|
Bà Nguyễn Thị Thám |
Nói đi đôi với làm
Ở thôn Đoài Khê, bà Nguyễn Thị Thám (sinh năm1958) được nhiều người quý mến gọi vui là “người không thể thay thế”. Bà giữ nhiều kỷ lục như: Là nữ trưởng thôn đầu tiên của xã Đan Phượng; là nữ trưởng thôn có thâm niên đảm nhiệm lâu nhất; là nữ cán bộ đảng viên được dân tín nhiệm “top” nhiều nhất…
Năm nay 61 tuổi, bà Thám đã có thâm niên hơn 30 năm tham gia công tác ở địa phương. Theo đó, bà đã đồng hành cùng nhân dân thôn Đoài Khê hoàn thành nhiều chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”…
Dẫn chúng tôi đi thăm những con đường trong thôn, bà Thám bồi hồi nhớ lại những ngày toàn thể dân làng nô nức xắn tay bốc gạch, chở cát sỏi để làm đường vui như hội. Để hôm nay, khắp nơi ở Đoài Khê đều là những con đường bê tông sạch sẽ, từ trục chính đến các đường xương cá, ngõ ngách.
Là người địa phương, lại sâu sát, bà Thám hiểu rõ hoàn cảnh từng gia đình. Tất cả mọi việc, từ vận động nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến chăm lo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, hòa giải mâu thuẫn, giúp đỡ thanh thiếu niên chưa ngoan, đối tượng sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng… bà Thám luôn làm với cái tâm, cố gắng "hết việc chứ không hết giờ", góp phần đưa Đoài Khê trở thành một trong những điểm sáng của xã Đan Phượng.
|
Bà Thám cho biết, trước đây, hầu hết mọi đường đi, lối lại trong thôn Đoài Khê đều là đường đất, hiếm lắm mới có một đoạn được vỉa gạch. Mỗi khi trời mưa, mặt đường lầy lội khiến không ai muốn bước chân ra ngoài đường. Không những thế, hệ thống cống rãnh thoát nước lại hoàn toàn lộ thiên, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.
Cứ vào mỗi cuối tuần, bà và các hộ dân trong thôn phải bơm nước giếng từ trong nhà ra đổ vào cống để đẩy trôi phần nước thải tù đọng. Đến khoảng những năm 2012 - 2013, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thôn Đoài Khê được Nhà nước đầu tư bê tông hóa đường làng ngõ xóm.
Biết được việc này, bà Thám đã lập tức cùng ban lãnh đạo thôn tổ chức nhiều cuộc họp, mời các gia đình trong thôn tới tham dự để giải thích, bác bỏ thông tin sai sự thật, tháo gỡ băn khoăn, động viên bà con cùng chung tay với Nhà nước xây dựng thôn xóm mình khang trang hơn.
Quá trình vận động người dân không hề dễ dàng, thậm chí có người còn phản đối bằng những lời lẽ vô cùng khó nghe. Khối lượng công việc lớn, để huy động người dân tin tưởng, cùng vào cuộc, bà Thám đã cùng cấp ủy, chính quyền, lực lượng đoàn thể đẩy mạnh công tác vận động. Tất thảy mọi việc từ ủng hộ vật chất, công sức bà đều xung phong đi đầu.
Chứng kiến cảnh bà Thám tất tả dậy từ sớm tinh mơ, mang quang gánh lên điểm tập kết cát, sỏi, xi măng trên đê để gồng gánh, vận chuyển về thôn, phục vụ công nhân làm đường; chứng kiến đội ngũ đảng viên địa phương cùng xắn tay lao động… từ nam thanh niên đến các cụ già trên 70 tuổi cũng vì thế hào hứng giúp việc, người đẩy xe gạch, người tham gia giám sát công trình.
Nhờ vậy, chỉ sau gần 40 ngày thi công, toàn bộ các trục đường ở Đoài Khê đều đã hoàn thành bê tông hóa, trở thành thôn đầu tiên của xã Đan Phượng hoàn thành chỉnh trang, xây dựng đường giao thông nông thôn. Bộ mặt làng xã trở nên khang trang hơn, mọi người càng tin bà Thám đã nói đúng, quyết sách, chủ trương của Đảng là đúng đắn.
“Hết việc chứ không hết giờ”
Chia sẻ về bí quyết thành công trong vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới, bà Thám cho biết, người lãnh đạo phải quyết tâm, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội, nhiệt huyết với công việc và đặc biệt là "nói phải đi đôi với làm", chứ không chỉ tuyên truyền suông. Bên cạnh đó, một yếu tố cốt lõi khác, theo bà Thám là phải làm dân chủ và công khai.
Cụ thể, sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, các ngõ xóm triển khai làm đường tới đâu, bà Thám đều ghi chép đầy đủ đến đó, bảng chấm công đặt ngay trên bảng thông tin ở đầu đường làng. Ai tham gia bao nhiêu công, ai ủng hộ cái gì, số lượng bao nhiêu cũng được cập nhật hàng ngày để người dân biết, cùng giám sát và kiểm tra. Thế là chẳng ai bảo ai, mọi gia đình đều tham gia đóng góp, nhà ít thì vài trăm ngàn đồng, nhà nhiều lên tới vài chục triệu đồng.
Nhà nào không tham gia được công lao động thì đóng tiền 150.000 - 200.000 đồng/ngày công. Những gia đình có con em lấy chồng xa nhân dịp này cũng ra sức kêu gọi huy động nguồn lực. Góp gió thành bão, người dân trong thôn đã tự nguyện đóng góp được hơn 5.000 ngày công, ứng trước gần 800.000.000 đồng mua nguyên vật liệu, đồng thời ủng hộ nhiều nhu yếu phẩm để động viên những người trực tiếp thi công…
Không những thế, sau khi thi công đường, còn dư nguyên vật liệu, bà Thám đã vận động các hộ đóng góp thêm 178.000.000 đồng cùng nhiều ngày công để tu bổ nghĩa trang thôn, tạo cảnh quan văn minh, sạch đẹp.
Đặc biệt, nhận thấy thôn Đoài Khê muốn giữ được danh hiệu thôn Văn hóa thì cảnh quan môi trường phải xanh - sạch - đẹp, cứ vào thứ 7 hàng tuần, bà Thám lại cùng người dân tham gia tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm; vận động các hộ gia đình nuôi chó lồng, chấm dứt tình trạng chó thả rông phóng uế bừa bãi. Đồng thời, tuyên truyền về thực hiện “Cưới trang trọng, tiết kiệm”, “Tang văn minh, tiến bộ”.
Đến nay, nhiều hộ dân khi nhà có hiếu đã chọn hình thức hỏa thiêu người thân qua đời. Với đám hỷ, hiện tượng cỗ bàn linh đình, ăn từ ngày dựng rạp, cưới, dỡ rạp, đón dâu hai lần gây tốn kém, rườm rà đều được hạn chế tối đa.
Nhận xét về bà Thám, ông Nguyễn Văn Trường - Phó Chủ tịch UBND xã Đan Phượng cho biết: Làm Trưởng thôn từ năm 2003, bà Thám luôn nhiệt tình, trách nhiệm với công việc được giao. Tất cả các công việc bà Thám đều hoàn thành rất tốt, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới, từ việc tuyên truyền vận động nhân dân để làm đường làng, ngõ xóm đến xây dựng đường có hoa, nhà có số; phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân...
Theo bà Thám, công việc của một trưởng thôn khiến bà luôn thấy bận nhưng rất vui. Là người địa phương, lại sâu sát, bà Thám hiểu rõ hoàn cảnh từng gia đình. Tất cả mọi việc, từ vận động nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến chăm lo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, hòa giải mâu thuẫn, giúp đỡ thanh thiếu niên chưa ngoan, đối tượng sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng… bà Thám luôn làm với cái tâm, cố gắng "hết việc chứ không hết giờ", góp phần đưa Đoài Khê trở thành một trong những điểm sáng của xã Đan Phượng.
Những cống hiến của bà Thám đã được ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý. Theo đó, bà đã nhiều lần được nhận bằng khen của Thành ủy và giấy khen của Huyện ủy, UBND huyện, UBND xã Đan Phượng. Đặc biệt, năm 2013, bà Thám đã vinh dự được Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hà Nội biểu dương là một trong 10 phụ nữ Thủ đô tiêu biểu.
(laodongthudo.vn)