Tình quân dân trong dông bão
Thiếu tá Đặng Nguyên Bính rất xúc động mỗi khi nhắc lại chuyến đi ấy. Anh kể: "Được nghe thông tin dồn dập về sức mạnh của cơn bão, chúng tôi nhận nhiệm vụ cùng với các lực lượng xuống đồng giúp dân. Vì chạy bão nên việc giúp dân không có kế hoạch cụ thể mà linh hoạt theo phương châm cứ thấy nhà ai gặt thì cán bộ, chiến sĩ “nhào vào” giúp. Ngày thường thì chỉ gặt bằng máy, nhưng lúc mưa gió, máy không xuể, thế là tay liềm, tay xén thoăn thoắt chạy đua cùng cơn bão. Gió tới mỗi lúc một lớn khiến không khí xuống đồng càng thêm khẩn trương. Cảnh tượng kẻ xuôi, người ngược, chỗ này tiếng hô “hai, ba” khiêng bao thóc ném lên xe, chỗ kia tất tưởi người cắt, người xén, kẻ bốc lúa; rồi xe thồ, xe máy, ô tô, tiếng người gọi nhau í ới… cứ dồn dập, huyên náo cả cánh đồng. Nhá nhem tối mà vẫn chưa hết lúa, chúng tôi phải ăn bánh mì qua bữa để giúp dân gặt lúa đến tận 2 giờ sáng ngày hôm sau. Vật lộn với mưa, gió làm ai nấy mệt nhoài nhưng lúc ấy tình quân dân gần gũi như tình cảm gia đình mà phải sau cơn bão mọi người mới nhận ra điều đặc biệt đó".
|
LVT huyện An Lão và các đơn vị quân đội giúp dân xã Câu Hạ làm đường giao thông liên thôn |
Thượng tá Đỗ Văn Thưởng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện An Lão khẳng định khi nói về công tác dân vận của lực lượng vũ trang (LLVT) huyện: “Những năm qua, trong tiến hành công tác dân vận, đơn vị đều phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, xác định cụ thể từng việc, từng địa chỉ, từng chỉ tiêu. LLVT huyện luôn có mặt khi dân cần, nhất là trong phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, xây dựng nhà tình nghĩa, giúp đỡ gia đình người có công, chữa cháy rừng…”.
Chung tay xây dựng nông thôn mới
Chủ tịch UBND xã An Thắng Nguyễn Đình Thậm cho biết: “An Thắng về đích nông thôn mới năm 2014, kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của LLVT, trong đó Ban CHQS xã tham gia tích cực trong công tác tuyên truyền vận động. Đồng hành cùng chúng tôi còn có Ban CHQS huyện, các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn giúp sức đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới của xã. Những con đường được đổ bê tông phẳng lỳ, những tuyến kênh mương nội đồng kiên cố hóa, các hoạt động tri ân liệt sĩ, gia đình cách mạng… đều có dấu ấn rất rõ nét của bộ đội. Không chỉ vậy, nhiều chiến sĩ dân quân trở thành những hộ gia đình có mô hình VAC sản xuất giỏi như đồng chí Nguyễn Văn Hiến, Nguyễn Đình Trung… Chính họ trở thành lá cờ đầu trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp để bà con học tập”.
Sau câu chuyện, Chủ tịch UBND xã An Thắng dẫn chúng tôi đến thăm trang trại của chiến sĩ dân quân Nguyễn Đình Trung. Theo anh Trung: Muốn vận động bà con thì mình phải đi trước, làm trước. Nhờ có nông thôn mới với chủ trương chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, được tạo điều kiện vay vốn theo hình thức tín chấp và nguồn vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, anh Trung đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng làm trang trại chăn nuôi gà công nghiệp. Hiện nay, đàn gà của gia đình anh thường xuyên duy trì từ 17.000 đến 18.000 con/lứa, mỗi năm cho thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Ông Nguyễn Đình Sinh, Trưởng thôn Bách Phương 4 cho biết: "Trong phong trào xây dựng nông thôn mới vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ phải vận động, tuyên truyền làm sao cho bà con hiểu rằng chính họ là chủ thể. Người dân trực tiếp làm, tự giám sát chất lượng, chi phí, tất cả đều minh bạch. Chính vì thế, khi tư tưởng đã thông thì từ việc hiến đất, đóng góp kinh phí, đến ngày công xây dựng... đều là của dân, do dân và vì dân. Thực tế, có những khoản đóng góp không hề nhỏ, nhưng vì bà con thấy lợi ích trực tiếp cho gia đình, cho địa phương nên vẫn tích cực hưởng ứng".
Chia tay An Lão, chúng tôi tâm đắc câu nói của Thượng tá Trần Văn Toản, Chính trị viên Ban CHQS huyện, người có nhiều năm làm công tác dân vận: "Mình là bộ đội địa phương luôn gắn bó trực tiếp với dân thì phải làm sao để dân tin mình. Mà muốn dân tin mình thì không có cách nào khác là phải “sống thực, làm thật”.
Nguồn: qdnd.vn, 1/7/2018