Thứ Bảy, 16/11/2024
Ninh Bình: Mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế tiếp tục được nhân rộng

 Cơ sở sản xuất gạch không nung của Công ty TNHH xây dựng Việt Thành
tại xã Gia Vân (Gia Viễn) đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương

Có được kết quả đó là do các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị tỉnh Ninh Bình đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, tập trung giải quyết các vấn đề khó khăn, bức xúc của nhân dân. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” có hiệu quả tiếp tục được duy trì và phát triển. Điển hình là mô hình trang trại nuôi gà đẻ trứng thương phẩm của ông Nguyễn Văn Diện tại thôn Đại áng, xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư. Ông Diện trước đây kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng nhưng năm 2013, nhận thấy mô hình nuôi gà Ai Cập cho hiệu quả kinh tế rất cao, ông Diện quyết tâm chuyển hướng làm ăn sang lĩnh vực chăn nuôi. Ông đấu thầu 6.000m2 đất trồng lúa kém hiệu quả của thôn Đại áng để quy hoạch xây dựng trang trại một cách bài bản, lắp đặt hệ thống thông gió, dàn lạnh, chuồng nhốt, máng ăn, uống... Vượt qua nhiều khó khăn, đến nay, quy mô chăn nuôi gà đẻ trứng của gia đình ông Diện đã lên tới trên 10.000 con, hàng năm cung cấp ra thị trường trên dưới 1 triệu quả trứng; gà không còn khả năng đẻ trứng, thải loại sau khi thôi đẻ bán ra thị trường hàng năm đạt khoảng chục tấn. Tính riêng tiền bán trứng gà, trừ chi phí trung bình mỗi ngày thu về 1,5-2 triệu đồng; tổng cộng ông Diện lãi gần 500 triệu đồng mỗi năm. Trang trại gà của ông Diện thường xuyên tạo việc làm cho 8 lao động địa phương với mức lương từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Trong thời gian qua, mô hình kinh tế của gia đình ông được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là Hội Nông dân tỉnh, huyện về vốn, chuyển giao KHKT.

Đặc biệt, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới (năm 2018 có huyện Yên Khánh và 10 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới) đã tạo động lực mạnh mẽ, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, được các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân tích cực hưởng ứng, tạo bước chuyển biến tích cực trong các phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Nhiều cách làm hay, mô hình “Dân vận khéo” hiệu quả được duy trì và phát triển, huy động sự tham gia tích cực của nhân dân như: vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế; vận động nhân dân góp tiền, hiến đất dồn điền đổi thửa tạo ô thửa lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tự nguyện đóng góp công sức, kinh phí, hiến đất, ủng hộ tiền, vật liệu, cùng sự hỗ trợ của Nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

ủy ban MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội, hội quần chúng cấp tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tham mưu, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia phong trào thi đua “Dân vận khéo”; vận động các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp ủng hộ xây dựng nông thôn mới; thành lập các tổ giúp việc tham gia giúp các xã đăng ký về đích nông thôn mới năm 2017; triển khai giám sát việc huy động đóng góp của nhân dân và các tổ chức trong xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó ở nhiều địa phương tiếp tục triển khai nhiều mô hình trình diễn cây trồng có giá trị kinh tế cao để nhân dân làm theo; mở các lớp tập huấn, hội nghị đầu bờ về sản xuất, chăn nuôi; hỗ trợ hội viên, đoàn viên nghèo khó khăn vay vốn phát triển sản xuất thông qua tổ tiết kiệm, tổ vay vốn.

Một số cách làm và mô hình “Dân vận khéo” được triển khai đã đạt hiệu quả tốt như: mô hình “Cơ giới hóa trong thu gom rơm rạ để làm thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trồng nấm ăn” và mô hình “Chuyển đổi diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm” (Sở Nông nghiệp và PTNT); tổ liên kết thanh niên phát triển kinh tế tại xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn (Tỉnh đoàn); chuyển đổi mô hình cây con đặc sản Thiên Vỹ (Hội Cựu chiến binh tỉnh); giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế hộ gia đình tại khu vực đê Bình Minh 3, xã Kim Đông (Phòng Hậu cần, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh); tổ hợp tác sản xuất rau an toàn xóm Chùa, xã Gia Thủy (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh); sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, mô hình gà thả vườn (Hội Nông dân tỉnh) và vận động nông dân trồng nấm và cây dược liệu tại xã Khánh Công (Hội Nông dân huyện Yên Khánh); chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng gắn với chăn nuôi (Khối Dân vận xã Đồng Phong, huyện Nho Quan); mô hình sản xuất 86 ha lúa giống, lúa chất lượng cao (xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh); vận động hội viên nông dân tham gia chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao (phường Ninh Sơn, thành phố Ninh Bình); ủng hộ con giống sinh sản (Hội Nông dân phường Yên Bình, thành phố Tam Điệp); phát triển kinh tế trang trại kết hợp với trồng lúa (xã Gia Minh, huyện Gia Viễn); trồng ổi Đài Loan (Hội Nông dân xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp)...

Theo Ban Chỉ đạo phong trào “Dân vận khéo” của tỉnh, thời gian tới sẽ tăng cường kiểm tra, khảo sát, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện các mô hình “Dân vận khéo”, trong đó dành sự quan tâm cho các mô hình, điển hình trong lĩnh vực phát triển kinh tế. Đồng thời tổ chức trao đổi, học tập kinh nghiệm, phổ biến cách làm hay, sáng tạo; quan tâm chỉ đạo đầu tư xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong lĩnh vực kinh tế một cách hiệu quả, có sức lan tỏa trong cộng đồng... để phong trào ngày một phát triển với hiệu quả cao, bền vững./.

Nguồn: baoninhbinh.org.vn, ngày 31/7/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi