Thứ Năm, 25/4/2024
Dân vận khéo trong phát triển kinh tế ở Phú Bình
 

Mô hình chăn nuôi gà thả đồi của gia đình chị Hoàng Thị Hường, xóm Non Tranh, xã Tân Thành
với quy mô 3.000 con/lứa.


Từ năm 2015 trở lại đây, người dân ở xã Tân Thành đã được tuyên truyền, vận động tập trung đầu tư chăn nuôi gà thả đồi theo hướng hàng hóa nhằm xây dựng thương hiệu “Gà đồi Phú Bình”. Đồng chí Hoàng Văn Giới, Phó Bí thư Thường trực xã Tân Thành cho biết: Triển khai phong trào “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế, Đảng ủy xã đã chỉ đạo Khối Dân vận xã và các tổ dân vận xóm phối hợp với các tổ chức, đoàn thể của địa phương vận động, tuyên truyền người dân lựa chọn những mô hình phát triển kinh tế phù hợp để triển khai, nhân rộng. Trong đó, có mô hình chăn nuôi gà thả đồi đã phát huy hiệu quả, tập hợp được nhiều hộ dân cùng tham gia sản xuất. Nếu như trước năm 2015, toàn xã chỉ có gần 100 hộ chăn nuôi gà thì hiện nay đã có trên 300 hộ nuôi với quy mô trang trại, gia trại từ 500 con đến 10.000 con/lứa. Mỗi mô hình đem lại nguồn thu nhập cho các hộ từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng/năm. Để tạo điều kiện cho nhân dân phát triển kinh tế, xã đã chỉ đạo các tổ chức hội duy trì tốt các tổ tín chấp vay vốn từ các nguồn; thường xuyên tập huấn khoa học kỹ thuật về chăn nuôi gà cho các hộ dân; Khối Dân vận của Đảng ủy xã và các tổ dân vận đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học để nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời liên kết với nhau cùng chia sẻ kinh nghiệm, tính toán lựa chọn giống gà nuôi phù hợp, tìm kiếm thị trường đầu mối tiêu thụ để cùng nhau phát triển. Hiện nay, xã có Tổ hợp tác Chăn nuôi gà với 32 thành viên, toàn xã có trên 60 trang trại, gia trại sản xuất theo hướng an toàn sinh học.

Còn tại xã Lương Phú, từ năm 2016 trở lại đây, nhờ được tuyên truyền, vận động mà nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã chủ động chuyển đổi mô hình kinh tế để lựa chọn các giống cây ăn quả phù hợp đưa vào trồng tại địa phương, bước đầu đã phát huy hiệu quả. Hiện nay, toàn xã có khoảng 10 mô hình cây ăn quả tập trung được trồng trên tổng diện tích hơn 4ha, với các loại cây như bưởi Diễn, táo, ổi... Bà Nguyễn Thị Trong, ở xóm Lân cho biết: Năm 2017, được sự tuyên truyền, vận động của Tổ dân vận xóm về chuyển đổi cây trồng trong sản xuất, tôi đã đi tham khảo mô hình trồng cây ăn quả của một số gia đình đi trước để học hỏi kinh nghiệm. Sau đó, gia đình tôi đã chuyển đổi một số diện tích trồng màu kém hiệu quả sang trồng 300 cây bưởi Diễn.

Đồng chí Dương Văn Định, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Phú Bình cho biết: Thời gian vừa qua, bám sát các kế hoạch của Trung ương, của tỉnh về tổ chức phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Đảng bộ huyện Phú Bình luôn xác định công tác dân vận và xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Huyện ủy Phú Bình đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở triển khai đồng bộ các hoạt động. Toàn huyện hiện có 31 mô hình dân vận khéo trên lĩnh vực kinh tế. Thông qua các mô hình, người dân mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chú trọng phát triển kinh tế gia đình theo hướng hàng hóa, cho thu nhập cao. Trong đó, có thể kể đến các mô hình vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả, như: Trồng dưa chuột bao tử, cây ăn quả ở xã Tân Đức; trồng rau an toàn ở xã Nhã Lộng; sản xuất viên nén mùn cưa ở xã Kha Sơn; vận động nhân dân dồn điền đổi thửa để thực hiện các mô hình cánh đồng mẫu lớn... Điều này đã góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của huyện phát triển, so với năm 2015, mức thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện tăng từ 19 triệu đồng/người/năm lên 54 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ hơn 10% xuống còn 4,6%...

Thời gian tới, huyện Phú Bình sẽ tiếp tục nhân rộng, đổi mới các mô hình dân vận khéo, đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai phong trào thi đua đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; gắn nội dung thi đua “Dân vận khéo” với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

(baothainguyen.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất