Chủ Nhật, 17/11/2024
Ninh Bình: Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong lĩnh vực phát triển kinh tế
 
 Mô hình trồng cây Thanh Long ruột đỏ của gia đình ông Hoàng Hữu Đình
 ở xã Xích Thổ (Nho Quan). Ảnh: Trường Giang

Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện phong trào, nhiều kết quả đạt được đã thể hiện rõ vai trò của công tác dân vận đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của mỗi địa phương, việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị. Trong đó, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong lĩnh vực phát triển kinh tế đã góp phần quan trọng vào việc giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, đóng góp vào kết quả phát triển kinh tế- xã hội ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Đến xã Yên Mạc, một xã xa trung tâm của huyện Yên Mô, lâu nay vốn được xem như xã khó khăn về phát triển kinh tế. Bây giờ ở Yên Mạc đã có nhiều thay đổi, rõ nét nhất là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã từng bước theo hướng sản xuất hàng hóa. Đồng chí Phạm Hồng Hỷ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Mạc cho biết: Là xã đặc thù, còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế nên những năm qua cấp ủy, chính quyền địa phương có chủ trương vận động các gia đình phát triển kinh tế theo hình thức trang trại tổng hợp để phát huy lợi thế, tiềm năng đất đai, đồng thời khắc phục được những hạn chế do đồng đất đem lại. Đảng ủy xã đã chỉ đạo các đoàn thể nghiên cứu, tìm hiểu thực tế để tham mưu xây dựng các mô hình “Dân vận khéo”, làm điểm để tuyên truyền, vận động người dân học tập, làm theo. 

Đối với Hội Nông dân xã với trên 900 hội viên tham gia sinh hoạt, Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để đem lại giá trị kinh tế cao hơn so với canh tác truyền thống. Hội đã bám sát thực tế địa phương, điều kiện kinh tế của hội viên để xây dựng mô hình “Dân vận khéo” phù hợp. Trong đó, mô hình kinh tế trang trại 3 ha của hội viên nông dân Phan Văn Miền ở xóm 4 hiện nay đang là mô hình được nhiều hội viên, nông dân học tập, tìm hiểu. Trang trại của anh Miền hiện đang nuôi trên 1.000 con vịt trời, cung cấp cho bà con quanh vùng với số lượng 600 quả trứng/ngày, hơn 100 con lợn nái và lợn thịt, 20 con bò, 50 con gà Đông Tảo… 

Với thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm sau khi trừ chi phí, mô hình trang trại tổng hợp của hội viên Phan Văn Miền được công nhận danh hiệu hộ sản xuất, kinh danh giỏi cấp tỉnh và là 1 trong 6 hộ nông dân trong tỉnh được Hội Nông dân tỉnh đề nghị Trung ương Hội tặng danh hiệu cấp Trung ương. Mô hình của gia đình anh Phan Văn Miền được đánh giá cao không chỉ bởi hiệu quả kinh tế mang lại cho gia đình mà còn ở tính trợ giúp lẫn nhau trong tổ chức Hội. Cùng với việc cung ứng giống vịt đảm bảo chất lượng, gia đình còn thu mua luôn vịt thương phẩm cho các hộ nuôi nên các hộ chăn nuôi không phải lo “đầu ra” cho sản phẩm. Toàn bộ khâu này đều do gia đình anh Miền tự tìm bạn hàng, đối tác ở tận miền Nam, miền Bắc. Hiện “kênh” bán hàng được nhà anh Miền lựa chọn chính là qua mạng xã hội facebook… Từ mô hình trang trại tổng hợp của gia đình anh Miền, xã Yên Mạc đang có kế hoạch tuyên truyền, vận động và có cơ chế, chính sách để hỗ trợ người dân khi chuyển đổi mô hình cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình trang trại tổng hợp. Hiện xã đang xây dựng kế hoạch từng bước chuyển đổi hơn 100 ha ruộng trũng sang mô hình trang trại để góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Năm 2016, các cơ quan, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện 524 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó có 198 mô hình về phát triển kinh tế. Ban Dân vận các cấp đã tích cực tham mưu cho cấp ủy triển khai thực hiện phong trào, tuyên truyền, phổ biến kết quả, kinh nghiệm phong trào thi đua “Dân vận khéo”, các mô hình, điển hình gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, các cơ quan, đơn vị đã tập trung vào những việc mới, việc khó, những việc liên quan thiết thực đến phát triển kinh tế- xã hội của địa phương để triển khai thực hiện. Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, thi đua “Dân vận khéo” đã huy động được cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng, giảm nghèo… Đặc biệt, thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới đã tạo động lực mạnh mẽ, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, được các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân tích cực hưởng ứng, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống nhân dân được cải thiện. Đã có nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả được duy trì và phát triển như: vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế, góp tiền, hiến đất, đổi thửa dồn điền tạo ô thửa lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất… 

Một số mô hình “Dận vận khéo” tiêu biểu tuy mới được triển khai nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình “Vận động nhân dân tích tụ ruộng đất để chuyển đổi sản xuất chuyên canh cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao trên vùng sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững” tại xã Đồng Phong (Nho Quan); mô hình “Cơ giới hóa trong thu gom rơm rạ để làm thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trồng nấm ăn” ở xã Quang Thiện (Kim Sơn) và HTX Hợp Tiến, xã Khánh Nhạc (Yên Khánh); mô hình vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông nội thôn, làm kênh thoát nước tại xã Đông Sơn (thành phố Tam Điệp); mô hình “Trồng bí xanh an toàn” tại xã Khánh Hải (Yên Khánh)…

Nguồn: baoninhbinh.org.vn, ngày 09/02/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất