Chủ Nhật, 12/1/2025
Mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

 Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Phó Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam động viên thăm hỏi ngư dân gặp nạn

Theo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, từ đầu năm 2017, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển chính thức chỉ đạo triển khai thực hiện mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” trong toàn lực lượng; đây là một mô hình dân vận sáng tạo, đặc thù của Cảnh sát biển Việt Nam. Việc triển khai mô hình nhằm cụ thể hóa chủ trương tăng cường, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới của Đảng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc thù hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển; góp phần xây dựng các xã, huyện đảo phát triển kinh tế, vững mạnh về chính trị, làm cơ sở xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển, tăng cường đoàn kết quân dân; động viên ngư dân tích cực vươn khơi bám biển, bám ngư trường truyền thống, vừa phát triển kinh tế xã hội, vừa sát cánh cùng các lực lượng thực thi pháp luật trên biển đấu tranh bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn các vùng biển đảo của Tổ quốc; đồng thời, giúp cho lực lượng Cảnh sát biển và các lực lượng khác (Hải quân, Biên phòng, Kiểm ngư) thực hiện tốt nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát thực thi pháp luật trên biển.

Mô hình dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” được triển khai theo Hướng dẫn số 427/CT ngày 10/02/2017 của Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển. Theo đó, các đơn vị Cảnh sát biển tổ chức kết nghĩa, phối hợp với cấp ủy chính quyền, đoàn thể địa phương triển khai các hoạt động thực hiện mô hình. Cụ thể, mỗi Hải đội Cảnh sát biển chọn 1 huyện hoặc xã đảo tổ chức kết nghĩa và phối hợp các hoạt động; Bộ Tư lệnh các Vùng Cảnh sát biển căn cứ đặc điểm, tình hình, chức năng, nhiệm vụ tổ chức ký kết, phối hợp hoạt động với cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng của tỉnh (thành), huyện (thị xã, thị trấn) để thực hiện các nhiệm vụ, trong đó có nội dung thực hiện mô hình.

Theo thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Phó Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam, trên cơ sở kết nghĩa, các đơn vị Cảnh sát biển phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương triển khai 3 hoạt động trọng tâm: Một là, tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cấp ủy chính quyền địa phương, nhân dân xã đảo và ngư dân tại các khu neo đậu tàu, thuyền, âu tàu của xã đảo thông qua các hình thức in ấn, cấp phát tờ rơi; cử cán bộ, sĩ quan trực tiếp xuống địa bàn tuyên truyền, vận động ngư dân; phối hợp tổ chức cuộc thi tìm hiểu về biển, đảo; phối hợp với cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin, bài phản ánh các hoạt động của Cảnh sát biển và cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân huyện, xã đảo; cung cấp các băng, đĩa, tài liệu, thông tin về Luật Biển Việt Nam, Luật Thủy sản, Luật Bảo vệ môi trường; ngư trường, tình hình biển, đảo; thông báo rõ, cụ thể cho ngư dân trên các địa bàn về tần số liên lạc với Đài canh tìm kiếm, cứu hộ trên biển của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; qua đó, động viên nhân dân tích cực vươn khơi, bám biển; tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Cùng với đó, lực lượng cảnh sát biển tổ chức các hoạt động nhân đạo như tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn ngư dân bị nạn trên biển; phòng chống cháy, nổ, thiên tai, bão lũ; thăm, tặng quà các gia đình ngư dân thuộc diện chính sách, hộ nghèo nhân dịp lễ, tết, thăm, tặng quà cho các cháu học sinh vùng biển nghèo vượt khó học giỏi; hỗ trợ ngư dân phao, áo cứu sinh, nước ngọt, lương thực, thực phẩm khi gặp khó khăn, lũ lụt; tổ chức các tổ quân y định kỳ thăm khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí, trọng tâm là gia đình nghèo, chính sách, sẵn sàng phối hợp cấp cứu ngư dân khi gặp nạn.

Theo thượng tá Đặng Hồng Quân - Phó Trưởng phòng Tuyên huấn Cục Cảnh sát biển, đến nay, mô hình “Cảnh sát biển Đồng hành với ngư dân” đã được triển khai tại 9 xã (huyện) đảo trên địa bàn của 9 tỉnh, thành ven biển và đạt được một số kết quả rất thiết thực, có ý nghĩa. Các đơn vị Cảnh sát biển đã tiến hành thành công hàng trăm cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo cho cán bộ, ngư dân các xã, huyện đảo. Sự có mặt của ngư dân trên các vùng biển là sự “hiện diện dân sự” và thực hiện “chủ quyền dân sự”; mỗi tàu, thuyền đánh cá của ngư dân với lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió là những “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển đã sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền địa phương các xã (huyện) đảo vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn biển, đảo; kịp thời giúp ngư dân xử lý, ứng cứu, cứu nạn ngư dân khi bị các tàu nước ngoài xua đuổi, đâm va, khi gặp thời tiết thay đổi đột xuất (giông tố) để ngư dân yên tâm bám biển; có thể nói, sự hiện diện của tàu Cảnh sát biển trên các vùng biển của Tổ quốc thực sự là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển.

Các đơn vị Cảnh sát biển đã tích cực giúp các xã, huyện đảo xây dựng nông thôn mới, thực hiện chính sách xã hội. Cảnh sát biển đã thực hiện 150 cuộc tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, đã cứu kéo hàng trăm phương tiện, cứu sống 450 ngư dân gặp nạn; trong đó có 4 phương tiện và 34 thủy thủ nước ngoài. Đã huy động trên 4 tỷ đồng cùng nhiều món quà ý nghĩa từ các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội để tặng quà cho 991 gia đình chính sách và ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, tặng xe đạp và học bổng cho 391 cháu học sinh nghèo học giỏi; khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1.187 ngư dân nghèo; nhận phụng dưỡng 01 Mẹ Việt Nam Anh hùng và đỡ đầu 18 cháu học sinh nghèo học giỏi đến năm 18 tuổi; tặng cờ Tổ quốc, tủ thuốc, túi cứu thương áo phao, đồ dùng sinh hoạt, sổ tay những điều ngư dân cần biết, tập huấn sơ cấp cứu cho hàng nghìn ngư dân trên hàng trăm tàu cá.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Cảnh sát biển vào tháng 8 tới, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển sẽ phối hợp với một số cơ quan báo chí Trung ương tổ chức Lễ tuyên dương “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”./.

Nguồn: dangcongsan.vn, 3/7/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất