Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, những năm qua, cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, đoàn thể huyện Sơn Động (Bắc Giang) đã chú trọng triển khai nhiều mô hình dân vận khéo.
|
Câu lạc bộ hát Then-đàn Tính của đồng bào dân tộc Tày, xã An Lạc - một trong
những mô hình dân vận khéo ở lĩnh vực văn hóa. |
Cách đây hai năm, tại thôn Đồng Bang, xã Chiên Sơn, mỗi khi thôn có người từ trần, gia đình đó phải mời thầy về làm lễ cúng ba ngày; con cháu mua cây tiền, vàng mã, chi phí đến vài chục triệu đồng. Những ngày diễn ra đám tang, cả thôn đến ăn uống gây tốn kém, lãng phí cho gia chủ. Nhận thấy đây là phong tục không tốt, ảnh hưởng lớn đến kinh tế của các hộ dân nên Chi bộ, Ban công tác Mặt trận thôn Đồng Bang đã họp các hộ dân, bàn bạc thống nhất đưa ra nghị quyết xây dựng hương ước, quy ước về quy định trong việc cưới, việc tang. Ông Lâm Văn Lánh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã kiêm Bí thư Chi bộ thôn chia sẻ: “Trong thôn có 80% số hộ là đồng bào dân tộc Nùng với những phong tục, tập quán từ lâu đời. Để thay đổi thói quen, phong tục, tập quán của bà con là điều không dễ dàng và không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Sau khi được vận động, tuyên truyền, đến nay các hộ trong thôn đã ký cam kết thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang”.
Tìm hiểu trên địa bàn xã Chiên Sơn, chúng tôi được biết, để người dân đồng tình ủng hộ thay đổi tập quán lạc hậu, Đảng ủy, UBND xã đã phát huy tốt vai trò của các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ. Những người có uy tín trong cộng đồng đi đầu tuyên truyền, vận động, phổ biến chủ trương, chính sách mới, nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đến nay, 5 thôn trong xã đã thực hiện nếp sống mới.
"Trong thôn có 80% số hộ là đồng bào dân tộc Nùng với những phong tục, tập quán từ lâu đời. Sau khi được vận động, tuyên truyền, đến nay các hộ trong thôn đã ký cam kết thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang”- ông Lâm Văn Lánh, Bí thư Chi bộ thôn Đồng Bang |
Gần đây, ở Chiên Sơn, một số hộ dân tự ý đổ đất xuống ruộng cấy lúa để chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, làm nhà. Hiện tượng này có xu hướng lan rộng, tiềm ẩn yếu tố phức tạp, gây khó khăn trong quản lý đất đai. Trước tình trạng trên, xã Chiên Sơn đã thành lập các tổ dân vận, huy động các đoàn thể vào cuộc tuyên truyền, vận động, giải thích. Vì vậy, các hộ dân đã tự giác chấp hành hoàn trả diện tích ban đầu và chấm dứt tình trạng đổ đất lấn ruộng.
Cũng giống như Chiên Sơn, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể xã Cẩm Đàn rất quan tâm đến công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS để xây dựng nông thôn mới (NTM). Xác định dân vận khéo là nhiệm vụ trọng tâm, Đảng uỷ, UBND xã Cẩm Đàn thành lập Ban chỉ đạo, với thành viên là người đứng đầu các ban, ngành, đoàn thể, Đảng ủy viên phụ trách các thôn để tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã trong quá trình thực hiện các tiêu chí NTM. Kết quả, nhiều thôn đã làm tốt phong trào này. Ví như, sau khi có chủ trương của tỉnh, huyện về hỗ trợ xi -măng cứng hoá đường giao thông, thôn Rộc Nẩy, xã Cẩm Đàn đã có 106 hộ DTTS tiên phong hiến đất giải phóng mặt bằng, mở rộng mặt đường lên 3,5 m; đổ bê tông gần 1,8 km đường trục thôn, nội đồng. Nhiều hộ kinh tế khó khăn vẫn sẵn sàng hiến đất. Tiêu biểu như gia đình anh Lương Văn Đồng, dân tộc Nùng. Anh Đồng cho hay: “Qua tuyên truyền, vận động của cán bộ thôn và xã, tôi thấy đây là cơ hội để có đường rộng, đẹp, phục vụ đi lại. Do đó, ngoài mức đóng góp 400 nghìn đồng, tôi còn hiến 500 m2 đất trồng cây ăn quả để thôn làm đường”.
Được biết, toàn huyện Sơn Động đã xây dựng hơn 400 mô hình dân vận khéo. Các mô hình dân vận khéo tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định kinh tế, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, giữ vững an ninh trật tự trong đồng bào DTTS, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh. Đồng chí Nguyễn Thị Liễu, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy khẳng định: "Các mô hình, điển hình dân vận khéo đã tập trung giải quyết nhiều việc mới, việc khó ở cơ sở. Qua đó khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước, tập hợp sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong huyện, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của địa phương”.
Xuân Thỏa/ baobacgiang.com.vn