Thứ Sáu, 19/4/2024
Chuyện của những người làm dân vận thôn

Những câu chuyện làm dân vận

 

Quê ở Vĩnh Thái, Vĩnh Linh nhưng từ năm 1998, khi lên vùng đất Hướng Phùng, Hướng Hóa làm kinh tế mới, ông Nguyễn Sĩ Quảng đã chọn nơi đây làm quê hương thứ hai của mình. 20 năm gắn bó với vùng đất này thì có gần 10 năm ông gắn bó với công tác dân vận. Hiện ông Quảng là Tổ trưởng Tổ dân vận thôn Cợp, nơi có 247 hộ dân, trong đó có 90 hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

 


 Việc gì khó, người dân thôn Cợp đều đến nhờ ông Quảng (thứ hai, từ trái sang) giúp đỡ

Ông Quảng có thói quen ghi chép những việc mình tham gia vận động người dân thành công, trong đó có hai câu chuyện được ông nhớ nhất. Câu chuyện thứ nhất là vận động một quần chúng ra khỏi đạo Tin Lành. Ban đầu, ông xác định đây là việc khó và ràng buộc trách nhiệm của mình bằng lời hứa trước Đảng ủy xã để quyết tâm thuyết phục bằng được. Khi ông Quảng đưa ra quan điểm thuyết phục: Cháu được sinh ra trong một gia đình truyền thống, có ông nội là đảng viên, bản thân cháu là người có trình độ học vấn, như vậy nếu được đào tạo thì cháu sẽ có cơ hội để thể hiện bản thân cũng như đóng góp công sức xây dựng bản làng ngày càng đi lên. Lần gặp nào cũng vậy, quần chúng đó đều tiếp, đều nghe và hứa nhưng không làm theo. Thấy chỉ nói không chưa đủ sức thuyết phục, ông bàn bạc để cơ cấu người đó vào ban chấp hành chi đoàn thôn với vai trò thư ký, đồng thời đưa vào tham gia tổ sinh kế của thôn. Thời điểm tham gia vào các hoạt động của đoàn, quần chúng đó đã viết đơn ra khỏi đạo nhưng trên thực tế trong danh sách những người theo đạo Tin Lành của thôn vẫn chưa xóa tên. Ông Quảng biết nhưng mỗi lần gặp lại không đề đạt đến câu chuyện ban đầu, chỉ quan tâm, hỏi han công việc, động viên khích lệ để quần chúng đó nỗ lực vươn lên. Sau một thời gian được sự dìu dắt, giúp đỡ của nhiều người, bản thân thực sự hòa mình vào các công việc của đoàn thể, của thôn nên nhận thức cũng từ đó thay đổi, vào tháng 4/2018, quần chúng đó chính thức ra khỏi đạo Tin Lành, hiện đang là thôn phó thôn Cợp và đang được xem xét để kết nạp đảng. Nhắc lại, ông Quảng vẫn còn cảm giác vui mừng: “Vận động thành công, tôi mừng lắm. Ròng rã 5 tháng trời đến bữa ăn, giấc ngủ tôi cũng suy tính mình phải làm gì tiếp theo để vận động cho được. Trách nhiệm với Đảng ủy xã đã đành nhưng cái quan trọng là mình thấy được tố chất ở con người này”.

 

Câu chuyện thứ hai là tham gia vận động một người dân không làm ruộng trên khu vực miếu cấm của thôn. Khu vực xung quanh miếu là một bãi đất bằng nên anh B. (người dân tộc Kinh) đã cuốc đất làm ruộng. Ban đầu thuyết phục anh B. không làm, anh không chịu, cho rằng đất đó xa khu vực miếu, lại chẳng có quy định cụ thể nào là không được làm. Ông Quảng giải thích: Đây là tín ngưỡng của bà con dân tộc thiểu số ở đây, mình lên đây lập nghiệp thì phải tôn trọng tín ngưỡng đó. Anh B. nghe lời ông, nhưng tục lệ của dân bản khi vi phạm điều cấm là phải nộp bò để làm lễ cúng Giàng. Biết anh B. hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ông Quảng lại quay sang thuyết phục dân bản: Người sai đã biết sai, vậy nên dân bản phải ghi nhận tấm lòng thành của họ bằng một chút lễ nhỏ. Nhưng khi dân bản đồng ý thì anh B. lại không chịu nộp lễ. Vậy nên ông cứ xoay bên này, rồi xoay sang bên kia, nói làm sao để bên nào cũng thấy hợp lý mà làm theo để mâu thuẫn không phát sinh.

 

Bà Hồ Thị Bai (45 tuổi), ở thôn Cợp chia sẻ: “Miềng là hộ nghèo của thôn nhưng không có khoản đóng góp nào của thôn lại không tham gia. Lý do là miềng rất tin tưởng bác Quảng. Có việc chi dù to, dù nhỏ miềng đều nhờ bác và được giúp đỡ rất nhiệt tình”. Được dân tin thì làm gì cũng thành công, đó là bí quyết làm dân vận của ông Quảng.

 

Người ta thường nói: “Cán bộ nào phong trào ấy”, với Hoàng Thành Xuân Nhiên quả không sai. Cô gái thuộc thế hệ 8X này tham gia vào tổ dân vận khu phố từ năm 2010. Từ năm 2010-2018, cô trải qua các cương vị công tác khác nhau, từ công tác đoàn đến Mặt trận và hiện tại là Chủ tịch Hội Nông dân phường 2, thành phố Đông Hà. Làm công tác đoàn, nhiệm vụ của cô là vận động thanh niên trong khu phố tham gia sinh hoạt đoàn. Con số 4 đoàn viên ít ỏi của chi đoàn thời điểm đó đủ để Nhiên thấy nhiệm vụ trước mắt của mình không hề dễ. Tìm hiểu mới biết đa số thanh niên không tham gia sinh hoạt vì “vào đoàn chỉ đi lao động và nộp tiền”. Vận động mãi mà quan điểm đó vẫn không thay đổi. Vậy là Nhiên một mặt phải khuấy động phong trào đoàn ở địa phương bằng các hoạt động thiết thực, mặt khác phải nhờ người lớn tuổi tác động phụ huynh có con em trong độ tuổi tham gia hoạt động đoàn. Nhờ vậy, con số 4 dần tăng lên 13 nhưng nhiều người tham gia với thái độ miễn cưỡng, lấy lệ. Bước tiếp theo, với cương vị bí thư chi đoàn, Nhiên thiết kế nhiều sân chơi bổ ích, sôi nổi để kích thích nhiệt huyết tuổi trẻ. Cũng may lĩnh vực này thuộc sở trường của Nhiên vì suốt những năm học cao đẳng, cô là Bí thư chi đoàn trường năng nổ nên khi về sinh hoạt tại địa phương đã hỗ trợ cô rất nhiều. Đến nay, đoàn viên thanh niên trong khu phố đều là lực lượng xung kích, đi đầu trong các hoạt động của phường.

 

Chuyển sang công tác ở Hội Nông dân phường, nhiệm vụ chính của Nhiên là vận động người dân chuyển đổi mô hình kinh tế. Lẽ thường, người nông dân thì gắn với ruộng đồng, chăn nuôi nên việc triển khai các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao thường được hưởng ứng. Nhưng ở phường 2 có những đặc thù riêng, được ví như “làng giữa phố” nên không phải ai cũng mặn mà với chuyện đó. Thực hiện chủ trương của phường về việc sản xuất rau an toàn cho nông dân trên diện tích 1,5 ha, mặc dù trước đó đã vận động nhưng chỉ 30% diện tích có người đăng ký. Phần lớn các ý kiến đều cho rằng năng suất cây trồng không cao; một số khác chờ việc đền bù khu vực sinh thái hồ Mốc nên không muốn làm. Vậy là Nhiên phải đến từng nhà vận động, bằng cách khẳng định đây là chủ trương đúng đắn của phường vì lợi ích trước hết cho người dân. Việc trồng rau sạch không những đáp ứng về vấn đề an toàn sức khỏe cho bà con mà còn mang lại lợi ích về kinh tế, trong khi đó vốn và giống được hỗ trợ. Riêng về đền bù giải phóng mặt bằng, cô hứa đợi khi cơ quan có thẩm quyền có quyết định chính thức sẽ công bố rộng rãi để bà con được biết, không nên thấp thỏm chờ đợi mà bỏ qua các cơ hội làm ăn. Dần dà, 80% diện tích canh tác rau sạch có người đăng ký.

 

Vậy nhưng kỷ niệm về những lần làm dân vận với cô lại là câu chuyện vận động 17 hộ dân ở tuyến đường 12 Nguyễn Thượng Hiền đóng góp kinh phí nâng tuyến bê tông theo phương châm nhà nước 30%, dân 70%. Tuyến đường này thấp trũng, nên chỉ một trận mưa là ngập úng, gây khó khăn cho người dân trong sinh hoạt. Buổi đầu họp dân, một số hộ không đồng ý vì lý do nộp nhiều tiền trong khi lợi ích khi nâng tuyến bê tông của gia đình họ ít hơn so với các gia đình khác. Buổi họp thứ 2 chỉ vỏn vẹn 3 hộ dân tham gia, tìm hiểu mới biết số hộ không đồng ý ban đầu đã vận động các hộ khác về phía mình. Nhiên cùng với Tổ dân vận khu phố 3 bàn bạc chủ trương, thống nhất xin vay vốn từ Quỹ cộng đồng của thành phố để hỗ trợ các gia đình khó khăn, sau đó đi từng nhà giải thích về lợi ích từ việc đóng góp này cũng như chính sách ưu đãi đi kèm. Chưa bao giờ đi vận động mà cô lại lo ngại như lần ấy, không vì thái độ nặng nhẹ của một số người mà sợ lỡ cơ hội của người dân vì càng lâu, càng có những thay đổi về chính sách như mức nộp cao hay sự hỗ trợ cho vay sẽ không còn. May mà cuối cùng mọi người đều đồng ý với chủ trương trên.

 

Những trăn trở với công tác dân vận

 

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước, đồng thời cũng xác định đây là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Riêng về mô hình tổ dân vận thôn là chủ trương đúng đắn, khoa học, phù hợp với nhu cầu thực tiễn và tình hình công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay. Tổ dân vận thôn được ví là “cánh tay nối dài” của khối dân vận cơ sở, đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị địa phương đến tận người dân. Tuy nhiên, mô hình này chưa được Ban Dân vận Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn tổng kết kinh nghiệm, đúc rút thực tiễn để phổ biến, nhân rộng; trình độ cán bộ làm tổ dân vận thôn còn hạn chế; công tác tập huấn, bồi dưỡng chưa được quan tâm nên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ còn gặp không ít khó khăn, lúng túng. Vì thế, để phát huy hiệu quả của các tổ dân vận thôn cần tiến hành các cuộc khảo sát, nghiên cứu thực tế; tổng kết rút kinh nghiệm để hoạt động của tổ dân vận thôn đi vào chiều rộng, chiều sâu.

 

Ngoài những khó khăn chung trên, mỗi người làm dân vận thôn cũng đối mặt với những khó khăn riêng. Ở địa bàn miền núi, địa hình phức tạp, có những nhà cách trung tâm bản 15 km. Khi có vụ việc, người làm dân vận như ông Quảng luôn có mặt tận nơi, không phải chỉ một lần mà đi lại nhiều lần cho đến khi nào giải quyết xong. Khổ nhất là mỗi khi gặp mưa, tuổi đã cao nên tay lái không còn vững, ông phải gửi xe lại để đi bộ, vừa đi vừa động viên mình “lửa thử vàng gian nan thử sức”. Ông chia sẻ: “Không ai định lượng một nhiệm vụ được giao phải mất bao nhiêu thời gian, công sức và mức kinh phí. Những người làm dân vận thôn đôi khi phải chịu thiệt thòi. Ai cũng muốn hoàn thành nhiệm vụ nên không đặt nặng chuyện tiền nong nhưng nếu được hỗ trợ kinh phí hoạt động thì sẽ động viên nhiều hơn trong công việc đối với các thành viên của tổ dân vận thôn”.

 

Ông Trần Hữu Bắc, tổ dân vận thôn 7 xã Gio Hải lại có những trăn trở khác. Ở quê, những người làm công tác dân vận thôn đâu phải xa lạ gì với dân, ở cùng làng cùng xóm, có khi còn là bà con họ hàng với nhau, nói căng thì rất khó, mà nói cho qua chuyện lại không được. “Quan điểm của tôi là làm dân vận thôn phải làm sao vẹn tình làng nghĩa xóm mà vẫn hoàn thành được việc nước. Về con người, phải chọn đúng đối tượng vì tổ trưởng không thể làm hết các công việc mà đòi hỏi sự phối hợp của các thành viên. Quan trọng nhất là các thành viên trong tổ phải thống nhất được với nhau từ ý chí đến hành động, tránh người nói kiểu này, người nói kiểu khác là hỏng hết việc”.

 

Riêng với Xuân Nhiên, cần có một độ “lì” nhất định với công việc này, nghĩa là phải đeo bám, không được nản lòng, nản chí thì việc khó bao nhiêu cũng thành. Cô trải lòng: “Khi chuyển sang làm công tác Mặt trận, kiêm Bí thư Chi bộ khu phố 4, mỗi lần tham gia vận động việc gì đó, tuy không nói ra nhưng tôi đọc được trong suy nghĩ của nhiều người về mình, đó là còn trẻ lắm, chưa thấu hiểu hết sự tình. Vậy là tôi phải chứng minh năng lực bản thân bằng cách tham gia vào các cuộc thi do phường, thành phố phát động rồi đoạt giải, như giải Nhì cấp thành phố về Mặt trận và công tác bảo vệ môi trường; giải Nhì cấp thành phố về hội thi an toàn giao thông; giải Nhất cấp thành phố hội thi nhà nông đua tài. “Khi khẳng định được năng lực bản thân thì lời nói của mình có sức thuyết phục hơn”, Xuân Nhiên chia sẻ.

Nguồn: baoquangtri.vn, 14/8/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất