Thứ Tư, 8/1/2025
Đổi thay của xã vùng sâu từ thành công của mô hình dân vận khéo
 

Cầu nông thôn do ông Mai Văn Trung và nhân dân đóng góp

Tùy theo điều kiện, khả năng của mình, nhiều gương điển hình tích cực hiến đất, tiền công để tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương xây dựng đường giao thông nông thôn (GTNT), cầu nông thôn ngày càng lan tỏa rộng khắp trên địa bàn. Điển hình như Ban Quản lý ấp và nhân dân ấp Rọc Đô, xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng. 

Là ấp vùng sâu của xã, trước kia, giao thông đi lại rất khó khăn, chỉ đi bằng xuồng, mùa mưa thì đường sá lầy lội. Hàng ngày, học sinh đến trường cũng rất vất vả. Vì vậy, khi nghe lãnh đạo địa phương và Ban Quản lý ấp vận động đóng góp mở đường giao thông liên ấp, nhiều gia đình đồng lòng hiến đất, tự tháo dỡ nhà cửa, tường rào, công trình phụ để phục vụ làm đường. Những việc làm đó đã lan tỏa thành phong trào và nhiều hộ dân khác cũng sẵn sàng hiến đất, góp sức xây dựng đường GTNT để đi lại thuận tiện hơn.

Tuyến kênh T4 nối dài, dài 2km, bờ hai bên rộng trên 6m được thực hiện vào năm 2000. Trong đó, nhân dân hiến hơn 5ha đất, rải sỏi đỏ vào năm 2017 với kinh phí 140 triệu đồng, nhân dân đóng góp 70 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Rỡ, ngụ ấp Rọc Đô, xã Vĩnh Trị, cho biết: “Trước đây, nhân dân và học sinh đi lại bằng xuồng hoặc đi bộ rất khó khăn. Từ khi triển khai vận động đóng góp kinh phí, hiến đất làm đường, tuy kinh tế không khá giả nhưng gia đình tôi vẫn đồng tình ủng hộ vì lợi ích chung. Bởi vì, nếu không có đường để đi lại thì cuộc sống bao giờ mới phát triển”.

Việc xây dựng và phát triển GTNT vùng sâu, vùng xa luôn được coi là một nhiệm vụ khó và lâu dài. Tuy nhiên, với sự chung tay của cộng đồng, thông qua việc hiến đất làm đường của người dân đã mang lại hiệu quả thiết thực. Những con đường mới được mở ra không chỉ giúp cho việc đi lại, giao lưu, trao đổi hàng hóa dễ dàng mà còn tạo điều kiện cho nhân dân có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. 

Tuy nhiên, đường đi đã có, nhưng vẫn còn đó những cây cầu vỉ lâu năm đã xuống cấp, hư hỏng theo thời gian. Những trăn trở đó một lần nữa thôi thúc Ban Quản lý ấp tiếp tục vận động để làm cầu đi lại cho nhân dân.

Nghĩ là làm, năm 2015, Phó Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Rọc Đô - Mai Văn Trung đã hỗ trợ gần 30 triệu đồng và vận động nhân dân đóng góp thêm hơn 35 triệu đồng để thay cầu vĩ bằng cầu sắt. Ông Trung chia sẻ: “Theo tôi, nếu muốn đổi thay bộ mặt nông thôn thì phải có sự đoàn kết, nhất là trong đóng góp làm đường, làm cầu. Từ đó, tôi và gia đình quyết tâm thực hiện rồi cùng Ban Quản lý ấp vận động, thuyết phục nhân dân. Đi nhiều, nói dần rồi nhân dân cũng hiểu mục đích, ý nghĩa và đồng thuận rất cao, ủng hộ ngày công, hiến đất, góp tiền thực hiện”.

Tiếp nối thành công với cây cầu sắt được làm mới, tháng 9/2018, cây cầu 2/9 – T4-5 bắc qua kênh T4 được khánh thành đưa vào sử dụng. Cầu có chiều dài 24m, rộng 2,5m, tải trọng 2,5 tấn, độ thông thuyền so đỉnh lũ năm 2000 là 4m, kết cấu bê tông cốt thép, dầm giữa làm bằng thép, mặt cầu bê tông, với tổng kinh phí xây dựng hơn 230 triệu đồng. Đây là công trình nhà nước và nhân dân cùng làm, kinh phí huyện hỗ trợ 40 triệu đồng, xã hỗ trợ 60 triệu đồng, ông Mai Văn Trung cùng Ban Quản lý ấp Rọc Đô vận động nhân dân trong và ngoài ấp đóng góp hơn 130 triệu đồng. Cây cầu hoàn thành cùng hệ thống GTNT vùng sâu với các tuyến đường liên ấp, liên xã trong huyện đã giúp nhân dân đi lại, vận chuyển nông sản tốt hơn, nhất là trong canh tác các loại cây ăn trái, hoa màu.

Bí thư Chi bộ ấp Rọc Đô – Nguyễn Văn Tạo thông tin thêm: “Thành công trong việc làm đường, cầu nông thôn của ấp thể hiện sự quyết tâm rất lớn của Ban Quản lý ấp trong công tác tuyên truyền, vận động mà quan trọng nhất chính là sự đồng thuận của nhân dân để thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Trong đó, quan trọng là chúng tôi luôn công khai, minh bạch các khoản đóng góp của nhân dân sử dụng vào xây dựng công trình phục vụ dân sinh nên nhân dân đồng lòng ủng hộ. Đó mới là thành công thực sự từ mô hình dân vận khéo ở địa phương”.

Những kết quả đạt được cho thấy vai trò của chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và nhân dân hiểu rõ mục đích, yêu cầu cũng như nhiệm vụ thực hiện phong trào phát triển GTNT gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, phát huy mạnh mẽ vai trò vận động gia đình, người thân và cộng đồng dân cư tích cực hiến đất, đóng góp ngày công, vật liệu, kinh phí để xây dựng cầu, đường giao thông.

Hiệu quả từ mô hình thể hiện sự thành công trong các phong trào thi đua “Dân vận khéo”, phát huy dân chủ theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đây là cơ sở để thông qua nhiều giải pháp, cách làm thiết thực, phù hợp; cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương tập trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. Từ đó, phát huy tiềm năng và sức mạnh của nhân dân trong tham gia thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thay đổi diện mạo xã vùng sâu Vĩnh Trị, xây dựng xã văn hóa, xã nông thôn mới bền vững./.

(baolongan.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất