Chủ Nhật, 12/1/2025
Người thầy giáo đam mê công tác dân vận

 

Theo bà Nguyễn Thị Đẹp - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thạnh Tân, Phó trưởng Khối Dân vận xã, sức ảnh hưởng của ông Hiên không còn trong phạm vi của xã nữa mà lan ra cả tỉnh. Nhắc đến ông là nhiều người nhắc đến một đảng viên gương mẫu đi đầu trong các phong trào từ thiện, phúc lợi xã hội như xây, sửa cầu, làm đường, góp gạo cho các bếp ăn từ thiện trong bệnh viện; phong trào vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; nông dân sản xuất giỏi; khuyến học và bảo vệ an ninh Tổ quốc.

30 năm ông công tác trong ngành giáo dục, nên người dân trong vùng quen gọi ông là thầy. Một thầy giáo hưu trí hội đủ tất cả các yếu tố cần có ở người làm công tác dân vận đó là óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Điểm sơ thành tích và lý lịch công tác của thầy Hiên ta mới thấy khâm phục và hiểu vì sao thầy được người dân kính trọng đến thế.

Sinh ra trong gia đình nông dân Khmer nghèo nhưng thầy được may mắn có cha coi trọng cái chữ. Học hết lớp 3 trường làng thầy được cha động viên lên TX. Sóc Trăng (nay là TP. Sóc Trăng) học tiếp cấp 2, rồi tiếp tục tốt nghiệp trung cấp sư phạm. Năm 1976, thầy được phân công dạy trường cấp 1 - 2 Tuân Tức 1, Tuân Tức 2. Năm 1980, sau khi đạt giải trong kỳ thi giáo viên giỏi cấp tỉnh, thầy được đề bạt làm Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông cơ sở Tân Hòa, rồi Hiệu trưởng (sau này là Trường Tiểu học Thạnh Tân 2).

Vốn có năng khiếu sư phạm lại giỏi Khmer ngữ nên trong các dịp hè, thầy thường được tỉnh mời làm báo cáo viên, bồi dưỡng tiếng Khmer cho thầy cô giáo các trường trong tỉnh. Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương chuẩn hóa ngành sư phạm, thầy trở thành một trong số những giảng viên người dân tộc hiếm hoi được các trường cao đẳng và đại học trong và ngoài tỉnh thỉnh giảng, tạo nguồn Khmer ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức.

Hoài bão trong cuộc đời thầy chính là “Sống phải mang hai lợi ích, một làm cho gia đình mình hạnh phúc, hai là giúp cho xã hội tiến bộ”. Với suy nghĩ đó nên sau khi vừa nghỉ hưu (năm 2006), trở về sinh hoạt nơi chi bộ ấp, thầy hăng hái tham gia tất cả các phong trào chính quyền phát động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng phân công như vận động bà con trong ấp thành lập 4 tổ liên gia, 2 cổng an ninh tự quản, lắp đặt 4 camera an ninh, giúp cho lực lượng công an huyện sớm phát hiện và kịp thời ngăn chặn các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự trên địa bàn. Bản thân và gia đình cùng với nhân dân địa phương tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, thực hiện 11 nội dung của Ban Dân vận Tỉnh ủy phát động như làm hàng rào, vệ sinh môi trường, phát quang đường, trồng cây xanh… vận động mọi người tham gia mô hình thắp sáng nông thôn bằng điện mặt trời, đã có hơn 100 hộ đăng ký.

Là đại biểu HĐND, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thạnh Trị, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước của tỉnh (1 trong 12 nhân sĩ trí thức đầu tiên được tham gia vào Hội), Trưởng Ban Quản trị chùa Pong Tứk Chắs nên thầy luôn được mời đến tham dự các cuộc họp hòa giải, họp triển khai các dự án phát động phong trào, mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp, làm công tác từ thiện. Thông qua đó, thầy tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời động viên bà con trong phum, sóc tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, tự giác từ bỏ các hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống mới, đồng thời bảo tồn văn hóa dân tộc, nghi lễ phong tục người Khmer tại địa phương đúng theo pháp luật Nhà nước như: tổ chức lễ cúng cầu an, mời Đoàn hát Dù kê Ánh Bình Minh về biểu diễn trong dịp lễ, tết, giúp bà con hưởng thụ văn hóa của chính dân tộc mình, góp phần xây dựng phum, sóc văn hóa, ấp văn minh, trật tự… Đội ghe ngo chùa Pong Tứk Chắs những năm gần đây nằm trong tốp những đội mạnh của tỉnh cũng một phần nhờ vào công tác vận động, tổ chức và huấn luyện của thầy.

Thầy Hiên còn là nông dân sản xuất giỏi, đi đầu trong việc vận động 27 nông dân tham gia mô hình tổ hợp tác sản xuất lúa thơm chất lượng cao đầu tiên của ấp với diện tích 50ha, giúp bà con giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất (8 tấn/ha), lợi nhuận. Nhờ đó mà hiện nay ấp Tân Lợi đã thành lập được tổ hợp tác sản xuất giống và 7 tổ hợp tác bao tiêu sản phẩm với hơn 200 hộ thành viên. Các tổ hợp tác đang hoạt động rất hiệu quả.

“Uy tín của thầy không chỉ với người Khmer mà cả đối với người Kinh, vì thầy có tư tưởng, đạo đức, phong cách rất chuẩn mực, thầy nói chuyện rất chân thực, chính xác và đầy thuyết phục”. Anh Phan Ngọc Hồ - Phó Chủ tịch xã Thạnh Tân với thái độ kính trọng khi nhắc đến tên thầy Hiên - Thầy lo việc chung của cộng đồng, hiểu biết sâu rộng nên trong cuộc hòa giải thầy rất khéo léo, dễ thuyết phục bà con. Lúc trước, trung bình mỗi năm thầy hòa giải khoảng 20 vụ, nay còn 2 - 3 vụ chủ yếu là hôn nhân gia đình, xung đột giao thông, đất đai… Là người cha, người ông mẫu mực của một gia đình trí thức tiêu biểu ở địa phương, thầy có sáu người con và cả thảy sáu người đều chăm chỉ, học giỏi, trong đó 4 người tốt nghiệp đại học và đang cống hiến sức trẻ cho quê hương đất nước.

Thầy luôn quan tâm vận động con cháu, học trò cố gắng theo học đến nơi đến chốn, đồng thời trực tiếp đến từng gia đình có con học lớp 12 để tư vấn, hướng dẫn các em thi vào các trường đại học, hướng dẫn học sinh dân tộc làm hồ sơ xét tuyển, vận động các cháu bỏ học trở về trường. Tân Lợi là ấp vùng sâu vùng xa của huyện Thạnh Trị, có 365 hộ dân, người Khmer chiếm 95%, trong đó có 16 em tốt nghiệp đại học, có 3 bác sĩ, nhiều em theo học đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, tất cả  đều có công dẫn dắt của thầy...

Theo thầy Hiên vụ về tranh chấp đất đai là khó hòa giải nhất, vì người thắng thì thương người thua sẽ giận. Khi hòa giải, thầy thường căn theo pháp luật Nhà nước, xen với tình để phân tích rõ cái sai, cái đúng, nên đa phần các vụ tranh chấp có thầy hòa giải đều thành, như trường hợp giữa ông Sơn Niêl với ông Thạch Muôl tranh chấp đất đai trong thân tộc rất căng thẳng. Khi đó, họ không thèm nhìn mặt nhau, nhờ có thầy mà giờ đây sự việc êm xuôi, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, hai bên thuận thảo trở lại.

Được biết con đường dẫn vào ấp dài 800m, ngang 1m này cũng chính nhờ công của thầy vận động mọi người cùng làm. Trước đó, tuyến Huyện lộ 5 được Nhà nước xây dựng, chính quyền xã Thạnh Tân chủ trương tái sử dụng miếng đal cũ để tiết kiệm chi phí. Thấy ấp mình có nhu cầu, thầy đã tranh thủ thuê người cắt thành 4 miếng nhỏ, hơn tháng ròng, 26 hộ dân nơi đây dùng xà lan, cỗ xe chế biến thủ công để vận chuyển vào. Con đường này giờ đây được người dân địa phương ví như con đường mòn Hồ Chí Minh, vì nó được tạo nên từ sự đoàn kết và sẻ chia.

Hơn 10 năm làm công tác dân vận, thầy đã giúp đời sống bà con địa phương tốt đẹp hơn, có thêm 13 cây cầu bê tông vững chắc đi lại như: Sài Gòn 3, Vịnh Nước Sôi, An Lạc 2, Tân Thiện Duyên 1, 2 cầu Ấp B1, cầu cụm dân cư Đập Đá thị trấn Hưng Lợi…; người nghèo bệnh tật ở TX. Ngã Năm, huyện Thạnh Trị, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) có được suất ăn miễn phí; nhiều cuộc hôn nhân tan vỡ được hàn gắn; các vụ tranh chấp đất đai được hòa giải thấu tình đạt lý, tình cảm gia đình, làng xóm, ngày càng thắt chặt, bản sắc văn hóa dân tộc được trân trọng, giữ gìn.

Với những thành quả cống hiến đó, thầy Hiên đã vinh dự nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước, trở thành một gia đình trí thức tiêu biểu có uy tín cấp tỉnh. Vừa qua, thầy vinh dự được Ban Dân vận Trung ương trao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp dân vận “Đã có công trong công tác dân vận của Đảng”./.

Nguồn: baosoctrang.org.vn, ngày 27/7/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất