Thứ Bảy, 16/11/2024
Trưởng bản ở vùng biên

Người gõ mõ trên đỉnh núi

Đến xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, hỏi thăm gương những trưởng bản trẻ công tác tốt, có uy tín với dân cư trên địa bàn, ông Tráng A Sủ, Bí thư Đảng ủy xã, giới thiệu cho chúng tôi anh Tỉnh A Páo, Trưởng bản Na Cô Sa 1: “Páo sinh năm 1996, được bà con trong bản bỏ phiếu bầu tín nhiệm đạt 100%. Trong các công việc được Đảng ủy xã giao, Páo làm rất tốt. Là người gương mẫu trong lối sống nên được bà con rất tin tưởng và chấp hành”. Trước khi chúng tôi tìm đến nhà anh Páo, ông Sủ còn nhắn thêm: “Địa bàn đi lại khó khăn, 100% đường trong bản là đường mòn, bà con đều là người Mông nên để hiểu kỹ, phản ánh được khó khăn thực sự của người dân, các anh nán lại vài hôm ở cùng dân bản”. Lời ông Sủ như muốn giãi bày những khó khăn của chính quyền và người dân nơi biên giới.

Nhà Páo nằm ở lưng chừng núi. Đường đất quanh co, nhão nhoẹt nên leo lên được nhà Páo, dù trời lạnh chúng tôi cũng vã mồ hôi. Rót chén nước hồ hởi mời khách, Páo bộc bạch: “Cả bản có 49 hộ, sống rải rác cách hai, ba quả núi, đường đi đến hộ nào cũng khó khăn nên mỗi khi có công việc muốn tập hợp được người dân cũng khá vất vả”. “Vậy anh phải làm thế nào?”-chúng tôi băn khoăn. Páo cười, đi vào sau nhà lấy ra một cái ống tre và nói: “Khi bản có việc thì tôi lên đỉnh núi phía trước gõ kho păng” (kho păng là một ống tre được cắt đi một nửa nhưng giữ lại hai đầu mặt). Rồi anh giải thích: Trong bản đã thống nhất với nhau, khi nghe tiếng kho păng thì tập trung đến nhà ông Giàng A Khua, trưởng bản cũ để họp vì cả bản chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng. Quy định là vậy nhưng nhiều hộ ở xa, để thông báo, phổ biến công việc của bản, anh Páo thường phải lặn lội đến tận nhà.

Người Mông ở bản Na Cô Sa 1 thật thà, chất phác, sản xuất còn rất lạc hậu, thụ động. Tập tục phá rừng làm nương, khi đất bạc màu thì bỏ đi tìm mảnh đất mới mà không chịu cải tạo đất cũ vẫn tồn tại trở thành thách thức của bài toán thoát nghèo. Tuy nhiên, bất cập lớn nhất chính là tư duy bảo thủ đã ăn sâu bám rễ trong nếp nghĩ của người dân. Anh Páo chia sẻ: Dân bản sợ áp dụng những cái mới. Chỉ khi có mô hình cụ thể, áp dụng thành công thì họ mới làm theo. Đã vậy, bản tính tự ái rất cao, nói không khéo, người dân nghĩ mình xúc phạm là họ kích động gây khó dễ, thậm chí là phá ngang không nghe theo đường lối lãnh đạo của chính quyền. Vì vậy, việc nhỏ như hướng dẫn người dân mua giống rau trồng theo thời vụ cũng phải hết sức nhẹ nhàng, cụ thể, tỉ mỉ.

Làm trưởng bản phải rất khéo như làm dâu trăm họ, bất kể việc lớn nhỏ vừa phải biết lắng nghe thấu hiểu nhưng cũng phải gương mẫu, công tâm để thuyết phục dân nghe, tin và làm theo. Lấy cho chúng tôi xem cuốn sổ ghi chép, Páo lật giở từng trang giấy. Từng buổi sinh hoạt bản, các chế độ, chính sách người dân được hưởng anh đều ghi chép rất rõ ràng. Hầu hết các hộ dân đều không biết chữ nên các nghị quyết lãnh đạo hay chế độ, chính sách của người dân được hưởng như tiền hỗ trợ dầu thắp, muối ăn… anh đều phải đưa từng người điểm chỉ.

Bản Na Cô Sa 1 có 49 hộ, toàn bộ đều là hộ nghèo. Tính điểm trên các tiêu chí, bản đang đề nghị 2 hộ thoát nghèo (gia đình Páo vẫn chưa đủ điểm để thoát nghèo) nhưng e vẫn còn khó khăn. Tâm lý của người dân không muốn thoát nghèo, vì thoát nghèo sẽ mất phần hỗ trợ của Nhà nước. Cũng chính tâm lý ỷ lại như vậy nên rất dễ nảy sinh cự cãi, tị nạnh. “Làm thế nào để anh có thể giải quyết được vấn đề nan giải này?”-chúng tôi hỏi. “Trước tiên là phải bám dân. Tôi thường xuyên đến thăm các hộ trong bản. Khi gia đình người dân có công việc ma chay, hiếu hỉ là tôi có mặt, vừa chia sẻ vừa một phần giúp đỡ họ. Qua đó nắm gia cảnh từng người. Dân bản họ sống rất có tình, thuyết phục họ thấy hợp tình thì khó mấy cũng làm theo”. Nói rồi, anh Páo lại lấy dẫn chứng: Vừa qua, Nhà nước có chủ trương “ba cứng” (cứng mái, cứng tường, cứng nền) hỗ trợ tấm lợp fibro xi măng và xi măng, xây nhà cho các hộ nghèo. Chỉ tiêu được ít, số hộ nghèo lại quá đông nên trong buổi họp bản bình bầu, Páo duy trì hết sức dân chủ, hộ nào cũng được phát biểu, sau đó phân tích gia cảnh từng hộ nghèo tiêu biểu để thuyết phục người dân. Trước khi chia tay chúng tôi, Páo băn khoăn, hiện nay, cả bản hầu hết các hộ đều chưa có nhà vệ sinh. Để người dân thấy được ý nghĩa của việc xây nhà vệ sinh, gia đình Páo đã gương mẫu làm trước. Vậy mà hơn một năm nay, Páo kiên trì vận động người dân nhưng chưa ổn. Có hộ được hỗ trợ xi măng, tấm lợp xây nhà vệ sinh nhưng lại bán đi sử dụng tiền vào công việc khác. Nghe vậy mới thấy, công việc của cán bộ bản nơi vùng sâu, biên giới khó khăn đến nhường nào. Việc không tên mà có đến hàng trăm việc. Để một tiếng lệnh kho păng cất lên mọi người tự giác nghe theo thì trưởng bản phải đổ hàng trăm giọt mồ hôi, thao thức bao đêm trắng.

Muốn dân theo mình phải làm gương trước

Cuộc sống có muôn hình vạn trạng, ở từng nơi, khó khăn vất vả của cán bộ lại khác nhau. Chúng tôi tới bản Nậm Bắc, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, lắng nghe câu chuyện của Phó trưởng bản Lỳ Phù Gièng. Anh Gièng sinh năm 1988, nhưng đã có thâm niên 8 năm là cán bộ bản. Năm 2009, anh Gièng được bầu làm trưởng bản cùng với thời gian bản mới được thành lập (sau khi hết một nhiệm kỳ bầu lại, anh Gièng làm phó bản). Cả bản có 32 hộ dân, 100% là người Hà Nhì. Trước đây, người dân sống rải rác ở rừng bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé. Theo chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo vệ rừng đầu nguồn nên bản được thành lập, kêu gọi người dân về sinh sống định cư. Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông, anh Gièng nhớ lại: Khi mới thành lập, bản còn rất nhiều khó khăn, tất cả con đường đều là đường đất nên việc đi lại rất vất vả. Vậy mà khi có chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, xây dựng đường bê tông thì nhiều hộ dân gây khó dễ. Họ lấy lý do, Nhà nước làm đường đi qua nhà dân thì phải bồi thường mới cho làm. Tranh cãi nổ ra ở chính người dân trong bản. Một chủ trương đúng đắn, một việc làm ý nghĩa cũng bị phân chia thành hai nhóm lợi ích, đứng trên hai góc độ, người mất đất, kẻ không mất gì vẫn có đường đi. Vậy là khi họp bản, anh Gièng phải phân tích rành rọt lợi ích người dân được hưởng từ con đường. Không những đời ông cha mà con cháu cũng được mở mang, đàng hoàng, to đẹp hơn. Để mọi người cùng làm theo, anh chủ động hiến một phần đất của gia đình. Dần dần, dân bản bàn tán, suy ngẫm lắng nghe, cũng có gần chục hộ tự giác hiến đất, con đường mới được hình thành. Theo năm tháng, lợi ích của con đường đã chứng minh được tính đúng đắn của chủ trương, qua đó đoàn kết được người dân.

Ở bản Lò San Chải, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé, bản biên giới giáp Trung Quốc, những khó khăn bắt đầu diễn ra giống như bản Nậm Bắc gần chục năm trước. Trưởng bản Lò Gièn Khai chia sẻ với chúng tôi: “Khi mới thành lập, cả bản có 17 hộ vận động tách từ nhiều xã khác nhau như xã Sen Thượng, Chung Chải, Leng Su Sìn. Nếp nhà mới nhưng nhiều hộ thường xuyên vắng mặt. Lúc vận động các hộ dân lên bám bản đã khó, giờ vận động họ giữ bản còn khó hơn nhiều”. Lý giải nguyên nhân vấn đề trên, Khai cho rằng, vì bản mới rất xa trung tâm xã, dân cư thưa vắng. Muốn mua gói muối, chai nước mắm, người dân phải vượt chặng đường hơn 20km. Đã vậy, bản chưa có điện, đường sá thường xuyên bị sạt lở, chia cắt. “Khó khăn như vậy, làm thế nào anh vận động được người dân bám bản?”-chúng tôi bày tỏ băn khoăn thì được anh Lò Gièn Khai trả lời: “Tôi thường tâm sự với mọi người trong bản, đây là chính sách của Nhà nước chống tình trạng di dân tự do. Bên cạnh đó, bám bản cũng là nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ chủ quyền cột mốc biên giới. Ngoài ra, Nhà nước cũng có nhiều chính sách hỗ trợ như hỗ trợ hộ nghèo nơi biên giới, hỗ trợ tiền trông bảo vệ rừng. Nhà nước đầu tư cho dân bản vừa có gạo, vừa có tiền làm ăn sinh sống trên mảnh đất quê hương. Đây là điều tuyệt vời mà trước đây chưa từng có”. Cùng với Khai đi tham quan quanh bản, trên những con đường mòn trong bản, cỏ dại mọc ngập lối, anh Khai giãi bày như tự nhủ: “Bản mới, thành phần nhiều dân tộc, người Thái, Hà Nhì, Kinh, đến từ nhiều nơi khác nhau, để người dân có tình cảm yêu miền đất mới cần có thời gian. Không chỉ đơn giản là để mọi người quen hơi đất mà để họ có thời gian xoay xở, thích ứng với khó khăn, có niềm tin từ những điều tốt đẹp. Niềm tin đó trước tiên bắt đầu từ sự gương mẫu của cán bộ”. Cán bộ kiên trì bám bản, kiên trì vận động người dân thì dân mới tin và nghe theo. Sự kiên trì này không chỉ ngắn hạn trong một, hai năm, mà còn phải kéo dài đến thế hệ con cháu mới mong có được những bản làng tươi đẹp nơi biên giới.

Chúng tôi còn gặp nhiều trưởng bản lão thành và trưởng bản trẻ của huyện Nậm Pồ và Mường Nhé, lắng nghe nhiều câu chuyện về sự gần dân, bám dân của họ. Quả thật ở nơi biên giới xa xôi, việc thoát nghèo không dễ thực hiện trong ngày một, ngày hai mà cần một quá trình lâu dài, sự nỗ lực cố gắng của Đảng, chính quyền các cấp và người dân địa phương. Dù chặng đường phía trước còn nhiều gian nan nhưng chúng tôi vẫn đặt nhiều niềm tin vào những cán bộ tuyến đầu nơi đây.

Văn Tuấn/Quân đội nhân dân Online

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất