Thứ Năm, 14/11/2024
Ông Hàn dân vận khéo
 
Ông Đèo Văn Hàn cùng bà con trong bản làm hàng rào nhà văn hóa 


Dám nghĩ, dám làm

Sinh năm 1964, là người con dân tộc Thái, cuộc đời gắn bó với đất nghèo nên trái tim ông luôn thôi thúc bản thân cố gắng, cống hiến cho quê hương. Từ năm 1984 đến nay, ông Hàn giữ nhiều chức vụ quan trọng ở bản Nà Củng như: Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Nà Củng - Vàng Bâu, Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng bản. Ở bất kỳ vị trí nào, ông đều tận tâm tận lực, nhiệt tình với công tác.

Năm 2009, khi Nhà nước hỗ trợ ximăng làm đường giao thông nhưng nhiều bản của xã Mường So từ chối. Nhận thấy đây là cơ hội hiếm có, ông Hàn mạnh dạn đề nghị xã chuyển nguồn về và vận động nhân dân chung sức thực hiện. Ngay sau đó, ông Hàn phối hợp với Ban công tác mặt trận bản tuyên truyền Nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Phân tích cho bà con bản hiểu ý nghĩa của việc làm đường giao thông. Tại các cuộc họp, phát huy tinh thần dân chủ, ông Hàn luôn khuyến khích nhân dân đóng góp ý kiến, cùng thảo luận, trao đổi, thống nhất cách làm. Nhờ đó, băn khoăn về vấn đề nguyên vật liệu, nhân lực, thời gian thi công đã được giải đáp.

Ông Hàn chia sẻ: Hồi đó, đời sống khó khăn, lương thực còn thiếu nói chi đến việc mua nguyên vật liệu. Tận dụng tiềm năng tự nhiên ở địa phương, tôi cùng với chi ủy vận động bà con ra suối gùi cát, đá, sỏi. Lúc đầu dân bản nản chí vì suối ở xa mà nguyên vật liệu lại cần nhiều. Chúng tôi thống nhất thực hiện phương thức “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Nhờ đó, cổ vũ phong trào và kết quả là không kể nắng mưa, sớm tối, bà con thay phiên vận chuyển cát, đá, sỏi, xách từng can nước về nhào, trộn bê tông.

Đẩy nhanh tiến độ thi công, việc làm đường được phân công theo tổ, nhóm hộ gia đình. Tổ thì dọn dẹp bãi ruộng để tập kết ximăng, tổ san mặt đường, kè đá. Sau một tháng, Nhân dân đóng góp 3.840 ngày công, con đường nội bản dài 1km hoàn thành đúng kế hoạch. Mưa đổ xuống không còn cảnh lụt lội. Trẻ em đi học không phải xắn quần, xách dép. Hàng hóa, nông sản vận chuyển dễ dàng. Bà con thêm động lực vươn lên.

Mặc dù nhân dân trong bản cần cù làm nông nghiệp nhưng không biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lại sử dụng giống cây trồng địa phương nên làm nhiều được ít. Làm sao giúp Nhân dân thay đổi tư duy sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập, thoát khỏi đói nghèo luôn khiến ông Hàn trăn trở. Năm 2010, lần đầu tiên Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện thí điểm mô hình trồng khoai tây Nhật tại xã Mường So, ông Hàn chủ động đề xuất triển khai tại bản Nà Củng.

Để nắm chắc phần thắng, ông quyết định trồng thử nghiệm trên đất vườn của gia đình trước. Kết quả ngoài mong đợi, giống khoai tây Nhật hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, củ to đều, bở và đậm vị. Vụ đông năm 2011, ông Hàn nhân rộng mô hình trong bản. Được cơ quan chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cùng bằng chứng từ thành công của gia đình ông Hàn đã khuyến khích 46 hộ tham gia với diện tích 5 sào. Sau khi xuống giống, ông Hàn cùng bà con làm rào chắn nhằm ngăn gia súc phá hoại, thay phiên điều tiết nước tránh ngập úng, khô hạn, nhờ đó khoai tây phát triển tốt. Đất không phụ công người, sau 3 tháng, khoai tây được thu hoạch mỗi sào hơn 6 tạ củ. 

Thành công từ mô hình khoai tây tạo động lực cho 67 hộ dân bản Nà Củng tiếp tục thực hiện mô hình sản xuất lúa lai với các giống: BC6, BO404, HT6, diện tích canh tác 5ha do Sở Khoa học và Công nghệ triển khai. Kết quả, năng suất đạt 6,5 tấn/ha. Trong khi trước đó, giống lúa địa phương chỉ đạt 4 tấn/ha. Ông Hoàng Văn Thinh (người dân bản Nà Củng) chia sẻ: Ông Hàn đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp bà con nhận ra hiệu quả của việc thâm canh tăng vụ. Đến nay, dân bản chủ động nâng cao hệ số sử dụng đất, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống năng suất, chất lượng cao vào sản xuất.  

Phát huy hiệu quả tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng

Năm 2015, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, với cương vị là Trưởng bản, ông Hàn vận động bà con thi công 3 tuyến đường nội đồng có chiều dài 2.340m như: Nà Củng - Vàng Bâu, cánh đồng Bản Lừ, cánh đồng Nậm Củng. Việc làm đường khiến nhiều “bờ xôi ruộng mật” của gia đình các ông: Đèo Văn Kế, Hoàng Văn Phúc, Hoàng Văn Lén... bị cắt đất ruộng do vào phần quy hoạch. Trong khi đó, có gia đình không bị giải tỏa phần đất nào. Đối với người nông dân, tấc đất là tấc vàng, vì vậy cấp ủy, chi bộ xác định phải bàn thảo và có giải pháp thiết thực đảm bảo việc hiến đất nhận được sự đồng thuận, không gây bức xúc, thiệt thòi cho bà con, đảm bảo tính công bằng.

Sau khi họp, xin ý kiến của chi bộ, cấp ủy, chính quyền địa phương, trước việc cần kinh phí hỗ trợ đất lúa cho bà con, ông Hàn cùng Ban quản lý bản thống nhất với diện tích 167,7ha rừng chung của bản, mỗi năm được chi trả 220 triệu đồng chi trả dịch vụ môi trường rừng (chia đều cho các hộ) trích trong số đó hỗ trợ 19 nghìn đồng/m2 đất. Nếu không phải huy động nhân dân đóng góp. Đây là cách làm hay, sáng tạo vừa hợp ý dân lại không đòi hỏi ngân sách Nhà nước. Nhờ đó, tạo khí thế sôi nổi, sức lan tỏa sâu rộng, thu hút bà con tham gia thi công tuyến đường khẩn trương. Từ năm 2015 - 2018, 3 tuyến đường nội đồng được hoàn thành.

Năm 2018, bản Nà Cũng cũng đã thực hiện xong việc hỗ trợ 200 triệu đồng tiền đất lúa cho các hộ. Đường nội đồng được bêtông hóa, không còn gồ ghề, lồi lõm, sạt sụt giúp nông dân đẩy nhanh tiến độ sản xuất. Hơn nữa, xe máy, xe đẩy dễ dàng di chuyển chở nông sản về nhà, chở phân bón ra ruộng. Các bà, các chị không phải gồng mình khiêng, vác nông sản, vật tư nông nghiệp.

Trong năm đó, bản Nà Củng được Nhà nước hỗ trợ 150 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa. Xác định đây là cơ hội tốt để thay thế nhà văn hóa cũ xuống cấp, ông Hàn tham mưu chi bộ vận động, huy động nguồn lực từ Nhân dân xây dựng mới nhà văn hóa.

Nối tiếp thành công từ chương trình làm đường giao thông nội bản, ông Hàn cùng Ban quản lý bản vận động 142 hộ dân góp tiền, góp sức. Việc hạch toán giá trị nhà văn hóa, các khoản chi tiêu đều công khai, minh bạch. Qua đó, tạo lòng tin của người dân. Với tổng trị giá xây dựng nhà văn hóa 465 triệu đồng, số tiền 315 triệu đồng còn thiếu, sau khi được sự nhất trí của bà con, Ban quản lý bản Nà Củng trích tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng hàng năm để sớm thi công hoàn thiện việc xây dựng nhà văn hóa. Sau một năm xây dựng, với diện tích 3.076m2, đầu năm 2019, nhà văn hóa bản Nà Củng hoàn thành, bàn giao đi vào hoạt động, tạo điều kiện cho bà con hội họp, giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Khơi dậy tinh thần tập thể

Nhờ thường xuyên lắng nghe ý kiến, luôn đặt mình vào vị trí người dân là yếu tố quan trọng giúp ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao cũng như nhận được sự tin tưởng của nhân dân. Năm 2018, xã Mường So thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Theo chủ trương này, ông Hàn được bầu làm Bí thư chi bộ, đồng thời là Trưởng bản. Với vai trò vừa lãnh đạo vừa triển khai đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới đảng viên và nhân dân, ông Hàn đã phát huy vai trò “đầu tàu”, không phụ sự kỳ vọng của nhân dân, cấp ủy, chính quyền địa phương.

Những năm trước, bà con thường sản xuất nông nghiệp theo quy mô nhỏ dẫn đến năng suất không cao, thậm chí còn tạo điều kiện cho các loại sâu bệnh gây hại. Ông vận động bà con quy hoạch diện tích sản xuất tập trung, đảm bảo tiện chăm sóc, thu hoạch, phòng trừ dịch bệnh. Với diện tích lúa toàn bản 21,6ha, ngô 10,8ha, 4 năm trở lại đây, cùng với bám sát khung, lịch thời vụ của huyện, xã, Nhân dân bản Nà Củng tự giác, chủ động triển khai sản xuất. Sau tiếng trống bản vang lên, các gia đình đồng loạt thực hiện việc cày ruộng, ngâm, ủ thóc. Nhờ biện pháp này, bà con xuống giống cùng thời điểm, chăm sóc lúa đúng chu kỳ, giai đoạn; kịp thời phòng trừ sâu bệnh, nạn chuột cắn phá, ốc bươu vàng hại lúa để có những vụ mùa bội thu.

Nâng cao sản lượng cây trồng, ông Hàn đứng ra liên hệ với các đại lý bán thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn đặt mua thuốc đảm bảo chất lượng cho dân bản. Có thời điểm, ông nợ các đại lý tới hơn 10 triệu đồng. Nhiều gia đình từ khi gieo hạt thóc đến lúc thu hoạch lúa mới có tiền trả nhưng ông không một câu trách móc. Với ông, cốt sao bà con đoàn kết, sản xuất đồng loạt, mùa màng được bảo vệ. Nhờ đó, năng suất lúa những năm gần đây của bản đạt từ 6 - 6,2 tấn/ha; trở thành địa phương đi đầu trong sản xuất nông nghiệp của xã Mường So. Hiện nay, bình quân lương thực đạt 254kg/người/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng/năm; 54 hộ có kinh tế khá trở lên.

Đồng chí Lò Xuân Tín - Phó Bí thư Đảng ủy xã Mường So nhận xét: Đồng chí Đèo Văn Hàn là một trong những tấm gương tiêu biểu trong công tác vận động quần chúng tại địa phương. Bản thân đông chí rất có trách nhiệm với công việc, thực hiện tốt công tác lãnh, chỉ đạo vận động quần chúng. Nhờ sự khéo léo vận động nhân dân của đồng chí Hàn, nhiều công trình lớn ở bản Nà Củng được hoàn thành.

Với những cố gắng, đóng góp của mình, ông Đèo Văn Hàn được nhận Bằng khen, Giấy khen của tỉnh, huyện vì đạt thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, người có uy tín trong cộng đồng...

(baolaichau.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất