Thứ Bảy, 16/11/2024
'Dân vận khéo' trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập
 
 Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam phát biểu tại đại hội

Đại hội có sự tham dự của 300 gia đình, dòng họ học tập tiêu biểu thay mặt cho hàng vạn gia đình, dòng họ học tập trong thành phố. 

Các đại biểu dự Đại hội đã thống nhất năm 2019 phấn đấu nâng tỷ lệ gia đình học tập lên 70%, dòng họ học tập lên 50%, cộng đồng học tập lên 60%...; hoàn thành các chỉ tiêu mô hình học tập theo đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Các cấp hội tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đồng thời, các cấp hội chủ động xây dựng kế hoạch triển khai các mô hình học tập hàng năm của cơ sở mình, bám sát các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục đánh giá, khen thưởng; duy trì nền nếp hoạt động, đổi mới phương thức tổ chức hoạt động hiệu quả.

Hội tăng cường xã hội hóa các nguồn lực, xây dựng Quỹ khuyến học các cấp, duy trì công tác trao học bổng khuyến học, khuyến tài cho các học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi, học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, tổ chức tôn vinh cán bộ khuyến học, nhà hảo tâm tiêu biểu…

Thay mặt Thường trực Trung ương hội Khuyến học Việt Nam, bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đánh giá cao những thành tích đạt được trong thời gian qua của các cấp Hội Khuyến học và các gia đình, dòng họ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, giáo dục Hà Nội đã có bước phát triển mạnh mẽ, giữ vững vị trí dẫn đầu về giáo dục trong cả nước, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của gia đình và dòng học trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan yêu cầu các cấp Hội Khuyến học thành phố Hà Nội, các gia đình, dòng họ cần nỗ lực phấn đấu, hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Đặc biệt, các gia đình, dòng họ vừa phải thích ứng với sự phát triển của xã hội theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, vừa giữ vững được truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, luôn lấy gia đình dòng họ làm cơ sở, làm nền tảng để phát triển địa phương và đất nước, tạo điều kiện thuận lợi để con, cháu trong gia đình, dòng họ được học tập, phát triển tri thức.

Sau 3 năm thực hiện đại trà các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” cấp thôn, bản, tổ dân phố và “Đơn vị học tập” ở cơ sở thuộc xã, phường, thị trấn quản lý, các cấp Hội Khuyến học thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện nhiều chuyên đề, nội dung chủ yếu tập trung vào chủ đề “Dân vận khéo” trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Trong đó, năm 2016, năm đầu tiên thực hiện đại trà đánh giá, công nhận các mô hình học tập, toàn thành phố đã có trên 805.000 gia đình được công nhận là gia đình học tập, chiếm 51% tổng số gia đình toàn thành phố; hơn 4.300 dòng họ được công nhận gia đình học tập, chiếm 37% tổng số dòng họ toàn thành phố. Năm 2017, các tỷ lệ này đã tăng lên với 56% gia đình học tập và 44% dòng họ học tập.

Năm 2018, Hội Khuyến học các cấp của Hà Nội phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu các mô hình học tập Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam giao. Thành phố đã có gần 1,5 triệu gia đình đăng ký Gia đình học tập, 7.695 dòng họ đăng ký Dòng họ học tập.

Dịp này, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã tặng Bằng khen cho 17 gia đình, dòng họ; Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tặng Giấy khen cho 17 gia đình, dòng họ học tập tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của thành phố Hà Nội.

Nguồn: TTXVN

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi