Thứ Năm, 18/4/2024
Nữ bí thư đi cuốc đất với dân
 
Bí thư Lê Thị Lụa đi thăm rừng 


Nụ cười luôn nở trên gương mặt người phụ nữ mảnh khảnh, chân chất như những người dân lao động ở núi rừng.

Thời khó

Đứng đầu một xã có thu nhập bình quân thuộc nhóm cao nhất huyện, chị Lê Thị Lụa tự nhận mình là "nông dân chính hiệu". Chị tâm sự những ngày đầu khi Việt Thành xây dựng nông thôn mới, cả xã chỉ đạt 7/19 tiêu chí nông thôn mới. Càng về sau, tiêu chí càng khó đạt.

Ở xã miền núi, khó khăn nhất đối với bà con chính là đường sá. Đường xấu, hàng hóa khó giao thương, mọi chi phí từ đầu tư sản xuất, chăm sóc cây trồng đến tiêu thụ sản phẩm và ngay cả sinh hoạt, học tập... của đồng bào cũng bị đẩy giá cả lên cao. Vì thế, việc làm đầu tiên sau quy hoạch là phải chung tay làm đường giao thông.

Nhớ lại những ngày đầu cùng cán bộ xã vận động bà con làm nông thôn mới, khi đó chị Lụa là chủ tịch UBND xã Việt Thành. Điều đầu tiên khiến chị trăn trở là thu nhập của nông dân. Ngày ấy, Việt Thành có gần 13% hộ nghèo (theo tiêu chí cũ). Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm, giá cả nông sản bấp bênh. Trong khi đó, Việt Thành lại có nhiều tiềm năng để người dân làm giàu không được phát huy.

Nghĩ đi nghĩ lại, chị Lụa cho rằng một trong những nguyên nhân lớn nhất là đường quá xấu, một số cán bộ lại không tập hợp được dân.

Trời mưa, mọi con đường trong xã lầy lội. Trời nắng, đường xá lại vừa bụi vừa xóc nẩy. Chỉ ra đường thôi cũng ngại chưa nói đến việc quá tốn thời gian, công sức và cả tiền bạc để đi lại, vận chuyển hàng hóa. Ấy thế nhưng mở đường thì vừa phải có tiền vừa phải có đất. Ngân sách hạn hẹp, dân không đồng thuận thì làm đường bắt đầu từ đâu?

Những con đường của lòng dân

Ngày đó, khi đề xuất với Đảng ủy xã về việc sắp xếp cán bộ theo thẩm quyền của chủ tịch xã, nhiều người bảo chị chủ tịch liều! Mặc dù vậy, chị quyết làm.

Theo đề xuất của chị, ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy xã phải phụ trách các thôn khó khăn nhất. Chủ tịch Lê Thị Lụa xung phong phụ trách thôn 3 (sau này sáp nhập với 1 thôn khác trở thành thôn Đồng Phú). Đây là thôn có nhiều thành phần "khó bảo", chống đối. Trưởng thôn có vợ đang bị bệnh nặng, uy tín trong thôn giảm, khó tiếp tục đảm nhiệm nhiệm vụ.

Chị Lụa xin Đảng ủy được kiêm luôn trưởng thôn. Việc đầu tiên của trưởng thôn kiêm nhiệm là tiếp cận những người "khó bảo" nhất thôn, vận động họ hiến đất để làm nhà văn hóa. Đến khi họp dân, chị Lụa đưa ra đề xuất làm nhà văn hóa theo hướng "dân làm, Nhà nước hỗ trợ". Một phần kinh phí được Nhà nước hỗ trợ, phần khác vận động hộ khá, giàu trong thôn ủng hộ.

Nhiều người tuyên bố sẽ ủng hộ nếu như có đất. Lúc ấy, chính những người "khó bảo" của thôn đứng lên xin được hiến đất. Cả thôn bất ngờ nhưng thấy phải, vỗ tay ầm ầm.

Ngay sau cuộc họp, người được cho là "khó bảo nhất" thôn được giao làm trưởng ban thi công, còn ban công tác mặt trận thôn được giao quản lý chi tiêu. Mọi thứ đều công khai, minh bạch. Chỉ 2 tháng 10 ngày, nhà văn hóa của thôn khó khăn nhất xã được khánh thành, các thôn khác lũ lượt làm theo. Từ đó, người dân Việt Thành rủ nhau hiến đất làm đường, làm nhà văn hóa, công trình chung của xã.

Năm 2017, Việt Thành cần đất để hoàn thành công trình di tích cấp tỉnh. Một hộ dân không chịu hiến đất. Chị Lụa, lúc này đã là bí thư Đảng ủy xã, đề nghị đổi gần 3 sào "bờ xôi ruộng mật" của chính gia đình mình cho hộ dân kia, họ đồng ý. Sau khi thủ tục hoàn thành, bí thư xã hiến luôn chỗ đất mới được đổi để hoàn thiện công trình.

Người dân ai cũng nể phục bí thư xã vì lợi ích chung, sẵn sàng chịu thiệt phần mình.

Nhắc đến con số rất lớn 57.000m2 đất được đồng bào Việt Thành hiến cho Nhà nước trong phong trào xây dựng nông thôn mới thời gian qua, chị Lụa chỉ cười: "Con số thống kê không đầy đủ đâu. PV cứ đi thực tế sẽ thấy bà con chỉ cần có lợi ích cho cộng đồng là sẵn sàng hiến đất. Có một chị nhà chỉ 3 sào đất còn hiến luôn 2 sào để xã làm nhà văn hóa".

Bí thư cuốc đất với dân

Nhắc lại chuyện làm nông thôn mới, từ một xã có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất huyện trở thành xã nằm trong nhóm có thu nhập cao nhất huyện, chị Lụa cho rằng điều xã Việt Thành đã làm được là quy hoạch tốt 3 vùng kinh tế: vùng Đồng Phúc trồng quế, làm kinh tế rừng; vùng Lan Đình trồng dâu nuôi tằm; vùng Phú Thọ làm tiểu thủ công nghiệp, thương mại, lúa chất lượng cao và chăn nuôi.

 
 Cán bộ xã cùng cuốc đất với dân


Trước đây, tiềm năng các vùng này thể hiện rõ nhưng bà con làm rất manh mún, như đồng dâu ở Lan Đình nham nhở xen lẫn ruộng lúa, bờ rau. Khi xây dựng quy hoạch rồi bắt tay vào làm, bí thư Lụa cho rằng phải hình thành vùng sản xuất tập trung. Người dân phải có tư duy hàng hóa, cùng trồng, cùng chăm sóc, cùng dệt tơ và liên kết để có đầu ra ổn định.

Cách làm của chị Lụa vẫn là lấy cán bộ làm gương đi đầu. Công việc hành chính ở xã giải quyết nhanh, sau đó xuống cùng ăn, cùng làm với đồng bào. Từ bí thư, chủ tịch đến các cán bộ công chức, không chuyên trách của xã đều xắn quần lội ruộng, cuốc đất, gánh phân cùng với dân trồng dâu, làm đường.

Cán bộ gần dân, hiểu được sự vất vả của bà con. Còn người dân thấy cán bộ gần gũi, giúp đỡ họ từ những việc nhỏ nhất nên mến và tin tưởng.

Năm 2015, xã Việt Thành được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Hàng chục kilômet đường liên thôn, đường ra khu sản xuất được mở rộng, đổ bêtông. Gần chục kilômet trong đó còn được dân hiến đất để "mở cua", nắn thẳng, thêm hành lang trồng hoa, lắp điện chiếu sáng...

Đời sống, kinh tế của bà con xã Việt Thành bứt phá mạnh mẽ, xã đã nằm trong nhóm có thu nhập bình quân cao nhất huyện Trấn Yên. Và chị Lụa vẫn xắn quần cuốc đất, trồng dâu với dân, vẫn trùm áo mưa leo lên những quả đồi cao...

Nữ bí thư xã chân chất thổ lộ mình không có lấy một chiếc váy. "Em thấy đấy, không chỉ có chị mà các cán bộ khác ở xã cũng thế, phải xuống dân bất cứ lúc nào. Bà con làm nông vất vả, mình đến dân thì gần gũi, gắn bó, tận tâm làm cùng để đồng bào không xa cách mình" - chị Lụa tâm sự.


(tuoitre.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất