Chủ Nhật, 12/1/2025
Mô hình phù hợp giúp dân nâng cao đời sống

Những ngày này, anh Nguyễn Thanh Tòng, khu vực 11, phường Hưng Phú, chuẩn bị thu hoạch đợt ớt sừng vàng đầu tiên của năm 2018. Nhìn những cây ớt xanh tốt chi chít trái, anh Tòng bộc bạch: “Nhờ cán bộ phường, khu vực quan tâm động viên tôi chuyển đổi từ vườn tạp sang trồng màu mà cuộc sống gia đình khấm khá hơn”.


 Nhờ chuyển đổi mô hình sản xuất mà đời sống nông dân Hưng Phú ngày càng nâng cao

Anh Tòng kể, trước đây, 6.000m2 vườn của anh trồng nhiều loại cây, hiệu quả kinh tế không cao. Cán bộ phường, khu vực vận động chuyển đổi sản xuất, anh trồng ớt hiểm, nhưng do đất bị phèn, cây không tốt. Với quyết tâm làm giàu, anh chuyển sang trồng ớt sừng vàng và hiệu quả thấy rõ. Mỗi năm, anh lời từ 70-120 triệu đồng. Anh Tòng chia sẻ: “Mình phải chịu khó chăm sóc, ớt mới phát triển tốt, trái nhiều”. Hiện nay, anh Tòng trồng xen 350 gốc bưởi da xanh, với mong muốn tăng thu nhập gia đình.

Theo ông Lý Văn Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Hưng Phú, do thực hiện các dự án, diện tích đất nông nghiệp của phường giảm dần. Hội Nông dân phường giới thiệu những mô hình làm ăn hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương để bà con chọn mô hình phù hợp, trong đó có mô hình trồng rau màu. Ban đầu, có 35 hộ ở của khu vực 11 tận dụng đất vườn, ruộng để trồng rau màu với diện tích 10ha, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Đến nay, mô hình nhân rộng với 45 hộ tham gia, diện tích 13ha.

Mô hình chăn nuôi bò sữa của gia đình chị Lưu Kim Thắm ở khu vực 11 cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chị Thắm kể, thấy một số người khấm khá nhờ nuôi bò sữa, chị mạnh dạn mua 2 con bò sữa về nuôi. Hiện nay, đàn bò của chị được nhân lên 18 con; trong đó có 13 con bò đang cho sữa. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng gia đình chị lời trung bình khoảng 15 triệu đồng. Chị Thắm nói: “Nhờ các cán bộ khu vực, phường giới thiệu vay vốn từ Ngân hàng Chính sách- Xã hội, gia đình tôi có điều kiện phát triển đàn bò. Hiện nay, gia đình tôi ký hợp đồng bán sữa bò cho Nhà máy Sữa Vinamilk Cần Thơ nên tôi không lo đầu ra sản phẩm. Chăn nuôi bò sữa phải nắm vững kỹ thuật để đàn bò phát triển tốt, chất lượng sữa đảm bảo thì giá sẽ cao”.

Bên cạnh việc vận động nhân dân phát triển sản xuất, kinh doanh, cán bộ, đảng viên phường Hưng Phú còn tiên phong thực hiện mô hình sản xuất hiệu quả. Điển hình như ông Nguyễn Hữu Nữa, Phó Chủ tịch UBND phường Hưng Phú. Ông Nữa chia sẻ: “Bác Hồ dạy “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Vì thế, khi phát động phong trào, vận động nhân dân, bản thân cán bộ, đảng viên phải tham gia cùng bà con. Điều kiện kinh tế gia đình ổn định, công tác vận động quần chúng mới hiệu quả cao”. Nói đi đôi với làm, ông Nữa chọn nuôi heo rừng và cùng các thành viên gia đình chịu khó lấy cặn từ các quán ăn, tận dụng xác đậu nành, chuối… làm thức ăn cho heo. Từ 4 con heo nái, 1 heo đực ban đầu, đàn heo của gia đình ông đã nâng lên 14 con heo nái, 1 con heo đực. Trung bình mỗi năm gia đình ông thu nhập từ heo rừng hơn 70 triệu đồng...

Năm 2018, qua phát động xây dựng mô hình “Dân vận khéo”, các ngành, đoàn thể, khu vực của phường Hưng Phú đã xây dựng 12 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực. Theo ông Nguyễn Văn Sang, Trưởng Khối vận phường Hưng Phú, các mô hình “Dân vận khéo” được thực hiện đều gắn kết chặt chẽ với điều kiện thực tế của địa phương và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Khối Dân vận phường sẽ tổ chức lựa chọn đăng ký, nhân rộng các mô hình thiết thực gắn với nhiệm vụ chính trị, góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển..

Nguồn: baocantho.com.vn, 8/8/2018

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất