Gần 3 năm qua (2016 – 2018), phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được thành phố Ninh Bình triển khai sâu rộng, có trọng tâm, trọng điểm, trong đó chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”. Các mô hình, điển hình đã tập trung giải quyết các vấn đề vừa cơ bản, vừa bức thiết ở địa phương, hướng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị, tạo hướng phát triển tích cực ở địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.
|
Mô hình trồng hoa ở xã Ninh Phúc (thành phố Ninh Bình) áp dụng công nghệ tiên tiến.
Ảnh: Mỹ Hạnh
|
Thực hiện Kế hoạch số 20 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2016 – 2020, căn cứ vào tình hình thực tế và những yêu cầu của việc xây dựng đô thị văn minh, Ban Thường vụ Thành ủy Ninh Bình đã xây dựng kế hoạch thực hiện, đồng thời chỉ đạo Ban chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” các cấp xác định nội dung phù hợp để đăng ký xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo”.
Trên cơ sở định hướng của Ban Thường vụ Thành ủy, các cấp ủy Đảng tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo đối với công tác dân vận, hướng về cơ sở với nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với dân. Cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức phát động sâu rộng phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tập trung giải quyết các vấn đề có liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân như: phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng đời sống văn hoá, giữ gìn an ninh trật tự, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng hệ thống chính trị, vận động nhân dân đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống xã hội; cải cách thủ tục hành chính; đối thoại với nhân dân; công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; thực hiện nếp sống văn minh đô thị, văn minh du lịch...
Đến nay, thành phố đã xây dựng thành công nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế, thu hút sự tham gia tích cực của nhân dân, nhất là trong hoạt động thương mại, dịch vụ; chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; vận động nhân dân tự nguyện đóng góp công sức, kinh phí, hiến đất, ủng hộ tiền, vật liệu, cùng sự hỗ trợ của Nhà nước xây dựng kết cấu hạ tầng. Tiêu biểu như: Mô hình “Chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng về trồng trọt các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao” của Hội Nông dân thành phố; mô hình “Liên kết chăn nuôi lợn theo quy trình” của Hội Phụ nữ xã Ninh Nhất; mô hình “Phát triển mô hình trồng hoa có giá trị kinh tế cao” của ông Vũ Văn Bảng, thôn Đoài Thượng, xã Ninh Phúc; mô hình “Mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho đoàn viên, thanh niên trên địa bàn” của anh Đỗ Anh Hải ở phường Ninh Sơn…
Với phương châm hướng về cơ sở, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, quan tâm thu hút, tập hợp quần chúng, với nhiều cách làm hay, mô hình và hoạt động cụ thể; phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tham mưu, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng và phát triển thành phố; tuyên truyền thực hiện Quy chế quản lý đô thị; tiêu chí xây dựng tuyến đường văn minh đô thị, xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị... Qua đó góp phần nâng cao nhận thức chính trị cho nhân dân, tạo sự gắn kết với hội viên, khẳng định uy tín, vai trò nòng cốt trong thực hiện phong trào thi đua, đồng thời bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng vận động quần chúng của cán bộ khối Mặt trận, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội.
Điều tạo nên sức lan tỏa phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở thành phố Ninh Bình trong thời gian qua đó là đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng tham gia. Thông qua phong trào thi đua “Dân vận khéo” góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, nhất là xây dựng đô thị văn minh. Quần chúng nhân dân đã nêu cao ý thức trách nhiệm trong công tác trật tự đô thị, bảo vệ môi trường, đẩy mạnh các hoạt động nhân đạo, từ thiện...
Nhiều mô hình, cách làm dân vận khéo đã khơi dậy tinh thần trách nhiệm của cộng đồng dân cư cho công tác xã hội như: Mô hình “Vận động nhân dân xã hội hóa lắp đặt hệ thống chiếu sáng trong khu dân cư theo quy chuẩn điện chiếu sáng đô thị” của Khối Dân vận phường Bích Đào; mô hình “Tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường, ngõ, ngách” của UBND phường Ninh Sơn; mô hình xây dựng “Tuyến đường không rác” do phụ nữ tự quản (tuyến đường Lê Đại Hành, phường Thanh Bình) của Hội Phụ nữ thành phố; mô hình “Tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, không tiếp thuốc lá trong việc cưới, việc tang và lễ hội” của đồng chí Phạm Thị Lưu, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn ích Duệ, xã Ninh Nhất; mô hình “Vận động nhân dân tham gia dọn vệ sinh môi trường hưởng ứng “Ngày thứ 7 sạch” ở khu dân cư” của đồng chí Nguyễn Đức Sáng, Bí thư Chi bộ phố Phúc Ninh, phường Phúc Thành...
Sau gần 3 năm triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Ban chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” thành phố, các xã, phường đã tiến hành khảo sát, thẩm định, bình xét và ra quyết định cấp giấy công nhận 89 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” giai đoạn 2016-2018, trong đó: Cấp cơ sở công nhận 61 mô hình, điển hình; khen thưởng 60 tập thể, cá nhân; cấp thành phố công nhận 28 mô hình, điển hình và biểu dương khen thưởng 10 tập thể, cá nhân. Các tập thể và những cá nhân điển hình trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” thực sự là những tấm gương tiêu biểu cho công tác vận động quần chúng ở cơ sở. Dù ở cương vị nào, lĩnh vực nào, các tập thể và cá nhân tiêu biểu đều là những người đang làm việc với tất cả tâm huyết, vượt qua khó khăn trở ngại, hoà mình cùng phong trào quần chúng ở cơ sở, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương, thực hiện ngày một tốt hơn lời dạy của Bác Hồ “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Mai Lan/ baoninhbinh.org.vn