Ngày 28/2/2012, Ban Dân vận Trung ương ban hành Hướng dẫn 80-HD/BDVTW về việc thành lập và hoạt động của tổ dân vận thôn, bản, khóm, ấp, tổ dân phố, khu dân cư (gọi tắt là tổ dân vận thôn) nhưng trước đó, từ năm 2010, một số cấp ủy đảng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo điểm thành lập và hoạt động của mô hình này. Đến nay, toàn tỉnh Quảng Trị có 1.113 tổ dân vận thôn bước đầu phát huy hiệu quả trong công tác dân vận ở địa bàn dân cư. Nhiều mô hình của các tổ dân vận thôn, bằng phương pháp vận động khéo đã góp phần khơi dậy sức dân trên nhiều lĩnh vực.
Vận động người dân chuyển đổi sinh kế
Lâu nay, ngư dân thôn 7, xã Gio Hải, huyện Gio Linh luôn nghĩ rằng “gác chèo là hết ăn” nên khi xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển vào tháng 4/2016, hầu như ai cũng hoang mang. Trước mắt, người dân chỉ biết trông chờ vào sự hỗ trợ của chính quyền các cấp. Cũng bởi quan niệm trên nên khi có chủ trương chuyển đổi sinh kế, người dân không mấy mặn mà, đa số có chung suy nghĩ chờ đến khi biển trong lành trở lại sẽ quay về với công việc đánh bắt hải sản vốn gắn bó bao đời. Nhưng chờ đến bao giờ?, đó là câu hỏi khiến chính quyền địa phương cũng như tổ dân vận thôn trăn trở. Vẫn biết quan niệm của ngư dân đã tồn tại lâu nay, muốn thay đổi trong ngày một, ngày hai là không dễ. Nhưng sự cố ô nhiễm môi trường biển ập đến quá đột ngột khiến người dân không kịp trở tay, nay vẫn khăng khăng giữ quan niệm cũ trong khi cuộc sống hằng ngày cần được đảm bảo, không có nghề nghiệp, thu nhập thì cuộc sống của bà con sẽ rơi vào khó khăn.
|
Khu dân cư Đội 5, thôn Nại Cửu, Triệu Đông xây dựng nhiều thiết chế văn hóa và trụ cổng các đường hẻm trong thôn |
Ông Trần Hữu Bắc, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân vận thôn 7 nhớ lại, được giao nhiệm vụ vận động bà con chuyển đổi sinh kế mà khi mới nghe qua chủ trương, người ta đã không muốn nghe thì thật là khó. Trước thực tế khó khăn trên, rất nhiều cuộc họp, hội ý được Tổ dân vận thôn 7 khẩn trương tổ chức và đi đến thống nhất vận động mô hình mẫu để từ đó triển khai nhân rộng. Ông Trần Công Huỳnh, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn là người được vận động đầu tiên để vào vùng đất phía Tây Nam thôn khai hoang trồng các loại cây hoa màu. Đây là vùng đất có diện tích 173 ha bị bỏ hoang đã lâu. Trước đó, xã Gio Hải đã nhiều lần vận động người dân thôn 7 ra vùng đất này khai hoang sản xuất các loại hoa màu để tăng thêm thu nhập, cũng đã có 15 hộ dân đăng ký nhưng rút cuộc không hộ dân nào chịu làm, bởi thói quen làm nghề biển đã ăn sâu trong nếp nghĩ.
Trên diện tích đất được giao, ông Huỳnh đã thử sức làm “nông dân” với vụ mùa đầu tiên là trồng dưa hấu, sau đó mở rộng trồng ném, lạc. Vượt qua những khó khăn ban đầu, mô hình dưa - ném - lạc của ông Huỳnh đã cho hiệu quả kinh tế rõ rệt, với nguồn thu nhập vài chục triệu đồng/vụ. Hiệu quả từ mô hình “người thật, việc thật” của ông Huỳnh là cơ sở để Tổ dân vận thôn 7 tiếp tục vận động 13 hộ dân vào sản xuất tại vùng đất này. Để tạo điều kiện cho bà con đi lại, vận chuyển nông sản, thôn 7 đã đầu tư kinh phí mở một con đường vào khu vực phía Tây Nam, đồng thời quy hoạch 173 ha thành đất trang trại. Trong số 13 hộ dân đang sản xuất tại đây có khoảng 10 hộ dân triển khai các mô hình với quy mô diện tích lớn.
Không chỉ vận động thành công người dân chuyển đổi sinh kế, Tổ dân vận thôn 7 còn khéo léo trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến sự cố ô nhiễm môi trường biển thời điểm đó, vừa đảm bảo thực hiện đúng các chính sách của Nhà nước, của tỉnh, vừa đảm bảo sự đồng thuận, tin tưởng của người dân. Đối với chủ trương đền bù thiệt hại, theo quy định chủ thuyền được nhận mức bồi thường thiệt hại là 60 triệu đồng. Tuy nhiên ở Gio Hải một người sắm thuyền thì có thêm khoảng hai người sắm lưới góp vào để cùng làm nên khi chủ thuyền được đền bù, người lao động chung trên thuyền cũng đề nghị được chia phần, mặc dù bản thân đã được nhận đền bù cho đối tượng lao động biển là 35 triệu đồng. Cái lý của họ là nếu không có lưới mình góp vào thì chủ thuyền không làm nghề được. Trước tình hình trên, Tổ dân vận thôn 7 đã tổ chức họp 42 chủ thuyền và các lao động trên thuyền, phân tích để người dân nắm các nội dung quy định về mức, đối tượng được đền bù để họ hiểu. Một cuộc họp chưa thống nhất được thì tổ chức họp nhiều lần, thậm chí các thành viên trong tổ chia nhau đến từng nhà những người thắc mắc, khiếu kiện để giải thích cho họ hiểu và thấy hợp lý với các mức đền bù do nhà nước hỗ trợ. Trong quá trình vận động, các thành viên tổ dân vận phân tích để người lao động trên thuyền hiểu là việc đề nghị được chia thêm phần đền bù không đúng quy định, vì bản thân họ đã thuộc đối tượng được đền bù. Việc hỗ trợ tùy tâm của chủ thuyền, không nên vì một chút lợi trước mắt mà gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến tình làng nghĩa xóm. Nghe phân tích thấu tình đạt lý, nhiều người rút đơn khiếu nại, còn các chủ thuyền cũng chủ động hỗ trợ các thành viên có góp lưới một ít kinh phí để động viên.
Đến thời điểm người dân nhận tiền đền bù thì lại nảy sinh vấn đề về cách sử dụng đồng tiền mà tổ dân vận không lường trước được. Nắm được thông tin một số người nhận tiền đền bù xong liền đi mua sắm các vật dụng tiện nghi trong gia đình, Tổ dân vận thôn 7 vào cuộc ngay, không để tình trạng sử dụng tiền không đúng mục đích trở nên phổ biến. Kết quả, tổ dân vận đã vận động người dân đầu tư mua ngư lưới cụ, sửa sang thuyền để chờ mùa biển, hoặc đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ở vùng đất phía Tây Nam của xã.
Giúp người cai nghiện hòa nhập cộng đồng
Ở huyện Hướng Hóa có 69 mô hình phòng chống tội phạm của các tổ dân vận thôn, trong đó mô hình của Tổ dân vận khóm Trung Chín, thị trấn Lao Bảo, được coi là mô hình điểm. Trước đây, khóm Trung Chín là địa bàn phức tạp về tội phạm và tệ nạn xã hội của thị trấn Lao Bảo, vào thời điểm năm 2014-2016, khóm Trung Chín có 45 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy.
Tổ dân vận khóm Trung Chín đã vận động đưa ra khỏi danh sách quản lý 13 đối tượng nghiện ma túy. Công tác vận động, cảm hóa các đối tượng nghiện ma túy của Tổ dân vận khóm Trung Chín gặp không ít khó khăn, mà rào cản lớn nhất là từ phía gia đình có người thân dính vào tệ nạn xã hội. Quan niệm của nhiều bậc phụ huynh là con mình lúc nào cũng ngoan hiền nên không thể sa vào thứ chết người đó. Chứng minh cho gia đình biết sự thật về con mình đòi hỏi phải có sự khéo léo, hiểu biết từ phía người đi vận động để khi đón nhận sự thật thì cũng không khoét sâu thêm vào nỗi đau của họ. Ông Lê Bá Quang, Tổ trưởng Tổ dân vận khóm Trung Chín chia sẻ: “Khi đã nắm được đối tượng, thành viên tổ dân vận chia nhau đến từng nhà để trò chuyện với gia đình. Cách nói như thế nào phụ thuộc vào hoàn cảnh từng gia đình nhưng mục tiêu là phải làm cho cha mẹ tin thì mới có sự phối hợp tốt sau này. Có trường hợp chúng tôi phải phối hợp với tổ dân phòng bố trí bắt quả tang đối tượng đang sử dụng ma túy để có lý do tiếp cận. Khi gia đình đã nhận thức được, chúng tôi lại tiếp tục đến vận động họ đưa con đi cai nghiện, hoặc có biện pháp phối hợp giúp con cai nghiện tại gia đình”.
Trong việc phân công từng thành viên đi vận động, Tổ dân vận khóm Trung Chín đã có cách làm phù hợp, hiệu quả. Câu chuyện mà ông Nguyễn Ngọc Đề, thành viên Tổ dân vận khóm Trung Chín chia sẻ cho thấy rõ điều đó. Ông Đề có người cháu họ bị nghiện ma túy. Khi nắm được thông tin, tổ trưởng phân công ông đến nhà để thông báo cho gia đình và ban đầu cũng nhận được phản ứng tiêu cực từ phía bố mẹ cháu. Tuy nhiên, là họ hàng, cũng là người có uy tín trong dân, ông đã giúp gia đình và người cháu của mình nhận ra tác hại khủng khiếp của ma túy. Cháu của ông sau đó quyết tâm đưa vợ con đi lập nghiệp ở một nơi xa để từ bỏ ma túy. Sau thời gian cai nghiện được, nay cả gia đình lại về quê, chí thú làm ăn. Cách vận động người thân đưa đối tượng ra khỏi vùng cư trú một thời gian, cách ly hẳn bạn bè và môi trường nghiện ngập cũng là phương pháp hiệu quả mà Tổ dân vận khóm Trung Chín áp dụng thành công.
Đối với 13 đối tượng vận động cai nghiện được ma túy, tổ dân vận cũng đã theo dõi chặt chẽ để hạn chế tình trạng tái nghiện trở lại. Đồng thời, mỗi thành viên trong tổ dân vận nhờ vào các mối quan hệ của mình để xin cho họ vào làm công nhân ở các công ty trên địa bàn, vừa có thu nhập, vừa hòa nhập cộng đồng hoặc vận động tham gia sinh hoạt đoàn thể để có lối sống lành mạnh.
Khơi sức dân trong phong trào xây dựng nông thôn mới
Dẫn chúng tôi một vòng quanh thôn, ông Trần Chính, Trưởng ban Mặt trận khu dân cư Đội 5, thôn Nại Cửu, xã Triệu Đông, Triệu Phong khoe: “Nhờ sự đóng góp của con em quê hương, khu dân cư 5 đã xây dựng được 6 áp phích cổ động, 9 cặp trụ cổng vào các đường hẻm, hệ thống điện chiếu sáng toàn bộ khu dân cư. Điểm đặc biệt ở khu dân cư Đội 5 là hệ thống đèn chiếu sáng được triển khai từ năm 2013 và là mô hình được nhiều thôn khác trong xã Triệu Đông học tập, nhân rộng”.
Nói thêm về công trình điện chiếu sáng, ông Chính cho biết, thời điểm đó đời sống của người dân trong thôn còn nhiều khó khăn nên để huy động đóng góp là không dễ. Nhờ làm tốt công tác vận động, người dân đều đồng thuận với mong muốn đường làng ngõ xóm sáng hơn. Ban đầu, nguồn kinh phí còn hạn hẹp nên hai, ba hẻm thắp chung một bóng điện, đến nay mỗi con hẻm trong thôn đều có một bóng điện thắp sáng. Điểm sáng tạo trong việc lắp đặt hệ thống đèn điện chiếu sáng toàn bộ khu dân cư Đội 5 là các bóng điện đều quy về một mối cầu dao tổng, việc tắt, bật được thống nhất trong cùng một giờ, vừa tiết kiệm điện, vừa tiết kiệm chi phí, đồng thời không để tình trạng nơi sử dụng ít, nơi sử dụng nhiều gây mất đoàn kết. Tiền điện hằng tháng được trích từ quỹ của Đoàn thanh niên đóng góp trong đêm nhạc hội mừng xuân hằng năm.
Nhưng đó chưa phải là tất cả những gì mà Tổ dân vận khu dân cư 5 đóng góp để làm nên diện mạo mới của thôn Nại Cửu như hôm nay. Cách đây không lâu, trong khu dân cư còn 4 con đường vẫn nguyên hiện trạng cũ là 2 m như xây dựng ban đầu khiến người dân rất vất vả trong việc đi lại. Tổ dân vận khu dân cư 5 đã họp bàn và vận động người dân đóng góp mở rộng đường từ 2 m lên 3 m. Sau khi vận động được các hộ dân đồng ý hiến đất, ban điều hành khu dân cư đã thuê máy múc về làm đường bê tông và huy động 300 ngày công của người dân cùng góp sức làm đường. Đối với những con hẻm đã được bê tông hóa thì tiến hành xây cổng. Nhờ vậy đến nay, tất cả các hẻm trong khu dân cư đều đã được bê tông hóa và có trụ cổng hai bên khang trang.
Phương châm: “Kế hoạch, kết nối và minh bạch” chính là chìa khóa để Tổ dân vận khu dân cư 5, thôn Nại Cửu thành công trong các cuộc vận động. Trước khi triển khai bất cứ cuộc vận động nào, tổ dân vận đều lên kế hoạch cụ thể dựa vào việc nắm bắt các nhu cầu thiết thực trong đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân. Tiếp theo, tổ dân vận thôn kết nối với con em của làng đi làm ăn sinh sống xa để huy động nguồn đóng góp và sau khi hoàn thành bất cứ công trình, phần việc nào đều công khai, minh bạch về tài chính trước dân. Vào mỗi dịp tết, ở địa phương có tổ chức đêm nhạc hội mừng xuân, đây là dịp có mặt đông đủ con em đi làm ăn xa quê trở về. Ngay trong đêm nhạc hội này, tổ dân vận khu dân cư lồng ghép nội dung vận động các khoản đóng góp xây dựng quê hương. Tính đến nay tổng số tiền huy động được từ nguồn đóng góp xã hội hóa của Đội 5, thôn Nại Cửu là 150 triệu đồng, trong đó riêng kinh phí lắp đặt toàn bộ hệ thống điện chiếu sáng hơn 50 triệu đồng.
Nguồn: baoquangtri.vn, 14/8/2018