Thứ Tư, 24/4/2024
Dân vận khéo ở Phổ Cường

Tạo dựng niềm tin cho nông dân

 Xã Phổ Cường có gần 1.500ha đất trồng lúa, trong đó có 250ha phải trông chờ vào nước trời, riêng thôn Mỹ Trang có gần 80ha. Ruộng bỏ hoang, cuộc sống của người dân gặp khó khăn, nên nhiều gia đình ly hương đến các tỉnh, thành phía nam mưu sinh. Thực tế đó đã đặt ra cho lãnh đạo xã Phổ Cường bài toán không dễ có lời giải.


 Nông dân xã Phổ Cường (Đức Phổ) thu hoạch mía

Từ những năm 1990, gia đình ông Phạm Văn Trai (nay là Chủ tịch Hội CCB xã Phổ Cường) ở thôn Mỹ Trang đã gắn bó với cây mía. Thế nhưng, do hạn chế về giống, kỹ thuật canh tác, cây mía cho năng suất thấp, nên ông Trai chuyển sang trồng lúa, nhưng vùng này lại thường xuyên thiếu nước tưới.

Năm 2015, biết thông tin Nhà máy Đường Phổ Phong có chính sách hỗ trợ nông dân giống mía, kỹ thuật trồng trọt, ông Trai mạnh dạn đưa cây mía trở về với cánh đồng Mỹ Trang. Với 4ha mía, vụ đầu tiên gia đình ông “thắng lớn”, với năng suất trên 80 tấn/ha, lãi gần 10 triệu đồng/ha.

Từ đó, ông Trai đã vận động nông dân trong thôn tích tụ ruộng đất để trồng mía. Nhưng để thay đổi suy nghĩ của người dân về cây mía không phải là chuyện dễ.
 

“Cái được lớn nhất của các mô hình thi đua “Dân vận khéo” trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng là đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, đổi mới trong lao động, sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa, tập trung và bước đầu giúp nâng cao đời sống của nông dân.  Đội ngũ cán bộ nhiệt tình, tâm huyết, có trách nhiệm cao, luôn gần dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân; đồng thời gương mẫu, đi đầu trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ đó nhân dân tin tưởng học tập và làm theo”.


Bí thư Đảng ủy xã Phổ Cường NGÔ MINH QUANG

Nhớ lại thời điểm đi vận động người dân đưa cây mía về với các cánh đồng ở Phổ Cường, ông Trai bảo đó là những ngày “ăn không ngon, ngủ không yên”.

Do cây mía đã có thời “gây khổ” cho dân, còn gia đình ông chỉ mới làm vụ đầu tiên, nên nhiều bà con vẫn còn nghi ngờ về tính hiệu quả của cây mía. Nhiều hộ dân lại muốn trồng lúa để lấy rơm rạ phục vụ chăn nuôi, một số khác sợ dồn điền, đổi thửa sẽ mất ruộng. Tuy vậy, ông đã kiên trì vận động người dân, mạnh dạn chuyển đổi từ trồng một vụ lúa sang trồng mía.

Đến khi Nhà máy Đường Phổ Phong cam kết giúp người dân đầu tư giống mía, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch... bằng cơ giới hóa hoàn toàn, thì người dân bắt đầu chuyển ý. Đầu tiên là 10ha, sau đó là 27ha và hiện giờ ở thôn Mỹ Trang, diện tích trồng mía đã lên đến hơn 45ha, với gần 20 hộ tham gia.

Cán bộ, đảng viên đi đầu

Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi là nhiệm vụ trọng tâm được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Phổ Cường lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2015 - 2020). Đảng ủy xã đã chỉ đạo UBND xã tiến hành rà soát các loại đất, quy hoạch, định hướng các giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn.

Đảng ủy xã cũng đã tổ chức nhiều hội nghị để bàn bạc, thống nhất kế hoạch để triển khai, giao trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên nêu gương làm trước và các thành viên tổ dân vận tích cực tuyên truyền, vận động, nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Bí thư Đảng ủy xã Phổ Cường Ngô Minh Quang cho biết, Đảng ủy xã đã chọn mô hình dân vận khéo “Chuyển đổi cây trồng tại thôn Mỹ Trang” do Chủ tịch Hội CCB xã Phạm Văn Trai phát động để “làm gương” cho người dân noi theo.

Ông Trai là người có uy tín trong thôn, xã, từng làm Trưởng thôn Mỹ Trang, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp 1 Phổ Cường; hơn nữa gia đình ông đã tiên phong thực hiện chuyển đổi có hiệu quả từ cây lúa sang cây mía, nên người dân tin tưởng và làm theo. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, đến nay số diện tích được chuyển đổi sang trồng mía ở xã Phổ Cường đã tăng lên 180ha.

Nguồn: baoquangngai.vn, 31/7/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất