Thứ Năm, 14/11/2024
Đồng Nai: Xây dựng mô hình “Dân vận khéo” gắn với lợi ích người dân
 
Lãnh đạo tỉnh và đoàn công tác dân vận thăm Mẹ Việt Nam anh hùng tại huyện Định Quán 


* Nhiều mô hình “Dân vận khéo”

Đồng Nai hiện có khoảng 3,2 triệu dân, với đặc thù đông dân tộc, đa tôn giáo, đông công nhân lao động, công tác Dân vận luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở quan tâm làm tốt. Từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình, tấm gương tiêu biểu trong phong trào “Dân vận khéo” gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, đóng góp tích cực vào xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội.

Có dân là có tất cả chính là phương châm mà các mô hình Dân vận khéo chú trọng khi triển khai thực hiện. Tại ấp 6, xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc), mô hình “Chi hội Nông dân ấp tích cực vận động hội viên nông dân xây dựng đường giao thông nông thôn” đã trở thành mô hình tiêu biểu “Dân vận khéo” của tỉnh. Từ một ấp với các tuyến đường “nắng bụi, mưa lầy” giờ đây trở thành tuyến đường sạch, đẹp, kiểu mẫu, điển hình của phong trào “xã hội hóa giao thông nông thôn”. Trong đó có nhiều tuyến “sáng - xanh - sạch - đẹp” do các đoàn thể chính trị - xã hội tự quản. Trong thành quả này có đóng góp tích cực của ông Vương Đoàn Ngoãn, Chi hội phó Chi hội Nông dân ấp 6, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Năng suất cao cây tiêu ấp 6. Ông Ngoãn cho biết, 10 năm nay, chi hội đã vận động người dân trong ấp xây dựng 21 tuyến đường bê tông và nhựa nóng với chiều dài 17,2km (trên 80%), số còn lại đã được người dân trong ấp đăng ký thực hiện và hoàn thành vào năm 2020. Ngoài đầu tư của Nhà nước, người dân đóng góp 25% tổng kinh phí và hiến hơn 34 ngàn m2 đất để mở rộng mặt đường.

Nhờ thực hiện hiệu quả công tác dân vận chính quyền, Đồng Nai đã thu được trên 1,5 triệu lượt ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, gần 2 triệu lượt ý kiến đóng góp vào Dự thảo báo cáo chính trị của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020; các sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện đều tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu với nhân dân; giải đáp thắc mắc nhiều ý kiến, kiến nghị của nhân dân. Cũng nhờ làm tốt công tác dân vận chính quyền đã có hàng trăm dự án chậm tiến độ thực hiện bị thu hồi, loại bỏ khỏi quy hoạch 14 cụm công nghiệp…

Chia sẻ kinh nghiệm vận động các nguồn lực trong dân, ông Ngoãn cho rằng, đầu tiên là cán bộ, đảng viên, trưởng, phó ấp, bí thư, phó bí thư và trưởng các ngành, đoàn thể phải gương mẫu theo phương châm “đảng viên đi trước” để nhân dân làm theo. Mặt khác, cần phát huy dân chủ, công khai, minh bạch trong thu, chi với sự giám sát của người dân, tạo sự tin tưởng, đồng thuận từ mỗi người dân.

Không chỉ khéo trong vận động nhân dân tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn, gần 10 năm qua, ông Ngoãn và cán bộ ấp 6 còn vận động nhân dân xây dựng nguồn quỹ chi hội gần 260 triệu đồng, xây dựng và trao tặng 6 căn nhà tình thương, 60 phần quà cho người khó khăn. Các hoạt động hỗ trợ người nghèo cũng đã góp phần giảm hàng chục hộ nghèo trong ấp xuống chỉ còn 2 hộ nghèo A và phấn đấu xóa hết hộ nghèo trong năm 2020.

Trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”, CLB làm kinh tế giỏi của Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Xuân Thành, huyện Xuân Lộc là mô hình tiêu biểu trong giúp đỡ hội viên và người nghèo vươn lên làm kinh tế, ổn định cuộc sống. Chủ tịch Hội CCB xã Xuân Thành, Chủ nhiệm CLB CCB làm kinh tế giỏi Trần Văn Vỹ cho hay, từ 11 thành viên ban đầu, đến nay CLB đã có 16 thành viên (thành viên tham gia CLB phải có thu nhập trung bình mỗi năm trên 100 triệu đồng) góp vốn 222 triệu đồng, giải quyết cho nhiều lượt hội viên khó khăn vay vốn làm kinh tế.

Là đảng viên, hội viên CCB tiêu biểu của phường Bàu Trâm (TP.Long Khánh), ông Nguyễn Nhung đã bỏ ống tiết kiệm 500 ngàn đồng/tháng từ lương hưu để góp phần xây dựng nông thôn mới. Theo đó, ông đã góp 1 triệu đồng/tuyến đường cho 18 tuyến đường nông thôn mới trong phường. “Kế hoạch của tôi sẽ tiếp tục được thực hiện không chỉ 500 ngàn đồng/tháng mà còn nhiều hơn nữa để góp sức cho nông thôn mới sáng - xanh - sạch - đẹp” - ông Nhung nói.

Chủ tịch Hội CCB tỉnh Dương Hòa Hiệp cho rằng, những điển hình “Dân vận khéo” không chỉ gương mẫu đi đầu, họ chính là lực lượng nòng cốt vận động nhân dân cùng đồng thuận thực hiện các chủ trương, phong trào thi đua, từ đó phát huy được sức mạnh to lớn trong nhân dân.

* Gắn với lợi ích người dân

Khẳng định vai trò, ý nghĩa của phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Dân vận trong tình hình mới” nêu rõ: “Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và các phong trào do MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội phát động. Đến nay, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã có bước phát triển mới, nhiều tấm gương tiêu biểu đã có sức lan tỏa, tác động sâu sắc đến đời sống nhân dân”.

Tại Đồng Nai, theo thống kê giai đoạn 2009-2015, toàn tỉnh đã có 5.022 mô hình với 8.904 cá nhân thực hiện các mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị; vận động hơn 156 tỷ đồng, xây dựng 5.411 căn nhà tình thương, xóa nhà dột nát cho người nghèo; huy động hàng chục ngàn ngày công với tổng giá trị gần 239 tỷ đồng. Giai đoạn 2015-2019 chưa có thống kê nhưng đến cuối năm 2018, toàn tỉnh đã có hàng ngàn mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký thực hiện với tổng nguồn lực huy động hàng trăm tỷ đồng, xây dựng xong nhà đại đoàn kết, xóa hoàn toàn nhà dột nát cho người nghèo; vận động hàng trăm tỷ đồng cho công cuộc xóa nghèo, hạ tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh xuống còn 0,9% vào đầu năm 2019.

Cũng từ những mô hình “Dân vận khéo”, lợi ích của người dân và cộng đồng xã hội được nâng lên. Điều này thể hiện rõ trong mức tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của tỉnh luôn cao hơn so với bình quân cả nước. Đồng Nai được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cấp bằng ghi công hoàn thành xây nhà đại đoàn kết, xóa nhà dột nát cho người nghèo. Đồng thời là tỉnh đầu tiên hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới; là mô hình kiểu mẫu trong đoàn kết quân - dân, đoàn kết lương - giáo, huy động sức mạnh toàn dân vào mục tiêu phát triển.

Phát biểu tại hội nghị triển khai công tác dân vận năm 2019, đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác dân vận của tỉnh nhấn mạnh, năm 2019 và những năm tiếp theo, để phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục phát huy hiệu quả, xây dựng được nhiều mô hình hay, điển hình tốt có sức lan tỏa trong tất cả các lĩnh vực, công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” tập trung thực hiện những nội dung trọng tâm như: tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác dân vận, phong trào thi đua “Dân vận khéo” nhằm tạo chuyển biến thực chất trong quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Xác định phong trào “Dân vận khéo” là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh; tăng cường tuyên truyền, định hướng phong trào gắn với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.

Cùng với đó xác định nội dung trọng tâm phong trào thi đua “Dân vận khéo” phù hợp với điều kiện từng địa bàn, từng đối tượng, tập trung vào các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc thù đông đồng bào dân tộc, tôn giáo; gắn chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững với các nội dung thi đua “Dân vận khéo” và đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”...

(baodongnai.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất