Chủ Nhật, 12/1/2025
Đổi thay từ việc vận dụng sáng tạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở huyện vùng cao biên giới

Nhiều năm về trước, người dân xã Quyết Tiến chỉ biết lấy những ruộng lúa, nương ngô làm nguồn sống, thu nhập vì thế cũng thiếu trước, hụt sau. Vậy mà giờ đây, xã đã trở thành vùng dược liệu nổi tiếng được nhiều thương lái tìm đến, cuộc sống của nhiều hộ dân vì thế cũng thoát nghèo.

Có được những đổi thay đáng kể như vậy ở Quyết Tiến chính là việc Đảng bộ và nhân dân xã đã cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng bộ huyện Quản Bạ về phát triển kinh tế. Theo đó, huyện chủ trương đẩy mạnh phát triển 3 cây: Hồng không hạt, ngô lai và dược liệu.

Tìm gặp anh Vàng Thìn Nghì, người được xem là “vua” dược liệu ở Quyết Tiến khi anh đang trao đổi công việc với hai chuyên gia nước ngoài, anh Nghì cho biết: Anh đang có 15 ha trồng đương quy, sau 16 tháng sẽ cho thu hoạch; mỗi vụ thu về trên 2 tỷ đồng, trừ chi phí lãi vào khoảng 700 triệu đồng/năm.

Không chỉ có vậy, vườn dược liệu của anh đang tạo việc làm cho 65 lao động thường xuyên và khoảng 300 lao động thời vụ, chủ yếu là người dân thôn Đông Kinh. Nhờ gắn bó với cây dược liệu mà những người dân địa phương có thu nhập ổn định ở mức 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Là điển hình sản xuất – kinh doanh giỏi, đảng viên Vàng Thìn Nghì còn là hạt nhân tham gia phong trào thi đua “Dân vận khéo”. “Không chỉ làm giàu cho bản thân, tạo việc làm cho bà con trong thôn, là người đảng viên, tôi nhận thấy mình cần có trách nhiệm tham gia tuyên truyền, vận động người thân, bạn bè, hàng xóm thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, dần xóa bỏ những tập tục lạc hậu. Điều này khá mất nhiều thời gia,n nhưng nhờ kiên trì vận động với lý lẽ thuyết phục, bà con đã làm theo, dần xây dựng nếp sống mới văn minh hơn nhưng vẫn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”, người con dân tộc Bố Y nói.

Chính nhờ những đảng viên “nói đi đôi với làm” gương mẫu, đi đầu như vậy mà diện mạo nông thôn ở Quyết Tiến đã thay đổi đáng kể. Hàng chục chuồng trại chăn nuôi đã được di dời ra xa khu nhà ở, hàng chục nhà vệ sinh được xây mới hợp vệ sinh. Môi trường, sức khỏe người dân cũng được đảm bảo, tạo tiền đề để Quyết Tiến trở thành xã nông thôn mới vào cuối năm 2018.

Nói về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Bí thư Huyện ủy Quản Bạ Hoàng Đình Phới cho biết, Đảng bộ huyện quan tâm chỉ đạo rất quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm và cách làm linh hoạt với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau, việc cần ít tiền làm trước, việc cần nhiều tiền làm sau”.

Đồng chí Bí thư Huyện ủy nêu ví dụ, là huyện vùng cao, cách 900 m có nơi đến 1.200 m so với mặt nước biển, đất là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá với đồng bào các dân tộc Quản Bạ. Bởi thế mà việc vận động bà con tham gia hiến đất làm đường giao thông nông thôn không phải việc đơn giản. Thế nhưng không chỉ hiến đất làm đường, bà con còn hiến đất làm nhà văn hóa, xây dựng các điểm trường, di dời chuồng trại, xây nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh.

“Từ năm 2015 đến nay, bà con đã hiến trên 66,3 nghìn m2 đất, mở mới 54,4 km mặt nền đường, đổ 49,24 km đường bê tông, xây 26 nhà văn hóa thôn, 2.788 nhà tiêu, 508 nhà tắm, di dời 1.400 chuồng trại… Ngay sau khi vận động được các hộ gia đình hiến đất thành công, công tác khen thưởng, tuyên truyền được tiến hành không chỉ trong thôn, xã mà còn qua hệ thống phát thanh, truyền hình, báo đài của huyện, của tỉnh, tạo sự lan tỏa, đồng thuận từ nhân dân. Để có được kết quả này không thể phủ nhận vai trò của các thành viên tổ dân vận tại các thôn, tổ dân phố”, người đứng đầu huyện cho biết.

Chỉ từ 3 tổ dân vận thôn thí điểm năm 2012, đến nay ở Quản Bạ, 100% các thôn, bản, tổ dân phố thuộc 13 xã, thị trấn đều có tổ dân vận hoạt động dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của đảng ủy, chi ủy, chi bộ thôn. 107 tổ dân vận với 995 thành viên hoạt động rất sâu sát, sẵn sàng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải quyết tranh chấp, đứng ra hòa giải cũng như kịp thời kiến nghị với cấp trên những bức xúc, nguyện vọng của người dân.

“Trước khi thôn, bản quyết định làm công việc gì đều phải lấy ý kiến của các thành viên trong tổ dân vận đại diện cho đoàn viên, hội viên, các tầng lớp, các nhóm, đối tượng khác nhau nên khi triển khai đều nhận được sự đồng thuận cao. Tình hình dân tộc, tôn giáo, mâu thuẫn xuất hiện trên địa bàn đều được báo cáo ngay cho chi ủy, chi bộ. Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới mang lại dấu ấn rõ nhất, khẳng định vai trò, sự cần thiết của tổ dân vận, nhất là ở huyện vùng cao biên giới với 11 xã đặc biệt khó khăn, 5 xã giáp biên như Quản Bạ”, Bí thư Huyện ủy đánh giá.

Đồng chí Hoàng Đình Phới cung cấp thêm, thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, huyện đã tổ chức lại bộ máy khối Dân vận. Cán bộ, công chức trên địa bàn huyện đều được quán triệt phải có thái độ đúng mực khi tiếp xúc với dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, làm hết việc mới được nghỉ, không được nhũng nhiễu để người dân phàn nàn. Bên cạnh duy trì tổ dân vận ở 107/107 thôn, tổ dân phố, từ năm 2016, huyện còn tổ chức diễn đàn “Nghe dân nói, nói dân nghe” và Hội nghị “Đối thoại trực tiếp giữa Bí thư cấp ủy với cơ sở và cử tri các cấp”.

“Bản thân tôi, qua việc trực tiếp đối thoại, lắng nghe kiến nghị của nhân dân, đã thấy rõ những bất cập, chỉ đạo xử lý làm ngay tuyến đường từ km 32 Quốc lộ 4C đi đội 1 và đội 3 thôn Khâu Bủng, xã Quyết Tiến để người dân, nhất là các cháu nhỏ đi học được thuận tiện; hay như đồng ý xây dựng ngay hệ thống kênh mương trên trục đường chính thôn Nà Khoang, xã Quản Bạ vừa để thoát nước, vừa để tưới tiêu cho bà con. Đó chính là thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, xây dựng chính quyền thực sự gần dân, của dân, do dân và vì dân”, Bí thư Huyện ủy nói./.

Minh Châu/Báo điện tử Đảng cộng sản

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất