Chủ Nhật, 12/1/2025
Lan tỏa phong trào “dân vận khéo”

Nhận thấy giá trị kinh tế cao từ cây sa nhân, được sự định hướng của cấp ủy, chính quyền xã Tỏa Tình, chúng tôi đã vận động bà con trong bản chuyển đổi diện tích trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng sa nhân, rồi tận dụng diện tích để trồng sa nhân dưới tán rừng, dưới tán sơn tra. Bởi trồng sa nhân không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giúp người dân phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo vệ rừng, tăng độ phì cho đất - ông Mùa A Và nhắc lại chuyện trồng cây sa nhân. So với các loại cây khác, trồng sa nhân không phải làm cỏ, ít tốn chi phí đầu tư mà đem lại hiệu quả kinh tế cao, giá bán trung bình 600.000 - 700.000 đồng/kg quả khô. Nhờ cây sa nhân mà nhiều hộ đã thoát nghèo, đời sống khá giả. Như gia đình anh Mùa Sáy Tòng, Mùa Chống Và… mỗi năm thu vài chục triệu đồng, thậm chí gần trăm triệu đồng từ sa nhân. Ðể thay đổi tư duy người dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở bản Lồng điều quan trọng như ông Và thường nói đó là phải tuyên truyền, vận động làm sao để bà con hiểu được mục đích, hiệu quả kinh tế để đồng thuận thực hiện.

Không chỉ ở bản Lồng (xã Tỏa Tình) mà ở các thôn, bản khác tại các địa phương trong toàn tỉnh đã và đang xuất hiện rất nhiều mô hình sản xuất chăn nuôi hiệu quả nhờ làm tốt công tác dân vận. Bà Lầu Thị Mại, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, cho biết: Phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục lan tỏa sâu rộng ở tất cả các lĩnh vực. Toàn tỉnh hiện có 365 mô hình “Dân vận khéo” đăng ký và tổ chức triển khai trên tất cả các lĩnh vực, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Nhờ “khéo” phát động và triển khai thực hiện các phong trào thi đua mà phong trào làm kinh tế nông thôn phát triển mạnh. Trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới ở các ngành, địa phương đã huy động được sức mạnh của toàn dân với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. “Khéo” triển khai vận động, riêng năm 2017 nhân dân toàn tỉnh đã đóng góp gần 8,6 tỷ đồng; hiến hơn 18.700m2 đất làm đường giao thông, xây dựng các công trình công cộng, vận động nhân dân đóng góp gần 2.000 ngày công tham gia lao động cộng đồng, xây dựng nhà văn hóa, xây dựng trường học, làm đường…  Nhờ đó đã bê tông hóa hàng nghìn kilômet đường giao thông nội đồng và liên thôn, bản. Nhất là nhờ “khéo” vận động chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế, nhiều mô hình, điển hình trong thi đua phát triển kinh tế hộ được đẩy mạnh thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Nhiều tập thể, cá nhân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất VAC. Các mô hình này bước đầu tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới. Trong đó, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên lĩnh vực phát triển kinh tế thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Cùng với nhiều giải pháp khuyến khích người dân phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng… của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã góp phần tích cực thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Minh Thùy/Báo Điện Biên Phủ Online

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất