Thứ Tư, 8/5/2024
Tuyên Quang: Các mô hình “Dân vận khéo” thiết thực

 Lãnh đạo Đảng ủy xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa) vận động nhân dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật
vào trồng lạc hàng hóa

Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Hội Nông dân huyện Lâm Bình đã tích cực vận động hội viên tham gia xây dựng nông thôn mới thông qua việc chủ động tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, hăng hái thi đua lao động sản xuất, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Từ năm 2012 đến năm 2018, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện đã đóng góp trên 600 tỷ đồng, hàng nghìn ngày công lao động, hiến trên 8.500 m2 đất góp sức cùng huyện hoàn thành bê tông hóa 286 km đường giao thông nông thôn; kiên cố hóa 315 km kênh mương; xây dựng 35 nhà văn hóa thôn bản; lắp đặt được 520 bể biogas cho các hộ gia đình và có 946 hộ đã thực hiện xây dựng 3 công trình vệ sinh. Cùng với việc tham gia xây dựng hạ tầng nông thôn, hội viên nông dân trên địa bàn huyện còn tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để phát triển kinh tế, hướng tới giảm nghèo bền vững. Hiện nay, trên địa bàn huyện có các mô hình kinh tế như: Chăn nuôi trâu, bò nhốt vỗ béo ở xã Bình An, thành lập các tổ hợp tác chăn nuôi dê, lợn, chè Khau Mút ở các xã Thổ Bình, Hồng Quang, Xuân Lập.

Tại xã Yên Phú (Hàm Yên), Khối Dân vận xã đã thực hiện mô hình “Dân vận khéo” là khéo tuyên truyền, vận động giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình hạ tầng. Cụ thể như việc xây dựng trụ sở UBND xã và thay đổi diện tích khu chợ, ban đầu vấp phải sự phản ứng của nhiều hộ dân, Khối Dân vận xã đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã tổ chức các buổi đối thoại với nhân dân. Những tâm tư, nguyện vọng nhân dân bày tỏ được chính quyền xã giải thích cặn kẽ góp phần giúp cho chính quyền và người dân có được tiếng nói chung. 

Tương tự, đối với việc vận động 7 hộ dân vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng thủy điện Thác Vàng ở xã Yên Phú, chính quyền đã tích cực tuyên truyền, giải thích, thuyết phục các hộ bị ảnh hưởng. Nhờ đó, bà con nhân dân đã hiểu và ủng hộ, nhường đất cho các nhà đầu tư. Bà Đỗ Thị Thu Hiền, Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng khối Dân vận xã Yên Phú cho biết: Công tác giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề khó khăn, phức tạp. Do đó, Khối Dân vận xã đã phát huy vai trò trong việc tuyên truyền, thuyết phục, vận động nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó tạo sự đồng thuận của nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong việc thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. 

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có trên 7.000 mô hình dân vận khéo trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng nông thôn mới... Trong đó, chỉ tính riêng năm 2018 các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh có trên 1.800 tập thể và gần 3.000 cá nhân đăng ký mới mô hình dân vận khéo trên các lĩnh vực.

Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã tạo khí thế sôi nổi trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, từng bước đi vào chiều sâu. Nhiều mô hình đã góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chăm lo đời sống nhân dân... Việc thực hiện công tác dân vận thông qua xây dựng mô hình “Dân vận khéo” là phương thức quan trọng trong việc tăng cường đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với công tác dân vận trong tình hình mới./.

Nguồn: baotuyenquang.com.vn, ngày 9/7/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất