định danh, định vị đúng sẽ sử dụng và phát huy được vai trò của họ không chỉ trong đời sống văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng dân gian của đồng bào DTTS mà còn góp phần bảo tồn bản sắc, cải tạo, cải tiến và bài trừ được hủ tục hiện nay.

Thời gian qua, đã có một số nghiên cứu về nghệ nhân dân gian, trong đó tập trung khai thác khía cạnh bảo tồn, lưu giữ các nét bản sắc văn hóa dưới dạng văn hóa phi vật thể như âm nhạc, nhạc cụ và truyền dạy mà ít nghiên cứu khai thác khía cạnh văn hóa tâm linh, ít nghiên cứu đi sâu vào giải thích những ghi chép, nghi lễ được thực hiện đang tồn tại trong người DTTS. Do vậy, cũng giống như nghệ nhân dân gian đã được công nhận vừa qua, nếu định nghĩa được nghệ nhân dưới góc độ tâm linh thì sẽ gắn kết được họ với việc bảo tồn bản sắc và bài trừ tập tục lạc hậu trong đời sống xã hội hiện đại ngày nay mà không sợ bị mai một cái giá trị gốc ban đầu của người DTTS. 

Nhìn từ góc độ khác, vị trí vai trò của nghệ nhân dân gian trong tín ngưỡng truyền thống còn là hình ảnh, là chỗ dựa cho đức tin của người DTTS đối với phong tục, tập quán của dân tộc mình. Đây là cơ sở quan trọng trong việc duy trì niềm tin và có tác dụng đối trọng với đức tin khác, vì khi không còn thầy cúng, con người trống rỗng về đức tin thì rất dễ ngả theo một đức tin khác do một tôn giáo khác đem đến. Tất nhiên việc duy trì đức tin này trong tín ngưỡng truyền thống cũng còn nhiều vấn đề cần phải quan tâm cải tạo, cải tiến mà cách tốt nhất là phải bắt đầu từ chủ thể của nó mới hy vọng cải tạo, cải tiến những hủ tục để trở thành nhân văn hơn mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa của DTTS. Do vậy, việc tiếp tục nghiên cứu và có giải pháp phù hợp đối với nghệ nhân dân gian nhìn từ góc độ tâm linh là điều cần thiết trong công tác dân tộc, công tác dân vận vùng DTTS.

Hiện nay, nếu nhìn từ góc độ tín ngưỡng, tôn giáo trong thực tiễn thì các nghệ nhân dân gian đặc biệt là thầy cúng, có vai trò to lớn trong đời sống tâm linh của các cộng đồng dân tộc. Nhưng đồng thời, đặc điểm thực hành văn hóa của các dân tộc cũng đang có xu hướng biến đổi, thậm chí là bị mai một khá nhanh. Điều này thể hiện ở chỗ một bộ phận (không điển hình) người DTTS khi thực hành nghi lễ tâm linh đã không còn các thầy cúng, nghệ nhân dân gian mà phải “mượn” cả các nghệ nhân của dân tộc khác. Và khác với quan niệm về vai trò, vị trí của thầy cúng trong truyền thống, việc “mượn” thầy cúng của dân tộc khác chủ yếu để giải quyết được vấn đề tâm linh của gia chủ mà không thấy rằng nét văn hóa đó đã bị mất đi và thay thế bằng một nét văn hóa khác một cách miễn cưỡng. Định nghĩa như thế nào có thể còn phải nghiên cứu, nhưng rõ ràng là không thể thiếu vai trò của họ trong đời sống tâm linh hiện nay của con người nói chung và của người DTTS nói riêng. Cái “danh” của họ cũng được các cộng đồng đó công nhận, khi được gọi là “thầy”. Việc nghiên cứu, định danh và định vị vai trò của thầy cúng trong đời sống tâm linh của các dân tộc sẽ góp phần rất lớn vào công cuộc xây dựng đời sống văn hóa mới theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”./.

TS. Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi