Thứ Bảy, 16/11/2024
Đắk Lắk: Những kết quả nổi bật của phong trào thi đua "Dân vận khéo"

Thực hiện Nghị quyết 25, trong những năm qua, cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp trên cả nước nói chung, Đắk Lắk nói riêng đã có nhiều nỗ lực trong công tác dân vận và thể hiện rõ nét nhất là việc triển khai sâu rộng phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

Xác định phong trào thi đua “Dân vận khéo” phải được thực hiện ở mọi lĩnh vực hoạt động xã hội, trong mọi nhiệm vụ cần thiết của công tác dân vận, nhất là lĩnh vực có liên quan đến tâm tư nguyện vọng, quyền lợi của nhân dân, trong thời gian qua, ở Đắk Lắk, chính quyền các cấp đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm nâng cao nhận thức, năng lực trách nhiệm, trình độ, phương pháp, nghệ thuật vận động nhân dân của các cơ quan nhà nước, cán bộ công chức, viên chức đối với công tác dân vận chính quyền trong tình hình mới. Nhờ vậy, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu và đa số cán bộ công chức, viên chức chính quyền đã được nâng lên theo hướng vì nhân dân, xây dựng và thực hiện phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin. Minh chứng cho kết quả đạt được của phong trào đó là, chính quyền các cấp, các cơ quan nhà nước đã tập trung hướng về cơ sở, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo để đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện một bước đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân; vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xóa bỏ tập quán sản xuất lạc hậu tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hình thành các vùng sản xuất thâm canh, chuyên canh… Qua đó, động viên người dân hăng hái lao động sản xuất để đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Cùng với việc vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế  - xã hội, chính quyền các cấp, các cơ quan nhà nước đã dựa vào dân, khơi dậy truyền thống yêu nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong nhiệm vụ xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, giữ vững trật tự an toàn xã hội. Thông qua các phong trào quần chúng đã củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần tích cực trong việc đấu tranh ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phòng chống biểu tình bạo loạn, giải quyết những mâu thuẫn bức xúc trong nhân dân, đảm bảo an ninh chính trị, tạo điều kiện để nhân dân yên tâm lao động sản xuất. Tiêu biểu là các phong trào như: Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Tuổi trẻ giữ nước, Toàn dân  đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”… đã thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân tham gia. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nên các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, phát huy quyền làm chủ ở cơ sở, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, góp phần quan trọng trong phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tăng cường đoàn kết, đồng thuận xã hội, củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Từ thực tiễn sinh động thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, công tác triển khai xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã được nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân hưởng ứng thực hiện và được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ. Thông qua đó đã xuất hiện hàng trăm tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến trong công tác dân vận. Có thể kể đến những mô hình tiêu biểu, các làm hay trong phong trào này như: Tập trung đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc hướng đến sự hài lòng của người dân của đội ngũ cán bộ công chức UBND xã Ea Đar (huyện Ea Kar), UBND xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin); Tăng cường công tác đối thoại, lắng nghe và giải quyết kịp thời những kiến nghị, bức xúc, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân của UBND xã Quảng Điền (huyện Krông Ana); Thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách an sinh xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân của UBND xã Buôn Tría (huyện Lắk)…

Nhiều cán bộ lãnh đạo ở các địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo niềm tin để nhân dân cùng chung sức xây dựng địa phương ngày càng phát triển. Tiêu biểu như các đồng chí: Ksơr Y Thông - Chủ tịch UBND xã Dliê Yang (huyện Ea H’leo); Nguyễn Đình Sơn - Chủ tịch UBND xã Hòa Thành (huyện Krông Bông); Hoàng Viết Cát - Chủ tịch UBND xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar); Phạm Phú Lộc - Phó Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ; Ngô Lan Anh - Chủ tịch UBND xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn), Vũ Duy Vính - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Jlơi (huyện Ea Súp)…

Một số cán bộ lãnh đạo phòng ban đã trăn trở, suy nghĩ tìm tòi nhằm nâng cao hiệu quả công tác trên lĩnh vực mà mình phụ trách. Đó là các cá nhân điển hình như: lãnh đạo đơn vị đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn quy trình giải quyết cấp giấy phép xây dựng từ 15 ngày xuống còn 12 ngày của đồng chí Phan Thị Minh Thảo - Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP. Buôn Ma Thuột; tích cực trong việc thực hiện các chương trình tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp giúp nông dân trên địa bàn huyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích của đồng chí Nguyễn Thế Thập - Bí thư Chi bộ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện M’Đrắk; quan tâm nắm bắt tình hình, tham mưu cho UBND huyện xem xét, giải quyết kịp thời những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các chức sắc, chức việc và tín đồ tôn giáo trên địa bàn huyện của đồng chí Bùi Văn Thành - Phó Trưởng Phòng Nội vụ huyện Krông Búk; gương mẫu đi đầu và tích cực tham gia vận động nhân dân trên địa bàn chung sức xây dựng nông thôn mới của đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh - Phó Bí thư Chi bộ cơ quan, cán bộ Văn phòng UBND xã Ea Tóh (huyện Krông Năng)...

Có thể nói, trong thời gian qua phong trào thi đua “Dân vận khéo” mà trọng tâm là xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội đã được chính quyền các cấp, các cơ quan nhà nước chú trọng triển khai thực hiện, được cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đồng tình hưởng ứng và tích cực tham gia. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã đi vào cuộc sống, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức thiết và chính đáng của người dân; xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.

Hy vọng trong thời gian tới công tác dân vận nói chung, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong các cơ quan nhà nước nói riêng ngày càng đi vào chiều sâu. Từ đó, trở thành việc làm thường xuyên và là một nét đẹp trong đời sống văn hóa của cộng đồng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Mai Lan Anh

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi