Thiếu úy Ðặng Ðức Thông, cán bộ Ðội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, CA huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định luôn thể hiện sự tận tụy, năng động, khoa học trong công việc, nhờ đó đạt được hiệu quả công tác cao.
Trong tháng 6 vừa qua, khi tiếp cận địa bàn, thiếu úy Đặng Đức Thông nắm thông tin ở xã Hoài Phú về việc một số người dân làm rẫy có sử dụng súng quân dụng để săn bắn thú rừng. Qua trao đổi thông tin với công an viên thôn Hội Phú, anh Thông biết số súng mà người dân sử dụng là nhặt được ở vùng rừng núi, là vũ khí còn rơi vãi sót lại trong chiến tranh. Quá trình xác minh, anh đã xác định anh Phạm Văn Sang có sử dụng khẩu súng quân dụng AR15 cất giấu trên rẫy để săn bắn thú rừng, bảo vệ hoa màu. Thiếu úy Thông đã nhiều lần đến nhà nhưng ban ngày anh Sang luôn ở trên rẫy. Với quyết tâm vận động, thuyết phục để anh Sang tự giác giao nộp khẩu súng, thiếu úy Thông đã kiên trì đến nhà ban đêm gặp gỡ, phân tích về việc vi phạm pháp luật và những hệ lụy cho bản thân nếu sử dụng súng trái phép. Cuối cùng, anh Sang đã nhận thức được vấn đề và tự nguyện giao nộp khẩu súng. Chẳng những vậy, anh Sang còn cộng tác với thiếu úy Thông, vận động ông Phan Xuân Tỉnh cùng làm rẫy kế bên, cũng đang có khẩu súng AR15 nhặt được trên núi, tự nguyện giao nộp.
Ngoài ra, qua theo dõi thông tin trên mạng, thiếu úy Thông còn phát hiện một số thanh niên ở địa phương đặt mua các phụ kiện lắp ráp, độ chế súng cồn để săn bắn. Thế là, anh tham mưu lãnh đạo CA huyện phối hợp cùng CA xã, thị trấn tổ chức các buổi tuyên truyền Pháp lệnh 16 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; đồng thời vận động nhân dân đấu tranh, tố giác và vận động các đối tượng sử dụng tự nguyện giao nộp 3 khẩu súng cồn tự chế.
Ở các xã tuyến biển thường xảy ra các vụ sử dụng hung khí đánh nhau, gây rối, thiếu úy Thông đã phối hợp với các đội nghiệp vụ, chọn thời điểm số thanh niên không đi làm biển phát động phong trào toàn dân tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật; gặp gỡ gia đình có đối tượng tham gia băng nhóm để cùng giáo dục, răn đe. Kết quả, anh đã thu hồi 17 loại công cụ hỗ trợ như kiếm, mác, mã tấu do các thanh niên này cất giấu để đánh nhau.
Thường xuyên bám địa bàn, tiếp xúc với nhân dân nên thiếu úy Đặng Đức Thông hiểu rằng, người cảnh sát quản lý hành chính được xem như là hình mẫu của người chiến sĩ CAND “vì nhân dân phục vụ”. Anh tâm sự: “Mọi cử chỉ, hành động, lời nói của công an đều được người dân nhìn nhận, đánh giá. Nếu mình trọng dân, thực hiện tốt trọng trách mang lại cuộc sống yên vui thì sẽ được người dân tin yêu, tận tình giúp đỡ trong từng công việc”. Thấu hiểu điều đó, khi được phân công phụ trách địa bàn, anh thường xuyên phối hợp với CA xã, gần gũi với người có uy tín ở khu dân cư, coi đó là một “kênh” thông tin đáng tin cậy để nắm tình hình liên quan đến công tác ANTT. Vì vậy, mọi vấn đề “nóng” ở cơ sở anh đều nắm bắt, kịp thời đề xuất cấp trên xử lý. Đó cũng là “bí quyết” giúp thiếu úy Thông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý địa bàn.
Nguồn: baobinhdinh.com.vn, ngày 04/9/2017