Thấm nhuần lời dạy của Bác “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Phú Thịnh (Vĩnh Tường) luôn quan tâm, triển khai có hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển kinh tế. Qua đó, địa phương đã thu hút và phát huy được sức mạnh từ nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao đời sống nhân dân.
|
Nhờ phát triển nghề mộc và kinh doanh các mặt hàng sơn, mỗi năm, gia đình ông Bùi Diễn Hậu,
thôn Bàn Mạch, xã Phú Thịnh (Vĩnh Tường) thu nhập hơn 100 triệu đồng,
tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động địa phương |
Về Phú Thịnh hôm nay, điều làm chúng không khỏi ngạc nhiên chính là sự sầm uất của một xã nghèo vùng đất bãi. Thay cho những con đường đất đỏ lầy lội trước đây là những tuyến đường bê tông trải dài; những ngôi nhà cao tầng được mọc lên san sát và đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.
Đồng chí Bùi Diễn Thanh, Thường trực Đảng ủy xã Phú Thịnh cho biết: Cách đây 10 năm, xã Phú Thịnh bị đánh giá là một trong những địa phương nghèo nhất của huyện Vĩnh Tường. Với đặc thù là xã thuần nông, đời sống thu nhập của nhân dân trong xã thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Toàn xã, chỉ có vài hộ dân có nhà cao tầng.
Xuất phát từ mong muốn nâng cao cuộc sống, thu nhập cho người dân và làm thay đổi diện mạo của xã, Đảng ủy, UBND xã đã triển khai tích cực phong trào thi đua "Dân vận khéo" trên các lĩnh vực, trong đó, trọng tâm là lĩnh vực vận động nhân dân tập trung phát triển kinh tế. Mặc dù, nhận thấy trong phát triển sản xuất nông nghiệp, bà con nhân dân cần cù, chịu khó, song hiệu quả kinh tế lại không cao.
Do vậy, để thay đổi được thói quen, phương thức sản xuất lạc hậu của người dân, cấp ủy, chính quyền đã tập trung chỉ đạo các ngành, đoàn thể, chi bộ cùng vào cuộc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng KHKT vào sản xuất và phát động các phong trào thi đua sản xuất.
Nhằm thúc đẩy sản xuất hàng hóa và nâng cao giá trị sản xuất trên cơ sở phát triển việc nuôi trồng các loại cây, con giống mới có năng suất, chất lượng cao ở địa phương, Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, vận động bà con tham gia công tác dồn thửa đổi ruộng (DTĐR), đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Bà Hoàng Thị Nga, Phó Bí thư Chi bộ thôn Đan Thượng cho biết: Khi có chủ trương DTĐR, nhiều người dân còn e ngại, thắc mắc.
Tuy nhiên, sau khi được cán bộ, đảng viên đến tận nhà tuyên truyền, giải thích về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc DTĐR đối với phát triển sản xuất, hầu hết người dân trong thôn đều đồng thuận tham gia. Niềm phấn khởi nhất chính là vụ Đông Xuân vừa qua, gần 20ha đất canh tác của thôn Đan Thượng đã đưa được cơ giới hóa vào sản xuất, kết quả, năng suất lúa đạt khá cao từ250 - 270kg/sào.
Không chỉ giúp người dân nâng cao giá trị sản xuất cây trồng, cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, vận động và khuyến khích các hộ dân giáp sông Hồng tận dụng diện tích vùng đất bãi để trồng cỏ, phát triển chăn nuôi bò thịt. Hàng năm, xã phối hợp mở các lớp tập huấn, chuyển giao KHCN trong chăn nuôi; cử cán bộ thú y thường xuyên hướng dẫn các gia đình cách chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi…
Nhiều gia đình đã mạnh dạn vay vốn đầu tư chuyển đổi từ trồng cây hoa màu sang trồng cỏ phát triển chăn nuôi bò lai Sind, tiêu biểu như gia đình ông Trần Đức Mười, thôn Bàn Giang với mô hình phát triển nuôi bò lai Sind, mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng.
Xác định phát triển tiểu thủ công nghiệp là một ngành kinh tế mũi nhọn ở địa phương, Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo, xây dựng nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp. Đồng thời, tích cực vận động các hộ dân 2 thôn Bàn Mạch, Yên Xuyên mở rộng phát triển sản xuất đồ gỗ; tạo điều kiện giúp các hộ sản xuất tiếp cận với các nguồn vốn vay, thông qua các kênh, chương trình vay vốn của Hội Nông dân, Hội LHPN, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên… Nhờ đó, các hộ dân có điều kiện đầu tư máy cưa, máy xẻ, máy đục vi tính để đẩy mạnh sản xuất.
Ông Bùi Diễn Hậu, đảng viên chi bộ thôn Bàn Mạch cho biết: Trước đây, nghề mộc ở thôn Bàn Mạch chỉ phát triển nhỏ lẻ, manh mún trong một vài hộ dân, còn lại, chủ yếu người dân đi làm mộc thuê ở nơi khác. Tuy nhiên, sau khi được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và sự chủ động, dám nghĩ, dám làm của người dân, đến nay, thôn Bàn Mạch có hơn 100 hộ dân tham gia phát triển sản xuất nghề mộc. Hàng năm, nghề mộc ở thôn Bàn Mạch đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, đem lại thu nhập ổn định cho nhiều người dân trong xã.
Ngoài vận động người dân phát triển kinh tế tại địa phương, với nguồn lao động dồi dào, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Phú Thịnh còn chỉ đạo các ban, ngành nhất là Hội LH Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các gia đình, thanh niên trong độ tuổi lao động chưa có việc làm ổn định tham gia đăng ký xuất khẩu lao động (XKLĐ).
Đến nay, xã Phú Thịnh có trên 45 người tham gia XKLĐ chủ yếu ở thị trường Đài Loan, Nhật Bản. 6 tháng đầu năm 2018, tổng thu nhập toàn xã đạt trên 68 tỷ đồng, trong đó, thu nhập bình quân từ XKLĐ và các lao động có việc làm thường xuyên ước đạt trên 34 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn dưới 2%...
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong lĩnh vực kinh tế đã làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phát triển kinh tế gia đình. Phong trào đã thu hút, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong quần chúng nhân dân, từ đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và thay đổi diện mạo của xã nông thôn mới.
Nguồn: baovinhphuc.com.vn, ngày 23/8/2018